Ám ảnh “đặc sản” xe công nông ở Tây Nguyên

Lê Kiến Thứ ba, ngày 04/07/2017 06:25 AM (GMT+7)
Xe công nông vô tư chạy trên quốc lộ, liên quan đến nhiều vụ tai nạn thảm khốc, là nỗi ám ảnh của người dân... Thế nhưng, vẫn chưa có phương tiện nào thay thế được vai trò của loại xe “đặc sản” này ở Tây Nguyên.
Bình luận 0

Xe công nông gây họa

Chỉ riêng tại Đăk Lăk, năm 2016 có 28 vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến xe công nông, làm chết 19 người, còn mới 5 tháng đầu năm 2017 đã 18 người chết vì loại xe này.  

Theo thống kê của 5 tỉnh Tây Nguyên, toàn vùng có khoảng 125 nghìn xe máy kéo nhỏ (tên gọi khác của xe công nông) nhưng số lượng xe được đăng ký, đăng kiểm cũng như số người được cấp giấy phép lái xe rất ít. Tỉnh Gia Lai có hơn 37.000 xe nhưng chỉ có khoảng 100 người đăng ký đi học điều khiển xe, tỉnh Kon Tum chỉ cấp được 385 giấy phép hạng A4, Đăk Nông cấp được 928 trường hợp.

img

  Xe công nông chở cả chục người chạy trên Quốc lộ 19 qua huyện Đăk Đoa, Gia Lai. ảnh: Lê Kiến

Theo ông Tăng Xuân Kiên - Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái, Sở GTVT Gia Lai, hàng ngày trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ không khó để chứng kiến những chiếc xe máy kéo nhỏ, xe độ chế không còi, không đèn, không xi nhan... lưu thông. Nguy hiểm hơn là loại xe máy chở cả đoàn người chạy băng băng trên đường, kèm tiếng máy nổ đinh tai, tự do rẽ trái, rẽ phải khiến người đi đường lo sợ.

Còn theo ông Nguyễn Hữu Quế - Giám đốc Sở GTVT Gia Lai, nhiều địa phương đã cấm xe công nông lưu thông trên quốc lộ, nhưng việc thực hiện không nghiêm, cơ quan chức năng không quản được. Để giải quyết bài toán xe công nông trên quốc lộ, nhiều ý kiến đề xuất xây dựng con đường riêng cho xe công nông (tức đường gom). Nhưng ông Tăng Xuân Kiên cho rằng: “Việc xây dựng đường gom dành cho xe máy kéo nhỏ không khả thi, bởi địa hình Tây Nguyên một bên ta luy dương là đồi núi, bên ta luy âm là vực sâu rất nguy hiểm. Chưa kể vốn đầu tư để xây dựng đường gom là rất lớn, trong khi chưa thấy nguồn kinh phí từ đâu ra”.

Chưa có phương tiện thay thế

Các địa phương cần xây dựng khung giờ, phạm vi để cho xe công nông lưu thông nhằm hạn chế nguy cơ TNGT. Đối với các đô thị loại 3, cần cấm không cho xe công nông hoạt động. Các địa phương cũng cần xây dựng bộ tiêu chuẩn, gắn thiết bị phản quang, đèn cho xe công nông khi lưu thông trên đường”.
 Ông Nguyễn Văn Thạch – Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Bộ GTVT

Theo Nghị quyết 32/2007 của Chính phủ, việc đình chỉ lưu hành ôtô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh được thực hiện từ ngày 1.1.2008. Thủ tướng cũng có quyết định “hỗ trợ để thay thế xe công nông, xe tải quá niên hạn sử dụng tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên” nhưng đến nay việc thực hiện vẫn rất hạn chế. Nguyên nhân là chưa có loại phương tiện nào thay thế được xe công nông, phù hợp với địa hình và điều kiện sản xuất của người dân Tây Nguyên.  Mặt khác, việc xử lý khá rắc rối do khái niệm về xe công nông ở các địa phương không thống nhất. Ông Trịnh Hữu Kiệm – Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái, Sở GTVT Đăk Lăk – nói: “Như thế nào là xe công nông, xe công nông có được chở người hay không, nếu được thì chở bao nhiêu người… đều không cụ thể, cho nên khi xử lý rất bất cập”. 

Đại  diện Sở GTVT Đăk Nông kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tham mưu, xây dựng bản vẽ kỹ thuật để thay đổi tay lái bằng càng sang tay lái vô lăng cho an toàn. Lực lượng công an kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm... 

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem