“Ai là thủ phạm”: Day dứt về công bằng và lẽ phải

Mai An Thứ tư, ngày 21/01/2015 08:05 AM (GMT+7)
Tan buổi diễn “Ai là thủ phạm”, đè nặng lên cảm xúc của khán giả là câu hỏi: “Xã hội bại hoại, ai là thủ phạm?” - mà dàn diễn viên đồng thanh hô to ở cảnh cuối. Nỗi day dứt của Vinh về công bằng và lẽ phải trong suốt vở kịch thực sự ám ảnh người xem.
Bình luận 0

Sức sống của điều tốt

Mấy ngày nay, sân khấu Nhà hát Tuổi Trẻ (Hà Nội) liên tục sáng đèn với vở diễn “Ai là thủ phạm” dựng từ kịch bản của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ viết năm 1983, với cái tên ban đầu là “Không có trong hồ sơ”, sau đó được đổi tên thành “Thủ phạm là ai”. Tác phẩm đã được 3 đoàn nghệ thuật dàn dựng gồm Nhà hát Kịch Công an, Đoàn kịch nói Nam Định, Đoàn dân ca Nghệ Tĩnh. Đến Nhà hát Tuổi Trẻ, đạo diễn - NSƯT Chí Trung đã đổi tên vở kịch thành “Ai là thủ phạm”.

img
Cảnh trong vở kịch “Ai là thủ phạm” trên sân khấu Nhà hát Tuổi Trẻ. 

Mặc dù chưa phải là buổi diễn chính thức, nhưng thật ngạc nhiên bởi từ hơn 19 giờ, khán giả đã đứng đầy trước cửa rạp, chỉ đợi hiệu lệnh từ phía bên trong đưa ra “sân khấu đã sẵn sàng” là háo hức ùa vào. Trước buổi diễn tối 19.1, NSƯT Chí Trung tâm sự với khán giả: “Tôi xúc động vô cùng khi thấy mới 19 giờ 40 mà khán giả đã ùa vào rạp, có cả những khán giả cao niên, mái tóc bạc phơ được con cháu dìu đến xem, rất đông khán giả trung niên và đặc biệt là rất đông khán giả trẻ.

Điều đó cho thấy sức sống của những vở kịch Lưu Quang Vũ là bất diệt. Các bạn hãy nghĩ mà xem, bây giờ khẩu hiệu treo đầy đường, nhưng sức lay động của chúng làm sao bằng những lời thoại mà anh Vũ đã viết trong các vở kịch của mình. Tất cả những vở diễn của anh đều hướng con người đến lẽ phải, công bằng và những điều tốt đẹp, đó là lý do vì sao Nhà hát Tuổi Trẻ đặt mục tiêu mỗi năm đều dựng lại một vở diễn của anh Lưu Quang Vũ”.

 

“Ai là thủ phạm” xét về nội dung thì không có gì quá éo le, rắc rối. Chỉ là một mảng miếng nhỏ xinh về đời sống của một nhóm thị dân khu tập thể thời bao cấp. Năm 1983, khi Lưu Quang Vũ viết vở kịch này, Hà Nội đang chìm sâu trong đời sống bao cấp với những vòi nước máy công cộng nhỏ giọt khiến người ta dễ dàng xô xát, với nhà vệ sinh công cộng là nguyên nhân của đủ mọi bi hài kịch, với những vụ mất cắp vặt quần áo, chăn màn phơi trên ban công. Trên cái nền bối cảnh ấy, những tính cách nhân vật được tác giả đắp nên càng đầy đặn, rõ nét.

Đó là một ông Nguyễn Trọng Tỷ chuyên đi rình mò hàng xóm để báo cáo công an khu vực và làm đơn kiện ra tổ dân phố. Đó là những người đàn ông đàn bà lắm điều ưa buôn chuyện, đó là những công chức xun xoe, luồn lách đón ý cấp trên và sống giả dối với vợ con...

