Ai là người đã xin vua Tự Đức miễn cho làng Nghi Tàm khỏi lệ tiến cống chim sâm cầm?
Ai là người đã xin vua Tự Đức miễn cho làng Nghi Tàm khỏi lệ tiến cống chim sâm cầm?
K.N
Chủ nhật, ngày 16/06/2024 21:30 PM (GMT+7)
Trong những năm đầu triều vua Tự Đức, bà đã gián tiếp xin vua miễn cho làng Nghi Tàm khỏi lệ tiến cống chim sâm cầm; điều đó nói lên sự quan tâm nhân ái đối với dân làng và hình bóng đất Bắc Hà luôn in đậm trong tâm hồn người nữ sĩ tài hoa.
Bà Huyện Thanh Quan là một nhà thơ chặt chẽ về niêm luật. Tên thật của bà là Nguyễn Thị Hinh, người làng Nghi Tàm, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Hà Đông (nay là Hoàn Long, Hà Nội). Bà là một nữ sĩ thời Nguyễn, tiểu sử của bà không được sử cũ ghi chép đầy đủ. Vì thế, ngày nay người ta chỉ biết bà là ái nữ của một vị danh nho tên là Lưu Nghị, sinh quán tại làng Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì (nay là thành phố Hà Nội).
Cũng vì thế mà đến nay, không ai rõ năm sinh và năm mất của bà. Chỉ biết cha bà là học trò của cụ Phạm Quý Thích - một tiến sĩ đời nhà Lê và là bạn thân của thi hào Nguyễn Du. Quê bà là nơi vào thế kỷ XII có công chúa Từ Hoa, con vua Thần Tông nhà Lý, người đầy lòng nhân ái; đã từ bỏ cung vua để lập trại dạy cung nữ trồng dâu nuôi tằm, hòa mình với đời sống của dân; sau lại đem tất cả những gì mình có để làm công quả xây nên chùa Sen Vàng (Kim Liên). Đây cũng là nơi mà sau này có nhiều dấu ấn của vua Lê Chúa Trịnh - chúa Trịnh Giang mở bến tắm, chúa Trịnh Sâm mở các hành cung. Gần đó là xóm Bảo Khánh, chỗ bà chúa Liễu Hạnh dong thuyền ngâm thơ cùng với Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, "trăng tròn soi một bóng tiên thôi", nơi đẹp đến nỗi "đất trời lộn sắc" - không biết đâu là nước, đâu là mây.
Được gọi là bà Huyện Thanh Quan bởi cô Hinh lấy chồng người làng Nguyệt Áng, đậu cử nhân đời vua Minh Mạng. Lúc đầu, ông được bổ làm Tri huyện Thanh Quan (tỉnh Thái Bình), rồi vì can án nên bị cách chức, sau lại được làm Bát phẩm Thi lại bộ Hình, sau cùng được thăng lên chức Viên ngoại lang. Phần bà, nhờ nổi tiếng là hay chữ nên được vua Minh Mạng vời vào cung và phong cho chức Cung trung giáo tập để dạy các cung nữ học. Trong những năm đầu triều vua Tự Đức, bà đã gián tiếp xin vua miễn cho làng Nghi Tàm khỏi lệ tiến cống chim sâm cầm; điều đó nói lên sự quan tâm nhân ái đối với dân làng và hình bóng đất Bắc Hà luôn in đậm trong tâm hồn người nữ sĩ tài hoa. Thơ của bà để lại được chính thức công nhận là 6 bài. Đó là: Qua đèo Ngang, Chùa Trấn Bắc, Thăng Long hoài cổ, Cảnh chiều hôm, Chiều hôm nhớ nhà, Cảnh thu. Chúng đều là những bài thơ tả cảnh, đẹp như những bức tranh thủy mặc chấm phá; nhưng không chỉ có vậy, đây lại là những bài thơ mượn cảnh để gửi gắm tâm tình.
Thể thơ Đường luật của Trung Hoa có một bố cục chặt chẽ, với số chữ và số câu hạn chế, lại thêm những quy luật niêm và đối phức tạp. Với chữ Hán đã khó, dùng chữ Nôm lại còn khó hơn. Nhất là về ý, thơ lại mượn cảnh để diễn tả tâm tình, phải có sự hòa hợp giữa tâm hồn và ngoại cảnh, giữa tình cảm và lý trí. Rồi "ý tại ngôn ngoại", nghĩa là dùng chữ diễn ý sao cho ngắn gọn, đầy đủ; nhưng cũng có "ý bất thành văn", nghĩa là như còn thiếu cái gì đó để gợi thêm tưởng tượng và tâm tình, như "trời chiều bảng lảng". Thật hay nhưng thật khó, thế mà điều đó có được trong thơ của bà Huyện Thanh Quan. Có thể nói rằng, những câu thơ của bà thật đẹp và khó có một chữ thừa: Bước tới đèo Ngang bóng xế tà/Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Ngay cách đảo ngữ cũng làm cho câu thơ ngắn gọn, mạnh mẽ, nhưng lại thật trong sáng, nhẹ nhàng: Gác mái, ngư ông về viễn phố/Gõ sừng, mục tử lại cô thôn.
Và nhất là những từ ngữ, hình ảnh, âm điệu đối xứng nhau thật đẹp, thật hay: Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt/Nước còn cau mặt với tang thương.
Thơ bà còn được chú ý vì một lẽ nữa, đó là nghệ thuật hết sức điêu luyện. Ở đó, niêm luật đều chặt chẽ mà không gây cảm giác gò bó, xếp đặt. Câu thơ của bà trang nhã, từ ngữ trau chuốt và chọn lọc công phu...
Về thể thơ Đường luật, trước bà người ta đã làm vô số, sau bà người ta cũng còn làm vô số, nhưng trước cũng như sau, có lẽ không ai vượt được nữ sĩ Thanh Quan. Để được công nhận như vậy, có lẽ vì bà là một nhà thơ kinh điển về niêm luật, sáng tạo về ngôn từ và sự thăng hoa của cảm xúc.
Lời bàn Bà Huyện Thanh Quan
Không phải chỉ có người đương thời mà ngay cả hậu thế ngày nay cũng phải bái phục và tôn vinh rằng trong dòng văn học chữ Nôm của nước nhà thời phong kiến có ba nữ sĩ tài năng - ba bà chúa của thơ Nôm là: Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm và bà Huyện Thanh Quan. Tuy mỗi người một vẻ, nhưng cả ba bà đã tô điểm cho văn học Việt Nam những nét tuyệt vời. Hồ Xuân Hương với nét trẻ trung, tươi mát, tạo thêm tính lạc quan yêu đời. Đoàn Thị Điểm thì chung thủy thắm thiết đã nêu cao truyền thống của người phụ nữ Việt Nam nghĩa tình sâu đậm. Còn bà Huyện Thanh Quan lại đoan trang, kiên nghị, hoài cổ, đã tạo thêm nghị lực trung trinh, lòng yêu mến, trân trọng quá khứ của tiền nhân và gia đình.
Và nếu văn chương chữ Nôm như một kho tàng chứa đầy châu ngọc thì với tài năng kiệt xuất của mình, bà Huyện Thanh Quan đã chọn lọc và gọt giũa những viên ngọc để kết thành vương miện cho nàng thơ. Trên vương miện đó, số châu ngọc tuy không nhiều nhưng thật đẹp và đã tạo nên dáng vẻ yêu kiều tôn quý cho một nàng thơ đài các, uy nghi, khiến bao người phải ngưỡng mộ. Trong lâu đài văn học Việt, thơ văn của bà là hình mẫu của sự đoan trang đầy tài năng và đức hạnh. Chính những bài thơ ấy của bà đã giúp ích cho chúng ta xây dựng tương lai khi nhớ thương, yêu mến những di sản của cha ông.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.