Lợi nhuận cao, ồ ạt trồng
Thanh long là loại trái cây có giá trị xuất khẩu (XK) lớn nhất khi đóng góp tới 61,4% tổng giá trị trái cây XK (2013). Hiện nay diện tích trồng thanh long cả nước đạt 28.700 ha, với sản lượng ước 520.000 tấn/năm, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang và Long An.
Thanh long Việt Nam đã xuất khẩu tới 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Thái Lan, Hà Lan, Malaysia... thanh long Việt Nam đã từng bước xâm nhập thị trường như Mỹ, Nhật, New Zealand, Úc, Chi Lê, Ấn Độ.
Thanh long Việt Nam được trồng bắt đầu từ 3 tỉnh: Bình Thuận, Tiền Giang, Long An, đây cũng là những tỉnh có số diện tích chuyên canh tập trung lớn nhất nước, đến nay thanh long đã được phát triển hơn 40 tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa - Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam (Bộ NNPTNT) cho rằng: “Tình trạng phát triển thanh long đang rất "nóng". Nếu như năm 2000 chỉ có 560 ha thanh long (chủ yếu ở tỉnh Bình Thuận) thì hiện nay, đã lên đến gần 30.000 ha, tức là tăng gấp 50 lần.
Cũng chính vì hiệu quả kinh tế từ cây thanh long rất cao nên nông dân các tỉnh, thành phố phía nam có xu hướng ồ ạt phát triển diện tích trồng mới thanh long, điển hình là tỉnh Long An. Diện tích trồng thanh long tại tỉnh Long An đã tăng hơn 3 lần trong vòng 2 năm qua, năm 2012 diện tích thanh long tỉnh Long An chưa tới 1.500 ha, nhưng đến nay đã mở rộng lên hơn 5.000 ha”.
Áp lực cạnh tranh đang ngày càng gia tăng với trái thanh long Việt . Ảnh Tư liệu.
Tại Bình Thuận, cây thanh long đã phát triển ở 8 trong số 10 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, địa phương này được mệnh danh là "vương quốc" thanh long với diện tích hiện có hơn 20.500 ha, tập trung chủ yếu ở hai huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc.
Sở NNPTNT tỉnh Bình Thuận cho biết, doanh thu bình quân từ một ha thanh long khoảng 300 triệu đồng/năm (gấp 3 lần trồng lúa), lợi nhuận thu được từ 150 triệu đến 180 triệu đồng/ha/năm.
Theo tính toán của ngành chức năng, cây thanh long có giá trị sản xuất hơn 4.200 tỷ đồng, chiếm gần 67% so với giá trị sản xuất của cây lâu năm, bằng 33,3% giá trị ngành trồng trọt của tỉnh Bình Thuận, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 30 nghìn hộ nông dân trên địa bàn tỉnh.
Hiệu quả kinh tế của cây thanh long đã rõ, tuy nhiên sự phát triển, mở rộng diện tích trồng mới một cách ồ ạt, tự phát, không theo quy hoạch, đã làm phát sinh nhiều hệ quả trong tổ chức, quản lý điều hành, chỉ đạo sản xuất, điều tiết cung cầu, giá cả…
Thời gian gần đây thanh long đã rớt giá thê thảm xuống còn từ 2.000-5.000 đồng/kg, thấp nhất từ đầu năm đến nay và chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ năm 2013, đó là hệ lụy từ việc phát triển ồ ạt dẫn tới nguồn cung dư thừa trong khi cầu không tăng.
Không chỉ có vậy, việc phát triển thanh long tự phát không theo quy hoạch đang khiến cho mặt hàng này đối mặt với khủng hoảng thừa khi nhu cầu trong nước có hạn, còn tình hình xuất khẩu có phần chững lại, nhiều bạn hàng trên thế giới như Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Mexico, Thái Lan, Philippines đang đầu tư rầm rộ cho việc trồng thanh long, chỉ một vài năm nữa thôi những bạn hàng này sẽ trở thành đối thủ của thanh long Việt Nam.
Xuất khẩu “lung lay” vị thế
Trong khi thanh long trong nước đang cho thấy những dấu hiểu bất ổn trong điều hành quản lý, sản xuất, chế biến, quy hoạch, dịch bệnh… thì tình hình xuất khẩu cũng đang có những tín hiệu không vui khi các bạn hàng lớn của mình đang dần trở thành đối thủ cạnh tranh khốc liệt.
Trong một thời gian dài, Việt Nam gần như “một mình một chợ” khi chiếm 90% lượng giao dịch thanh long trên thị trường thế giới, tuy nhiên vị trí độc tôn của thanh long đang lung lay dữ dội khi một loạt nước đang đầu tư mạnh mẽ cho việc trồng thanh long như: Mỹ, Nhật, Mexico, Thái Lan, Philippines và đặc biệt là Trung Quốc – đối tác lớn nhất của Việt Nam (NK trên 70% thanh long VN - 2013), nước này đang đẩy mạnh trồng thanh long trên diện tích tới 20.000 ha gần bằng diện tích thanh long của Việt Nam.
Hay như Mỹ có hơn 500ha thanh long trồng tại Hawaii, Nhật cũng trồng thanh long tại đảo Okinawa. “Nữ hoàng trái cây” này cũng được trồng ở Israel với diện tích khoảng 500ha.
Lo lắng cho “số phận” thanh long Việt, ông Nguyễn Văn Kỳ - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) chia sẻ:
“Thanh long Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ giảm sút sản lượng xuất khẩu vì phải cạnh tranh khó khăn với thanh long Trung Quốc. Nước này đang là mối đe dọa của Việt Nam, từ bạn hàng trở thành đối thủ cạnh tranh. Chính phủ Trung Quốc đang có những chính sách về hỗ trợ cấp đất, vay vốn ưu đãi để phát triển diện tích thanh long, hơn nữa giống thanh long Trung Quốc lại tốt hơn Việt Nam”.
Ông Kỳ cho biết thêm, hiện nay thị trường Ấn Độ cho phép nhập thanh long Việt Nam nhưng doanh nghiệp Ấn Độ lại chê giá Việt Nam cao (1,5-2 USD/kg) quay sang mua thanh long Thái Lan. Các thị trường như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc tuy mua thanh long giá cao nhưng số lượng ít.
Trước thách thức của thị trường xuất khẩu có thể gây tác động tiêu cực đến sản xuất và tiêu thụ thanh long trong nước, PGS.TS. Nguyễn Minh Châu - Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho rằng:
“Cần tổ chức lại sản xuất trong nước, quy hoạch vùng trồng, tăng cường nghiên cứu lai tạo các giống thanh long mới, đồng thời xây dựng bản quyền giống độc quyền, tạo cơ hội cho thanh long Việt Nam phát triển một cách ổn định, bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân. Mặt khác, các doanh nghiệp phải tăng cường công tác quảng bá, mở rộng thị trường xuất khẩu thanh long sang Mỹ và châu Âu, giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc”.
Thắng Đình (Trang Trại Việt)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.