Danh tướng nào của nghĩa quân Lam Sơn đã chém đầu Liễu Thăng?
Danh tướng nào của nghĩa quân Lam Sơn đã chém đầu Liễu Thăng?
Đình Tú
Thứ hai, ngày 10/06/2024 21:45 PM (GMT+7)
Liễu Thăng, một danh tướng lừng lẫy của nhà Minh (Trung Quốc) kiêu dũng và dày dạn kinh nghiệm chiến trường đã thảm bại trước nghĩa quân của Bình Định Vương - Lê Lợi. Bản thân Liễu Thăng bị chém rơi đầu, quân Liễu Thăng “mười phần chết chín”. Vậy ai là người chém đầu danh tướng Liễu Thăng?
Trong nhiều tư liệu lịch sử có ghi: sau thất bại trong trận Tốt Động - Chúc Động (5 – 7/11/1426), Vương Thông (Wang Tong) vờ xin giảng hoà để chờ viện binh chính quốc. Tháng 10/1427, viện binh từ Trung Quốc chia làm hai đạo tiến sang; đạo quân Liễu Thăng (khoảng 100 nghìn) từ Quảng Tây qua Lạng Sơn vào Đông Quan; đạo quân Mộc Thạnh (Mu Sheng) (khoảng 50 nghìn) từ Vân Nam (Yunnan) định qua Lào Cai tiến về Đông Quan.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, lúc này Bình Định Vương Lê Lợi và mưu thần Nguyễn Trãi đã tiên đoán viện binh quân Minh sẽ có những đường tiến quân theo các ngả cứu viện nhằm đánh thẳng vào chủ lực quân đang đóng tại Xương Giang, Chi Lăng. Do vậy các mũi "điều binh thủ hiểm, chặt mũi tiên phong" quân cứu viện nhà Minh đã được Bình Định Vương Lê Lợi sớm sắp đặt. Vẫn theo Đại Việt sử ký toàn thư: "Ngày 8/10, đạo quân Liễu Thăng (Liu Sheng) vượt biên giới vào Lạng Sơn; nghĩa quân Lam Sơn vừa đánh vừa rút, nhử đối phương vào trận địa mai phục ở Chi Lăng".
Nguyễn Trãi… chỉ cho tướng Trần Lựu thi hành kế hoạch dụ Liễu Thăng ở Ải Chi Lăng , đánh chỉ được thua, riêng về phía chủ lực thì đã có Lê Sát , Lưu Nhân Chú, Lê Linh, Lê Thụ đương đầu, song song với các tướng Phạm Văn Xảo, Lê Khả , Lê Trung… tiếp ứng và chặn các lộ quân tiếp viện từ Vương Thông, Mộc Thạnh.
Trần Lựu là tướng cẩn trọng, đang giữ ải Nam Quan (Phá Lũy), theo mệnh lệnh bỏ ải rút dần theo đà tiến của quân địch, về Ai Lưu rồi về Chi Lăng. Tới đây thói kiêu mạn của Liễu Thăng đã tràn trề, mặc cho Lý Khánh khuyên can, kệ cho Hoàng Phúc cầu xin dẫn 100 quân kỵ vượt qua cầu, cầu đổ, người ngựa quân Minh đều rơi cả xuống sông.
Trước khi đánh trận Chi Lăng, Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã tính toán kỹ về địa đồ. Ải Chi Lăng như một thung lũng nhỏ, hình bầu dục, dài khoãng 4 cây số theo hướng Bắc Nam, rộng chỉ độ 1 cây số theo hướng đông tây. Phía đông là dãy núi Thái Hoà và Bảo Đài trùng trùng điệp điệp, phía tây là vách núi đá vôi dựng đứng bên dòng sông Thương. Lòng ải đã hẹp lại thêm 5 ngọn núi đá nhỏ, hai phía Bắc Nam mạch núi khép lại tạo thành một địa hình hết sức hiểm trở, và phía Nam ải Chi Lăng là ngọn núi Mã Yên, dưới chân núi là cánh đồng lầy lội có cầu bắc ngang qua. Chính nơi này là nơi Liễu Thăng ngã ngựa, bị nghĩa quân bằm xác chết không còn một chút hình hài của một vị chiến tướng nhà Minh. Đoàn phục binh của Lê Sát cùng với Trần Lựu quay lại, thanh toán toàn bộ nhóm Liễu Thăng. Tuy nhiên, người chém đầu Liễu Thăng không có chính sử nào chép cả mà chỉ còn một thần phả ghi lại sự việc trên.
Tam vị anh hùng
Người dân ở xã An Trạch, huyện Trực Định tổng Thuỵ Lũng tức xã An Bình huyện Kiến Xương tỉnh Thái Bình từ lâu đã biết đến tên tuổi những vị lập nên công trạng đó và hàng năm cứ đến tháng Hai đầu Xuân âm lịch, dân làng lại làm lễ tế tưởng nhớ đến các vị công thần ấy. Hiện bản thần phả này còn lưu giữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Thần tích còn ghi rõ thần tích này theo ý chỉ của đức vua đề ngày 15 tháng 3 năm Vĩnh Hựu thứ 5 (1739), đến nay đã ngót 260 năm.
Thần tích viết rằng: "Vào thời mà Lê Lợi đang tích dưỡng binh lương, chiêu dụ khắp nơi để tìm kiếm anh hùng hào kiệt cho cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược thì được biết tại xã Hương Trà, tổng Nhân Trà, huyện Yên Phong, phủ Từ Sơn đạo Kinh Bắc, có người họ Bạch huý là Bảo Công, văn vũ song toàn, tài năng nổi tiếng thiên hạ. Lê Lợi bèn cấp cho "ba vạn tinh binh lập tức thẳng tiến đến xã An Cố, huyện Chân Lợi, phủ Kiến Xương, dựng đồn lớn tại trại An Trạch (còn gọi là doanh trại Đồng Làng) để đánh giặc".
Tại đó có một phú ông họ Nguyễn, huý là Liên Hoa có người con gái xinh đẹp vừa tròn đôi mươi tên là Lan Nương. Bảo Công xin hỏi làm vợ, rồi nàng sinh hạ một lúc ba người con trai. Cuộc hôn nhân và sinh nở 3 quý tử này tuy có khá nhiều tình tiết có vẻ hoang đường nhưng được xác định rõ tên tuổi và sau này được vua Lê phong tước rất rõ ràng:
Người thứ nhất là Thanh, mỹ tự là Thanh Kiền sau được vua phong làm Hiệp thống Thanh Kiền đại thần quan. Người thứ hai huý là Bạch, mỹ tự là Bạch Thuộc, sau được phong là Bạch Thuộc Chánh lãnh tiền phong đại tướng quân. Người thứ ba huý là Tống, sau được phong là Thống Thánh đốc lĩnh. Cả 3 ông này khôn nhớn "thân dài 7 thước, nặng đến trăm cân"... được Vua quý phong tước rồi cấp "một nghìn thuyền rồng và 50 vị tướng giỏi để đi đánh giặc".
Ba ông cùng binh mã "xông thẳng đánh giặc, gặp tướng Liễu Thăng tại đất Tiên Hoa, huyện Đông An, phủ Khoái Châu. Quân giặc bốn phía bao vây khắp nơi. Ba ông ngồi trên ngựa vung kiếm xông thẳng vào giữa đồn giặc chém đầu tên phó tướng Nguyễn Đình Khoan, treo đầu ngay dưới trướng, còn quân giặc chết nhiều không kể xiết. Ba ông thừa thắng đuổi theo giặc Minh, đuổi đến thành Lạng Sơn thì chém được tướng Liễu Thăng thành 3 mảnh. Quân tướng trong thế chiến thắng trở về uy nghiêm chấn động khắp nơi.."
Với chiến công ấy, Lê Thái Tổ đã sắc phong: "Gia phong cho ông Thanh Kiền làm Đại nguyên soái đại tướng quân. Thăng cho trấn giữ đạo Tuyên Quang, Hưng Hoá. Phong cho ông Bạch Thuộc làm quan đại thần trấn thủ đất Sơn Nam. Gia phong cho ông Tống Khánh làm quan đại thần kinh lược đạo Kinh Bắc..."
Ba ông còn được nhà vua cho hưởng lộc tại quê hương, và ngụ lộc tại An Trạch, Chân Định, khi mất sẽ được phụng thờ. Ba ông còn cho dân làng tiền bạc để sửa ngôi miếu xứ Đông Làng... Ba ông cùng mất vào giờ ngọ ngày 12 tháng chạp năm Tân Hợi. Thần phả còn ghi rõ ba vị đại vương sau này được nhà vua phong làm "thượng đẳng phúc thần" kèm theo những quy định cụ thể trong việc tổ chức tế lễ những dịp trong năm... Nhân dân vùng Kiến Thụy thường gọi họ là "tam vị anh hùng".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.