Những nhân cách người lớn ấy làm hoang mang cho lũ trẻ. Con cái của các gia đình thị dân ấy là bản sao của người lớn. Đứa ngờ nghệch, đứa hư hỏng, đứa cơ hội, đứa chán chường thất vọng vì những gì chúng đang phải chứng kiến. Một vụ cướp của giết người xảy ra như một tờ giấy quỳ làm phép thử, người lớn tự lột cái mặt nạ đạo đức mà họ vẫn đeo và tụi trẻ hiện nguyên hình tốt xấu.

Căn nguyên của bi kịch

Điều lý giải cho sức sống của kịch Lưu Quang Vũ chính là ở chỗ, những vấn đề mà ông đặt ra cách đây hơn 3 thập kỷ về những băng hoại của đạo đức trong xã hội, đến hôm nay vẫn tươi mới, vẫn thời sự như mới vừa xảy ra. Bi kịch của gia đình Thịnh xảy ra từ khi đứa con trai không còn kính trọng bố, vì hàng ngày phải chứng kiến sự giả dối của bố, nhỏ nhặt như tổ chức sinh nhật vợ trước hẳn 4 tháng để có cơ hội nịnh bợ cấp trên. Từ một đứa trẻ trong sáng, Thịnh thành một kẻ hai mặt, ngoan ngoãn trước mặt người lớn và sẵn sàng gây tội ác để có tiền trả nợ đánh bạc. Bi kịch của Ngọc lại ở chỗ khác, vì cha mẹ cậu là những kẻ luôn cậy chức quyền, để chạy tội cho con mình họ sẵn sàng chà đạp lên luật pháp.

Giữa đám người lớn thoái hóa nhân cách ấy, những câu hỏi day dứt của cậu bé Vinh- một đối tượng bị xem là “ngỗ ngược, hư hỏng” với ông Nguyễn Chiến- một cán bộ công an - như những mũi tên găm vào lòng người: “Cháu hỏi chú, trên đời có công bằng, lẽ phải không? Tại sao người tốt không được sung sướng hạnh phúc mà luôn phải chịu thiệt thòi? Nếu con chú có tội, chú có tự tay bắt nó không?”. Và vở kịch đã đưa đến một kết thúc có hậu như chuyện cổ tích- cái thiện đã thắng cái ác, sự công bằng và lẽ phải đã được trả về đúng với vị trí của nó.

Xem một vở diễn đầy những tình tiết hài hước qua sự trình diễn duyên dáng của tập thể diễn viên Nhà hát Tuổi Trẻ, âm nhạc được đầu tư rất hiệu quả và bàn tay đạo diễn của một người có thế mạnh về hài, nhưng điều may mắn nhất là những dư vị để lại không phải là tiếng cười mà chính là nỗi day dứt đè lên tâm trạng khán giả. Ai là thủ phạm cho những bại hoại đang tàn phá đạo đức xã hội, ai là thủ phạm khi những đứa trẻ ngây thơ và trong trắng bị nhuốm đen nếu không phải chính là những người lớn có đầy đủ năng lực hành vi nhưng lại dùng quyền hành chà đạp lên lẽ phải và sự công bằng.

Xã hội không thể tồn tại nếu không có kỷ cương, phép nước, nhưng nếu mỗi cá nhân đều tự cho mình cái quyền được lèo lái luật pháp theo lợi ích của riêng mình thì sự bại hoại của chung cộng đồng là điều hiển nhiên. Câu hỏi cuối vở kịch “Ai là thủ phạm” vì thế luôn luôn thời sự, luôn luôn là một câu hỏi đáng để tất cả chúng ta tìm câu trả lời.


 Vở kịch “Ai là thủ phạm” do NSƯT Chí Trung dàn dựng trên sân khấu Nhà hát Tuổi Trẻ đã chạy thử trong các tối từ 18 - 20.1, ra mắt báo chí vào ngày 21.1 và chính thức bán vé phục vụ khán giả từ 25.1.    

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem