Nguyễn Biểu mắng nhiếc điều gì khiến Trương Phụ cay cú, sai người giết đi?

N.V Thứ tư, ngày 12/06/2024 23:30 PM (GMT+7)
Cho tới nay, về cái chết của Nguyễn Biểu vẫn còn nhiều tranh cãi, nhưng tựu chung đều cho rằng, ông đã không tiếc lời mắng nhiếc tướng giặc Trương Phụ, khiến hắn tức giận mà sai người giết đi...
Bình luận 0

Theo sách "Đại Việt sử ký toàn thư", Nguyễn Biểu là một vị tướng giỏi thời nhà Hậu Trần, quê ông ở làng Bình Hồ, huyện La Sơn, trấn Nghệ An (nay thuộc xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Thân thế của Nguyễn Biểu sử sách chỉ chép là người làng Bà Hồ, huyện Chi La (nay là xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Và tiếc rằng sử sách không chép ngày tháng năm sinh, cha mẹ là ai, làm gì, nên hậu thế không rõ về thân thế của ông.

Nguyễn Biểu mắng nhiếc điều gì khiến Trương Phụ cay cú, sai người giết đi?- Ảnh 1.

Tranh vẽ Nguyễn Biểu. Ảnh: Báo Bình Phước.

Theo tác giả Lã Duy Lan trong bài "Từ Nguyễn Du đến Nguyễn Biểu" thì cho rằng ông quê ở Thanh Oai, cùng dòng tộc với Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan... Ông đỗ Thái học sinh thời Trần (có sách nói đậu khoa Canh Dần - 1400, cùng với Nguyễn Trãi) và ông đã từng theo giúp vua Trùng Quang nhà Hậu Trần từ những ngày đầu mới lên ngôi, lấy đất Bà Hồ, huyện Chi La làm căn cứ tổ chức cuộc kháng chiến chống giặc Minh.

Theo sử cũ, khi lực lượng kháng chiến của Giản Định đế Trần Ngỗi đã suy yếu, Trùng Quang đế đã tìm cách đưa Trần Ngỗi về vùng Bà Hồ tôn làm Thái thượng hoàng nhằm thống nhất lực lượng kháng chiến. Từ đó, ở Bà Hồ chỉ còn lại lực lượng nhỏ, Thượng hoàng cùng các tướng đều đưa quân ra trận. Thời gian này, nghĩa quân lúc tiến ra Bắc, lại có lúc lui về Diễn Châu (Nghệ An), nhưng sau thua trận ở Thần Đầu vào năm 1412 thì nghĩa quân bị tổn thất nặng. Sau đó, quân Minh tiến vào chiếm Thanh Hoa (Thanh Hóa), Diễn Châu và thành Nghệ An, vua Trùng Quang phải rút vào giữ vùng Tân Bình - Thuận Hóa và sai Nguyễn Biểu đi sứ cầu phong ở thành Nghệ An, với mục đích tìm kế hòa hoãn chờ đợi thời cơ.

Về việc đi sứ và cái chết của Nguyễn Biểu, trong sách "Đại Việt sử ký toàn thư" có đoạn chép sơ sài như sau: Mùa hạ tháng 4 năm Quý Tỵ - 1413, bọn Trương Phụ nhà Minh đánh mạnh vào Nghệ An, vua chạy về Châu Hóa sai Đài quan là Nguyễn Biểu làm sứ cầu phong, khi đi có mang theo sản vật địa phương đến Nghệ An. Khi đoàn sứ đến Nghệ An thì bị Trương Phụ giữ lại, Nguyễn Biểu tức giận mắng rằng: Trong bụng muốn đánh lấy nước người, bên ngoài giả làm quân nhân nghĩa; đã hứa lập con cháu nhà Trần nay lại đặt quận huyện, không những chỉ cướp lấy vàng bạc, châu báu còn giết hại nhân dân, thực là giặc tàn ngược. Trương Phụ bị mắng vậy nên tức giận sai quân lính đem ông ra giết.

