Luật sư Nguyễn Thị Hằng Nga (Đoàn luật sư TP.Hà Nội):
Thứ nhất, hành vi của nhóm đối tượng giật máy ảnh và xóa ảnh của phóng viên Đức Khánh là vi phạm vào Điều 15 của Luật Báo chí.
Thứ hai, việc phóng viên bị nhóm đối tượng hành hung nếu tỷ lệ thương tích của nạn nhân từ 11% trở lên hoặc 2% trở lên khi đối tượng hành hung dùng hung khí nguy hiểm là đủ điều kiện để khởi tố vụ án về tội “cố ý gây thương tích”.
Nhưng hành vi của nhóm đối tượng hành hung người ở ngoài đường còn có dấu hiệu của tội “gây rối trật tự công cộng”. Tuy nhiên ở hành vi này lại cần điều kiện với con người cụ thể, hành vi cụ thể như việc chửi bới đuổi đánh, hủy hoại tài sản. Về việc đó, nạn nhân cần đề nghị cơ quan điều tra xác minh làm rõ.
Thứ ba, việc phóng viên Đức Khánh bị đuổi đánh trước mặt lực lượng công an, về mặt đạo đức, đã là người chiến sĩ CAND khi đi làm nhiệm vụ, thấy hành vi vi phạm pháp luật cần phải có sự can thiệp bảo vệ an ninh trật tự, cũng như bảo vệ tính mạng và tài sản của công dân.
Luật sư Hà Đăng (Đoàn luật sư tP.Hà Nội):
Vụ việc phóng viên Đức Khánh bị cản trở tác nghiệp và bị hành hung khi tác nghiệp có dấu hiệu của tội gây rối trật tự công cộng. Bởi đây là hành động của một nhóm người cùng tham gia hăm dọa, giật máy ảnh, dọa đánh các phóng viên diễn ra ở ngoài đường nơi có lưu lượng phương tiện qua lại nhiều, gây ảnh hưởng giao thông và bức xúc cho nhiều người.
Theo Điểm đ, Điều 15 Luật Báo chí, thì nhà báo được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật. Trên cơ sở quy định của pháp luật, cơ quan chức năng sẽ điều tra, tùy theo mức độ để xem xét xử lý theo hình sự hay xử lý hành chính.
TS Luật sư Vũ Thái Hà (Chủ tịch Công ty Luật TNHH YouMe):
Việc hành hung, cản trở nhà báo tác nghiệp là vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng xấu tới an ninh, trật tự xã hội. Việc hành hung, cản trở nhà báo tác nghiệp công khai trước người dân và các nhà báo khác đã cho thấy nhóm người hành hung này coi thường luật pháp, coi thường kỷ cương phép nước và coi thường nhân dân. Dù người bị hành hung là ai, bị hành hung vì lý do gì, thì việc làm này cần phải xử lý nghiêm minh.
Việc hành hung, cản trở nhà báo tác nghiệp xảy ra trước sự chứng kiến của một số chiến sĩ công an mà những người này không có biện pháp can thiệp kịp thời là vấn đề cần phải làm rõ. Nếu có sự việc đó, những chiến sĩ có mặt tại hiện trường mà không có biện pháp can thiệp là họ đã không làm tròn bổn phận của người công an nhân dân. Không chỉ là nhà báo khi tác nghiệp, nếu là người dân bị hành hung, lực lượng công an có mặt phải có biện pháp can thiệp ngay lập tức, nếu không, cần phải xử lý kỷ luật một cách nghiêm khắc.
Luật sư Võ Tuấn Vĩnh Thụy (Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang):
“Mấy ngày qua, tôi có theo dõi thông tin trên báo chí vụ phóng viên Đức Khánh bị hành hung khi tác nghiệp tại Cần Thơ. Theo tôi, nếu anh Khánh bị thương tích từ 11% trở lên, các đối tượng hành hung anh sẽ bị xử lý hành vi cố ý gây thương tích. Nếu dưới 11% thì xử lý hành vi gây rối trật tự công cộng.
Tuy nhiên, diễn biến vụ việc cho thấy giữa anh Khánh và những người tham gia đuổi đánh anh chưa từng có mâu thuẫn gì với nhau, nên cơ quan điều tra cần phải tiến hành làm rõ họ tham gia đánh anh Khánh vì động cơ, mục đích gì? Có tổ chức hay không, ai xúi giục, “chống lưng”?
Nhóm PV (ghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.