Ai sẽ là người tăng giá điện?

Mai Hương Thứ năm, ngày 18/02/2016 07:56 AM (GMT+7)
Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đến thời điểm này khẳng định chưa có bất kỳ đề xuất nào về việc tăng giá điện trong năm 2016 nhưng “người” quản lý ngành điện-Bộ Công Thương thời gian qua lại liên tiếp đưa ra các thông điệp về điều chỉnh giá điện.
Bình luận 0

Người dân thấp thỏm…

Quy định mới nhất trong dự thảo quyết định về cơ chế điều chỉnh giá điện của Bộ Công Thương cho thấy, giá điện tới đây có thể tăng 3 tháng một lần thay vì 6 tháng mới được tăng như quy định hiện hành. Dự thảo này cũng cho phép EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện trong khoảng 3-5% và chỉ cần báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để kiểm tra. Chỉ khi tăng giá điện trên 5% mới phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến.

img

EVN tính toán rằng giá bán điện bình quân cho năm 2016 dự kiến cao hơn 21 đồng so với giá bình quân thực tế năm 2015

Hàng năm, giá bán điện bình quân được xem xét, tăng-giảm theo biến động khách quan của thông số đầu vào của tất cả khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện) so với thông số được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành.

Theo Quyết định 69/2013/QĐ-TTg hiện hành thì EVN được phép tăng giá bán điện trong khoảng 7-10%, trên 10% mới phải trình Thủ tướng Chính phủ và 6 tháng mới được tăng giá điện một lần.

Tại cuộc họp về công bố giá thành sản xuất điện của EVN ngay trước Tết Nguyên đán Bính Thân (ngày 2.2), Bộ Công Thương cũng đưa ra không ít các con số về doanh thu, giá thành sản xuất điện và lãi của tập đoàn này trong năm 2014, con số đã được kiểm toán.

Kết quả kiểm tra giá thành năm 2014 được Bộ Công thương công bố cho thấy doanh thu bán điện năm 2014 của EVN là trên 197,1 ngàn tỷ dồng (tương ứng giá bán điện bình quân đạt được là 1.532,55 đồng/kWh).

Tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện là 198 ngàn tỷ đồng (tương đương chi phí 1.539,35 đồng/kWh). Với số liệu trên, đáng ra năm 2014 EVN bị lỗ, tức vẫn phải bán điện dưới giá thành, nhưng bên cạnh thu nhập từ bán điện, Bộ Công thương cho biết, EVN có thu nhập từ các hoạt động liên quan sản xuất điện là trên 1.698 tỷ đồng (như từ hoạt động tài chính của công ty mẹ và Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia là 1.153 tỷ đồng, thu từ bán công suất phản kháng 444 tỷ đồng…).

Vì vậy, tổng cộng, Bộ Công thương nêu lãi hoạt động sản xuất kinh doanh điện và các hoạt động liên quan đến điện năm 2014 của EVN là 823,83 tỷ đồng.

Rõ ràng, với các công bố trên, người dân lại thấp thỏm sợ tăng giá điện. “Trấn an” của Phó Tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri rằng, dù năm 2016 dự báo có nhiều khó khăn nhưng hiện nay, EVN không có bất cứ đề xuất nào về việc xin điều chỉnh giá điện trong năm 2016-cũng không đủ để người dân thấy yên tâm và tin về việc giá điện sẽ không tăng.

Bao giờ “mèo vồ chuột”?

"Thực tế là đến năm 2014, giá điện mới bắt đầu có mức bán cao hơn giá thành. Lâu nay chúng ta vẫn duy trì cơ chế bao cấp. Tuy nhiên, mức giá điện của năm 2015 vẫn chưa phải giá thị trường". Đây là trả lời của Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng trước Quốc hội hồi tháng 6.2015 khi giá điện vừa tăng 7,5% (tương ứng với giá 1.622,05 đồng/kWh).

Giá bán điện bình quân năm 2015 được EVN công bố là 1629,8 đồng/kWh (giá chưa kiểm toán). EVN tính toán rằng giá bán điện bình quân cho năm 2016 dự kiến cao hơn 21 đồng so với giá bình quân thực tế năm 2015. EVN nêu giá điện bình quân dự kiến năm 2016 là 1.651,2 đồng/kWh. Mức giá này cao hơn giá điện bình quân thực tế năm 2015 mà EVN thu được từ 21,2 đồng đến 21,4 đồng/kWh; còn so với giá bình quân được Chính phủ điều chỉnh hồi tháng 3.2015 (là 1.622 đồng/kWh) thì mức giá chỉ tiêu năm 2016 cao hơn gần 30 đồng/kWh. Như vậy người dân phải hiểu thế nào về thông tin không tăng giá điện trong năm 2016?