Cũng về việc này, trong sách "Nghĩa sĩ truyện" lại chép rằng: Khi tới trước quân Trương Phụ, bọn giặc bắt ngài lạy. Ngài đứng trơ không nhúc nhích. Trong bữa tiệc giặc thiết đãi đoàn sứ giả, bọn giặc cho nấu một đầu người rồi bê lên mời, cốt để cho rõ ý của Nguyễn Biểu thế nào. Ngài tức thì lấy đũa khoét hai mắt, hòa với dấm mà nuốt. Trong bản chép tay kèm ở trong gia phả họ Nguyễn có thêm đoạn như sau: Lúc bày tiệc ra ngài cười mà nói: Đã mấy lúc người Nam lại được ăn đầu người Bắc. Trương Phụ cảm phục đối xử tử tế rồi cho ông về.

Nhân đó Trương Phụ hỏi viên hàng thần là Phan Liêu rằng: Nguyễn Biểu là người thế nào? Liêu vốn có hiềm khích với ông bèn nói: Người ấy là hào kiệt của nước Nam, ngài muốn lấy nước Nam mà không có người này thì việc thành sao được. Nghe xong, Trương Phụ sai người đuổi theo bắt ông lại hòng uy hiếp mua chuộc nhưng khi Nguyễn Biểu bị dẫn đến trước dinh, Trương Phụ bắt ông lạy ông vẫn đứng thẳng không hề run sợ. Ông nói: Ta là tôi vua phương Nam, ngươi là tôi vua đất Bắc, là bề tôi cả sao lại bắt nhau quỳ được?

Nghe vậy, Trương Phụ mắng ông là vô lễ và ông bèn vạch trần âm mưu cùng tội ác của giặc. Trương Phụ tức giận sai quân đưa ông ra trói dưới cầu Yên Quốc (tức cầu Lam, một nhánh sông Lam chảy giữa hai làn Vệ Chánh và Quang Dụ xưa) cho nước lên dìm chết. Ông đã lấy móng tay vạch vào cột cầu 8 chữ: Thất nguyệt, sơ nhất nhật, Nguyễn Biểu tử (ngày mồng 1 tháng 7 Nguyễn Biểu chết). Trương Phụ giết ông nhưng phải ngầm kính phục cho đưa thi hài về Bình Hồ an táng. Vua Trùng Quang được tin ông tử tiết hết sức thương xót sai làm văn Dụ tế, nhà sư chùa Yên Quốc cũng soạn bài tụng, làm lễ cầu siêu cho ông.

Lời bàn về khí phách của Nguyễn Biểu

Trước thái độ đường hoàng, chững chạc và lý lẽ đanh thép của một người có chính nghĩa, tướng giặc là Trương Phụ tự thấy yếu thế nên đã dùng đến sức mạnh của tên tướng giặc bạo tàn. Hắn ra lệnh chém vị sứ giả can trường của dân tộc. Tiết tháo của Nguyễn Biểu thật là lẫm liệt, trước giặc dữ nhưng lòng ông chỉ nghĩ đến vua và trước vận suy của nước, ông vẫn làm rạng danh quốc thể. Ông mất năm 1413, nhưng chỉ 5 năm sau đó - năm Mậu Tuất (1418), cả nước Đại Việt do Lê Lợi lãnh đạo đã vùng dậy chiến đấu trong suốt 10 năm và đã đánh tan đội quân xâm lược của nhà Minh, lật đổ toàn bộ ách thống trị của chúng mà chính bản thân Trương Phụ đã góp phần đắc lực.

Tiếc rằng khi ấy Nguyễn Biểu không còn nữa, nhưng khí phách anh hùng và tinh thần xả thân vì nước của ông được cả dân tộc kế tục để làm tròn sự nghiệp giữ nước mà ông bỏ dở. Và ngày nay, nhắc lại tấm gương Nguyễn Biểu để hậu thế hiểu biết, sáng tỏ hơn về cuộc đời và sự nghiệp, đặc biệt là nhân cách, khí phách, lòng yêu Tổ quốc, căm thù giặc cao độ, cùng cái chết bi tráng và sự bất tử của danh nhân Nguyễn Biểu trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem