“Ai nói Việt Nam độc quyền xuất khẩu thanh long?“

Thứ hai, ngày 04/08/2014 06:50 AM (GMT+7)
"Mỹ cũng có trồng thanh long 500ha ở bang Florida mà mấy năm rồi mình vẫn bán tốt, năm sau sản lượng xuất luôn nhiều hơn năm trước do giá thanh long Việt Nam cạnh tranh hơn" - TS. Nguyễn Hữu Đạt nêu quan điểm.
Bình luận 0

Trước nhiều ý kiến đa chiều về "ngôi vương" của thanh long Việt Nam xuất khẩu, Dân Việt xin giới thiệu quan điểm của TS. Nguyễn Hữu Đạt - Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT):

Trước hết, tôi chỉ nêu 1 ví dụ về bài học chôm chôm. Năm 2011 Việt Nam được xuất khẩu chôm chôm vào Mỹ. Nhưng trước đó 6 năm, Thái Lan đã được phép xuất khẩu chôm chôm vào Mỹ. Họ đi trước nên đã chiếm lĩnh thị trường Mỹ với sản lượng  khoảng 500 tấn/năm. Năm 2011, Mỹ cho phép thêm Việt Nam và Malaysia, mà Malaysia là quê hương của chôm chôm  và chôm chôm của Malaysia là ngon nhất.

Cũng đúng năm 2011 khi Việt Nam được phép xuất khẩu chôm chôm qua Mỹ thì cũng bắt đầu là mùa chôm chôm chính vụ của Thái Lan, Malaysia, Mexico. Lúc đó thương nhân Trung Quốc nhập 1.200 tấn chôm chôm từ Mexico bán vào Mỹ (gấp gần 2,5 lần sản lượng của Thái Lan) với giá rẻ, chỉ 2,99 USD/kg.

Mà chôm chôm của Mexico vào Mỹ không phải chiếu xạ nên bán phá giá. Năm đó Thái Lan không xuất vào được kg chôm chôm nào vào Mỹ. Malaysia được phép mở cửa nhưng cũng không xuất vào được kg nào. Trong khi với VN, năm đầu tiên này đã xuất khẩu vào Mỹ được 300 tấn chôm chôm.

img

Mở container thanh long Việt Nam xuất khẩu tại Mỹ (ảnh tư liệu)

Tôi cho rằng, có cạnh tranh là tốt vì nó thúc đẩy được tiến bộ. Cụ thể ta thấy chôm chôm Mexico cạnh tranh về giá cả (giá rẻ gấp 6 lần giá chôm chôm VN) thì để họ xuất khẩu cho hết mùa chôm chôm chính vụ rồi mình mới xuất khẩu chôm chôm trái vụ.

Quan điểm
img
Tiến sĩ Nguyễn Hữu ĐạtGiám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II
  Với trường hợp thanh long, ai nói Việt Nam mình độc quyền? Mỹ cũng có trồng thanh long 500ha ở bang Florida... 
Không những thế, mình còn đóng hộp rất đẹp, mỗi hộp 2kg cho người tiêu dùng tiện mua về dùng, trong khi đó Thái Lan bỏ vào những túi lưới to đùng, không đẹp. Nhờ đó chôm chôm trái vụ của mình bán được giá hơn, với giá 8,5 USD/kg, qua đó siêu thị Mỹ bán tới 17 USD/kg. Trong khi Thái Lan trước đó cũng chỉ xuất khẩu được có 6 USD/kg.

Tương tự, với trường hợp thanh long, ai nói Việt Nam mình độc quyền? Mỹ cũng có trồng thanh long 500ha ở bang Florida mà mấy năm rồi mình vẫn bán tốt, năm sau sản lượng xuất luôn nhiều hơn năm trước do giá thanh long Việt Nam cạnh tranh hơn.

Năm 2013, Mexico cũng được xuất khẩu thanh long vào Mỹ (mà Mexico mới là quê hương của thanh long) nhưng năm nay sản lượng xuất khẩu của Việt Nam lại tăng lên. Mới 6 tháng đầu năm VN đã xuất khẩu được gần 1.000 tấn thanh long vào Mỹ, trong khi năm ngoái cả năm chỉ được 1.200 – 1.300 tấn.

Ở thị trường New Zealand, họ vừa mở cửa có 2 tuần, chúng ta đã xuất khẩu được 2 tấn thanh long. Riêng thị trường Nhật Bản còn rất nhiều tiềm năng bởi chúng ta chỉ mới xuất khẩu vào 1 trong 4 hòn đảo chính của nước này với sản lượng khoảng 800 tấn/năm, giá xuất khẩu từ 3,5 – 5USD/kg. Như vậy còn tới 3 hòn đảo đang chờ chúng ta thâm nhập thị trường.

Đặc biệt ở thị trường Đài Loan, dự kiến sẽ mở cửa lại cho trái thanh long chúng ta trong năm nay, thị trường này dự kiến tiêu thụ hàng năm đến… 20.000 tấn thanh long! Khi đó chúng ta có chạy hết công suất của 4 nhà máy xử lý hơi nước nóng hiện có (vì Đài Loan yêu cầu phải xử lý thanh long qua hơi nước nóng trước mới được phép nhập khẩu – PV) thì cũng chỉ mới đáp ứng được có 25% nhu cầu của thị trường này.

Như chúng ta đã thấy, thị trường có đấy, chỉ cần mình trồng cho tốt, đóng gói cho đẹp, người tiêu dùng thích thì hàng của mình sẽ bán được thôi. Còn chuyện cạnh tranh thì thời nào chẳng có.

Ngọc Minh (Trang Trại Việt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem