Từ sớm ngày 18.10, hàng trăm người dân Pakse (thủ phủ tỉnh
Champasak, Lào) đã kéo đến nhà tang lễ của chùa Trung Hoa Pakse (nằm trên quốc
lộ 13) để nhận diện xác người thân khi hay tin lực lượng cứu hộ tìm thấy thêm các
thi thể nạn nhân của vụ rơi máy bay QV301.
Hai con gái chị Chinh đang chịu lễ cho mẹ và ông bà ngoại tại chùa Phà Bạt (Pakse) với 3 di ảnh nhưng mới chỉ có thi thể chị Chinh trong áo quan
Khoảng 11h, hàng chục xe cứu thương hú còi nối đuôi
nhau trên quốc lộ 13. Các nhân viên y tế lần lượt cáng 8 thi thể vừa được tìm thấy
vào nhà tang lễ của ngôi chùa để gia đình nhận diện. Vào cuối giờ chiều cùng
ngày, thêm 9 nạn nhân nữa cũng đã được tìm thấy và đưa về Pakse. Trước đó, ngày
17.10, lực lượng cứu hộ Thái Lan đã vớt được 9 thi thể và cũng đưa về đây. Như
vậy đã tìm thấy 26 người trong số 49 nạn nhân.
“Nong khoi, nong
khoi”
Cô gái tên Chi khóc òa khi nhận ra thi thể của cô em gái
Nang Kêsón (tên Việt là Đặng Thị Hiệp, 24 tuổi), nữ tiếp viên hàng không tử nạn
trong tai nạn máy bay của Lao Airlines. Chị Chi gần như quỵ xuống bên thi thể
không toàn vẹn của người em, đôi môi run lên bần bật “Nong khoi, nong khoi”
(nghĩa là “Em tôi, em tôi”).
Được biết, Kêsón sống và làm việc tại Viêng Chăn trong ngành
hàng không, nhưng cô sinh ra, lớn lên và hầu hết thành viên trong gia đình đều còn
ở xóm Tân An, Pakse.
Chị Chi không thể nói thêm với chúng tôi điều gì. Chị chỉ úp
mặt thật chặt vào lòng một người thân, đôi vai nấc lên nghẹn ngào.
Hàng chục người khác đứng, ngồi thẫn thờ khi chưa có thông
tin gì về thi thể người thân. Nhiều người phải chen chúc ngóng trông qua các ô
cửa sổ vì khu vực nhà quàn hạn chế số người vào nhận diện. Rất khó nhận dạng bởi
phần lớn xác nạn nhân đã phân hủy và bốc mùi. Ai nấy cũng đều hiểu rằng, chỉ
còn mong nhận được một chút gì đó từ thi thể người thân để về lo mai táng cho
phải đạo. “Cả nhà không ai còn muốn làm gì cả từ khi hay tin”, anh Puaxo vừa
nói với chúng tôi, vừa bấm điện thoại cho gia đình biết tin về người em trai xấu
số.
Ban Quản lý chùa Trung Hoa Pakse và chính quyền địa phương
phải bố trí nhiều dãy bàn, ghế để tiếp thân nhân các nạn nhân. Họ phải cung cấp
cả nước uống và đặc biệt là khẩu trang cho mọi người.
Từ Thái Lan, đại diện Đại sứ quán Australia tại Bangkok cũng đã có
mặt tại chùa Trung Hoa Pakse vào trưa 18.10, để thu thập thông tin về các công
dân nước này gặp nạn. Bà Judy - một tùy viên của đoàn Australia - cho biết, hiện vẫn chưa
tìm thấy thi thể 6 công dân nước này, gồm 3 đàn ông, 1 phụ nữ và 2 trẻ em đi trên chuyến
bay QV301.
Theo bà, lực lượng cảnh sát Australia cũng đã có kế hoạch phối hợp với cảnh
sát Thái Lan để hỗ trợ tìm kiếm. Ngày 17.10, Thái Lan đã cho lực lượng cứu hộ gồm
30 thợ lặn tức tốc đến Champasak để hỗ trợ phía Lào tìm kiếm nạn nhân.
Bác sĩ pháp y Bun Thăng cho biết, chỉ mới có 4 xác nạn nhân
được đưa về nhà mai táng. Trong đó, có một phần thi thể không đầu, không chân của
chị Lê Thị Chinh (45 tuổi), người con gái cả của ông Lê Huề (74 tuổi) và bà
Vương Thị Ngân (69 tuổi) cùng đi chung với nhau trên chuyến bay lâm nạn.
“Mẹ dặn con phải ăn uống
đầy đủ”
Đó là câu nói cuối cùng mà cô con gái Canda (16 tuổi) nghe từ
mẹ Chinh trước khi họ chia tay nhau ở phi trường vào chiều 16.10. Mẹ cùng ông
bà ngoại bay về Pakse, Canda ở lại Viêng Chăn để đi học. Mẹ dặn dò sợ con gái
mải học, ham chơi quên ăn uống hại sức khỏe.
“Con đâu có ngờ đó là lần…”, cô bé nghẹn lời cúi đầu xuống để
nước mắt nhỏ giọt trên mặt bàn.
Tại nhà quàn của ngôi chùa Phà Bạt (nghĩa tiếng Việt là Dấu
Chân Tiên), nơi đặt di ảnh của cả 3 người trong cùng một gia đình, gồm ông Huề,
bà Ngân và chị Chinh, còn một mái đầu đội khăn tang nữa. Đó là con gái thứ hai
của chị Chinh.
Bé Mada (13 tuổi) nói trong cơn trực khóc: “Mẹ đi lên Viêng cả
hai tuần. Chiều hôm mẹ sắp về mẹ gọi cho con. Mừng quá. Mẹ hỏi con đã hết cảm
chưa, rồi dặn qua dọn dẹp nhà ngoại để đón ông bà về. Thế mà…”. Cô bé quay đi, giấu đôi mắt vào vành khăn tang.
Theo gia đình, chị Chinh thường xuyên phải đưa bà Ngân lên
Viêng Chăn chữa bệnh và ông Huề thì thường đi thăm người con trai út lập nghiệp ở
thủ đô. Ông Lê Văn Đoàn, em ông Huề, cho biết bố mẹ ông di cư sang Lào từ năm
1945. Quê gốc của gia đình ông ở làng Đông Phù, huyện Thanh Trì (Hà Đông, Hà Nội).
Người em trai đã nhận ra xác chị Chinh nhờ vào chiếc nhẫn
đeo trên tay chị, cho chúng tôi biết xác chị được tìm thấy ở tận huyện
Champasak, cách hiện trường những 25 km. Mắt anh cũng đỏ hoe. Phong tục Lào
không có tiếng khóc trong đám tang. Nhưng ở nơi đại tang này, những giọt nước mắt
không chỉ chảy trên gương mặt những người ruột thịt, mà tất cả bà con, láng giềng
và cả cộng đồng Việt Nam ở Pakse đều khóc thương.
Vào cuối buổi chiều ngày 18.10, cơ quan chức năng đã thông
báo với gia đình đã tìm được xác ông Huề. Hiện chưa có thông tin về thi thể bà Ngân và chị Đào Thị Liễu
- Việt kiều Canada, là bạn cùng xóm với gia đình chị Chinh - đi cùng chuyến
bay. Chị Liễu chỉ mới từ Canada về đến Viêng Chăn, chưa kịp về thăm gia đình ở
Pakse đã tử nạn.
Ghi chép của Quốc Ngọc tại Pakse - Lào (Ghi chép của Quốc Ngọc tại Pakse - Lào)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.