Chăm lo cho đồng bào
Vùng cao huyện Sông Mã là địa bàn đặc biệt khó khăn của tỉnh Sơn La trên nhiều phương diện: Dân trí hạn chế, mức sống thấp, giao thông khó khăn, địa hình hiểm trở, cư dân sống rải rác rất khó khăn cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng... Vào nhiều năm trước, địa bàn này là "vùng nóng" với những tình trạng: Tái trồng cây thuốc phiện, buôn bán và sử dụng chất ma túy, phá rừng làm nương, học và truyền đạo trái phép, di cư tự do. Có những đối tượng từng vượt biên, nghe lời kẻ xấu, đón nhận những hư danh ảo, bỏ lại quê hương nhà cửa rách nát, vợ con đói khổ…
Trước thực trạng đó, đồng thời với việc thành lập nhiều đoàn công tác bám bản, bám dân, tuyên truyền vận động người dân định canh, định cư, an tâm sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa mới…, Sông Mã đã có những chính sách đầu tư hợp lý để người dân từng bước cải thiện đời sống.
Hàng ngàn tỷ đồng thông qua các chương trình, dự án 133, 134, 135, định canh định cư, chuyển hướng sản xuất, xóa bỏ cây thuốc phiện, phát triển văn hóa, y tế, giáo dục… đã được thực hiện hiệu quả. Những tuyến đường giao thông trải dài tới các bản làng, theo đó là điện, nước sinh hoạt, kênh mương thủy lợi, nhà văn hóa, trạm y tế, trường học… được đầu tư xây dựng. Cán bộ khuyến nông, thú y, bảo vệ thực vật "cầm tay chỉ việc" cho dân; hỗ trợ người dân giống, vốn phát triển sản xuất.
"Cán bộ nói được và làm được, 3 cùng với dân nên dân tin và làm theo. Nhờ thế đời sống người Mông ở vùng cao này nhanh chóng đổi thay" - ông Lầu Sáy Nhịa, một trong những nông dân giỏi người Mông ở bản Khua Họ, xã Huổi Một, bảo vậy.
Bà con sẽ đồng lòng
Ở nơi này, bài hát "Nguời Mèo ơn Đảng” từ người già tới con trẻ ai cũng thuộc, còn hát cả bằng tiếng Mông nữa đấy”.
Bây giờ, đến với đồng bào Mông ở những vùng cao của huyện Sông Mã như: Mường Sai, Mường Hung, Chiềng Khương, Mường Cai, Huổi Một…, tuy khó khăn vẫn còn nhiều, nhưng đã dễ dàng cảm nhận được những đổi thay lớn trong nhận thức và cuộc sống của bà con nơi đây.
Anh Sùng A Vừ - Phó Chủ tịch UBND xã Mường Cai tâm sự: Những năm gần đây, người dân Mường Cai đã đồng lòng xây dựng cuộc sống mới, không còn tình trạng tái trồng cây thuốc phiện, di cư tự do...
“Các nhà báo cứ nhìn những cánh rừng trồng, rừng khoanh nuôi bảo vệ của chúng tôi tươi tốt như thế kia là biết lòng người dân yêu quý bản làng thế nào rồi. Ở nơi xa xôi này mấy năm gần đây đã có nhiều điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội rồi đấy” – Phó Chủ tịch Sùng A Vừ khoe.
Còn với những người Mông ở xã Huổi Một thì sự quan tâm của Nhà nước đã giúp nhiều người dân từ bỏ được những lỗi lầm, lệch lạc trong cuộc sống trước đây, thêm những điều kiện tốt để ổn định và phát triển đời sống.
Lão nông Lầu Sáy Nhịa ở bản Khua Họ thật thà nói: “Có những người đi sai đường là bởi cái đầu họ nghĩ sai, cái tai họ nghe phải những lời không tốt. Nay thì ai cũng đã biết cả rồi. Tôi cũng từ một nông dân nghèo, nghe lời cán bộ bảo định canh định cư, làm kinh tế trang trại, nay đã thành tỷ phú nhờ trồng nhãn, mận, tre măng và chăn nuôi trâu, bò, lợn. Ở Huổi Một này, nhiều hộ cũng đã và đang được Nhà nước giúp làm theo cách ấy. No ấm, yên ổn rồi thì những tiếng cười, tiếng khèn bè sẽ lại vang lên khắp bản làng”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.