Akari hát Diễm xưa bằng tiếng Nhật, Xuân Định K.Y mang rap vào nhạc Trịnh trong đêm nhạc tại Huế
Akari hát Diễm xưa bằng tiếng Nhật, Xuân Định K.Y mang rap vào nhạc Trịnh trong đêm nhạc tại Huế
Trần Hòe
Chủ nhật, ngày 20/10/2024 11:00 AM (GMT+7)
Tại chương trình âm nhạc “Huế Symphony - Bản giao hưởng cố đô”, Xuân Định K.Y mang nhạc rap vào tác phẩm nhạc Trịnh, “nàng thơ” Akari thể hiện tuyệt phẩm Diễm xưa bằng tiếng Nhật.
Trong các đêm 19 và 20/10, tại Nhà hát Sông Hương (TP.Huế) diễn ra chương trình âm nhạc Huế Symphony - Bản giao hưởng cố đô do BamBoo Artists Agency phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế và Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, thu hút 1.000 khán giả.
Đêm nhạc mở màn với màn trình diễn độc đáo được kết hợp giữa dàn nhã nhạc cung đình Huế, dàn nhạc IPO và Học viện Âm nhạc Huế. Đây là một cuộc đối thoại âm nhạc giữa Đông và Tây, giữa truyền thống và hiện đại, tạo nên một bản hòa tấu đặc sắc chưa từng có.
Âm thanh du dương của đàn tranh, tiếng trống cung đình trầm bổng hòa quyện cùng tiếng vĩ cầm, violon của dàn nhạc giao hưởng phương Tây đã tạo nên một bức tranh âm nhạc đa sắc màu. Khán giả như được đưa về quá khứ đến những buổi yến tiệc trong hoàng cung xưa, nhưng đồng thời cũng cảm nhận được hơi thở hiện đại của âm nhạc đương đại.
Tiếp đó, tổ khúc Bốn Mùa của Vivaldi lừng danh vang lên như một cách giới thiệu đầy khéo léo về Huế - thành phố của Festival với các lễ hội được tổ chức liên tiếp trong 4 mùa.
Video: Akari Nakatani hát Diễm xưa bằng tiếng Nhật tại chương trình âm nhạc “Huế Symphony - Bản giao hưởng cố đô”.
Chương 2 của chương trình với tên gọi "Khúc hào hùng Bình Trị Thiên" mang đến cho khán giả những ca khúc mang âm hưởng bi tráng về vùng đất anh hùng này.
Giọng ca của Bạch Trà với ca khúc Câu hò bên bờ Hiền Lương khiến khán giả rưng rưng nhớ về một thời chia cắt đau thương của đất nước. Các các khúc Bình Trị Thiên khói lửa, Huế - Sài Gòn - Hà Nội do Đào Mác thể hiện như một lời tưởng nhớ, tri ân đến những người con đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Chương 3 của đêm nhạc mang tên Bản giao hưởng cố đô, các nhạc cụ phương Tây được sử dụng để thể hiện các bản nhạc đậm chất phương Đông. Sự kết hợp này không chỉ thể hiện sự sáng tạo của các nghệ sĩ mà còn là một minh chứng cho sự giao thoa văn hóa Đông - Tây tuyệt vời.
Chương cuối cùng của đêm nhạc mang tên Huế và Trịnh, tôn vinh những tuyệt phẩm bất hủ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - người con tài hoa của xứ Huế. Những giọng ca đẳng cấp hàng đầu của làng nhạc Việt lần lượt xuất hiện, mang đến những phiên bản độc đáo của các ca khúc nhạc Trịnh Công Sơn.
Ngọc Khuê mở đầu với Biết đâu nguồn cội, tiếp theo là Đức Tuấn với Gọi tên bốn mùa và Đóa hoa vô thường. Nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn xuất hiện với Hạ trắng.
Bất ngờ lớn đến từ Akari Nakatani - "nàng thơ" Nhật Bản trong tác phẩm điện ảnh Em và Trịnh. Cô mang đến một làn gió mới với tuyệt phẩm Diễm xưa được hát bằng tiếng Nhật. Giọng hát trong trẻo của Akari, cùng với cách phát âm tiếng Nhật mềm mại, tạo nên một phiên bản Diễm xưa vô cùng độc đáo và mới mẻ.
Xuân Định K.Y, đại diện cho thế hệ nghệ sĩ trẻ mang đến một phiên bản đầy trẻ trung của ca khúc Ngẫu nhiên. Anh còn bất ngờ sáng tác thêm một đoạn rap mới, kết hợp hài hòa giữa âm nhạc truyền thống và hiện đại, tạo nên một làn gió mới cho nhạc Trịnh...
Huế Symphony - Bản giao hưởng cố đô với sự kết hợp giữa âm nhạc cung đình Huế, dân ca và nhạc giao hưởng phương Tây tạo nên một bức tranh âm nhạc đa sắc màu, phản ánh đúng tinh thần và bản sắc của thành phố Huế - nơi giao thoa giữa văn hóa cổ kính và nhịp sống hiện đại.
Chương trình hứa hẹn trở thành một sản phẩm du lịch mới về đêm của Huế, thu hút du khách khi đến với thành phố này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.