Tính toán của EVN cho biết, năm nay nguồn thủy điện có giá rẻ nhất sẽ thiếu hụt ước khoảng 2,5 tỉ kWh. Ngay từ cuối năm 2015 EVN đã phải chạy điện dầu với giá thành cao. EVN dự tính sản lượng điện thương phẩm năm 2016 sẽ tăng trưởng ít nhất tới 11- 12% so với năm 2015 thì không thể có giá thành điện cung ứng rẻ. Đó là chưa kể đến các tác động do điều chỉnh tỷ giá tác động tới giá thành sản xuất điện, giá bán than cho sản xuất điện tăng từ năm 2016, tăng giá khí trong bao tiêu, tăng thuế tài nguyên nước, tăng chi phí môi trường rừng… Riêng biến động tỷ giá năm 2015 đã làm tăng chi phí của ngành thêm 12.000 tỷ đồng. Trong đó, 2.000 tỷ đồng là khoản phải thanh toán ngay trong năm 2015; 10.000 tỷ đồng còn lại là số tiền đội lên từ các khoản vay ngoại tệ dài hạn. Đây là những yếu tố chưa được đưa vào cân đối trong giá bán điện hiện hành, và các yếu tố này sẽ có áp lực lớn lên tình hình tài chính của EVN trong năm nay.

Bà Đỗ Thị Ngọc - Phó vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) hồi cuối năm 2015 nhận định, nhiều khả năng, giá điện sẽ được Chính phủ cân nhắc, tính toán để điều chỉnh tăng trong năm 2016. Nếu giá điện tăng thêm 10 - 15% sẽ tác động CPI chung khoảng 0,25 - 0,4%.

Cuối cùng, câu hỏi đặt ra là bao giờ “mèo mới vồ chuột”-tức lúc nào người dân phải chịu cảnh giá điện tăng lên tiếp? Trao đổi trên báo chí, ông Trần Viết Ngãi-Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam đưa quan điểm: “Tăng giá điện thì cần quan tâm đến tâm lý người dân, mỗi lần nghe tăng giá điện là rất sợ. Hơn nữa, giá điện tăng, yếu tố tác động tâm lý khiến một số mặt hàng khác có thể tăng giá cũng cần tính tới. Vì vậy, có thể một năm tăng chỉ một lần nhưng tăng 6-7% cũng được, thay vì tăng hai lần, mỗi lần 3%, nghe phản cảm”.

Các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, giá điện đến nay đang phải gánh chịu quá nhiều chi phí bất hợp lý, từ khâu sản xuất đến các khâu trung gian. PGS. Nguyễn Minh Duệ - Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho biết, “với cấu trúc hệ thống điện, đặc biệt nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện, thì ở Việt Nam giá bán điện bình quân (kể cả VAT) - 1.784,25 đồng/kWh, tương đương 8,3 UScent/kWh  không phải là thấp”. Điều gây bức xúc cho người dân, theo ông Duệ là “giá điện điều chỉnh tăng liên tục qua các năm song chỉ có tăng, chưa hề giảm”. Ngay dự thảo quy định điều chỉnh giá điện Bộ Công Thương đưa ra cũng chỉ thấy khá rõ ở tăng giá còn giảm giá lại quá chung chung, chưa đưa cụ thể giá đầu vào giảm bao nhiêu thì buộc phải giảm giá điện. Thực tế từ giữa năm 2014 đến nay, giá dầu đã giảm mạnh tới hơn 70% nhưng giá bán điện (từ nhà máy điện chạy dầu) đã giảm chưa?

Từ năm 2009 đến nay giá điện đã điều chỉnh tăng 8 lần, năm nào cũng tăng ít nhất 1 lần, riêng năm 2011 và năm 2012 điều chỉnh tăng 2 lần; mức tăng mỗi lần là 5%. Riêng ngày 1.3.2011 tăng 15,28% so với năm 2010. Và theo quyết định mới nhất của Thủ tướng Chính phủ (ngày 16.3.2015) giá điện bình quân tăng 7,5%, lên 1.622,05 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem