Khánh thành Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0: Công nghệ mới sẽ thúc đẩy Việt Nam phát triển bền vững

Tường Thụy - Phúc Minh Thứ tư, ngày 25/09/2024 13:05 PM (GMT+7)
Việc thành lập Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0 (C4IR) TP.HCM sẽ cho phép Việt Nam khai thác các công nghệ mới trên thế giới để tăng trưởng bền vững, với trọng tâm là phát triển xanh.
Bình luận 0

Đây là nhận định của ông Ramachandran A.S., Chủ tịch của AmCham (Hiệp hội Thương mại Mỹ) ở TP.HCM và Đà Nẵng, tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2024 – HEF 2024 diễn ra hôm nay 25/9. 

Sự kiện khai trương C4IR với sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nằm trong khuôn khổ của diễn đàn.

Công nghệ mới nào sẽ thúc đẩy Việt Nam phát triển bền vững? - Ảnh 1.

Ông Ramachandran A.S. (bên phải), Chủ tịch của AmCham TP.HCM & Đà Nẵng, trao đổi với đại biểu tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2024 ngày 25/9. Ảnh: Tường Thụy

C4IR đặt tại Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP), và SHTP là một trong ba khu công nghệ cao quốc gia của Việt Nam có vai trò chiến lược trong việc hình thành các ngành công nghiệp mũi nhọn thúc đẩy đổi mới sáng tạo. C4IR là đơn vị tham mưu và thí điểm công nghệ mới, từ đó đề xuất triển khai các chính sách công nghiệp quốc gia.

Ông Ramachandran, doanh nhân Mỹ thường được gọi với tên RamC, đã nhấn mạnh vai trò của công nghệ mới tại HEF 2024.

"Các công nghệ mới nổi đang đóng vai trò then chốt cho nỗ lực phát triển bền vững toàn cầu bằng cách giải quyết các mối quan ngại về môi trường và chuyển đổi các ngành công nghiệp", ông RamC khẳng định.

Công nghệ cao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và công nghệ tài chính, những công nghệ này vô cùng quan trọng đối với cả xã hội toàn cầu và Việt Nam, đặc biệt là về tính bền vững của môi trường và thị trường lao động.

Các công nghệ này cho phép các công ty giảm thiểu chất thải, tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và đạt được nhiều cải thiện hiệu quả. Tại Việt Nam, chúng đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các thách thức về môi trường tại địa phương như ô nhiễm và biến đổi khí hậu, ông RamC nói.

Vì vậy, C4IR tại TP.HCM sẽ cho phép Việt Nam khai thác các công nghệ này để tăng trưởng bền vững, với trọng tâm là phát triển xanh.

Trên thế giới, các công nghệ mới nổi đang có những bước tiến đáng kể trong việc giảm tác động đến môi trường. Những đổi mới trong AI, IoT và robot tiên tiến đang giúp các công ty tối ưu hóa hoạt động, giảm thiểu chất thải và giảm thiểu lượng khí thải carbon. 

Ông RamC chứng minh: AI cho phép các công ty phân tích lượng lớn dữ liệu theo thời gian thực, dẫn đến các quy trình ra quyết định tốt hơn góp phần vào tính bền vững. 

Theo 1 báo cáo của PwC vào năm 2020, AI có thể đóng góp tới 4% GDP toàn cầu vào năm 2030 trong khi giảm tới 4% lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Hơn nữa, các công nghệ IoT có thể theo dõi mức tiêu thụ năng lượng và tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên trong các ngành công nghiệp, giúp các quy trình sản xuất hiệu quả hơn và ít gây hại hơn cho môi trường, theo 1 báo cáo của McKinsey.

Trong bối cảnh của các thành phố thông minh, IoT và phân tích dữ liệu đóng vai trò thiết yếu trong việc tạo ra môi trường đô thị bền vững hơn.

Ông RamC dẫn chứng: Các thành phố thông minh sử dụng công nghệ để giám sát chất lượng không khí, quản lý chất thải và giảm mức tiêu thụ năng lượng. Ví dụ, các cảm biến IoT có thể theo dõi mức độ ô nhiễm không khí và điều chỉnh các mô hình giao thông theo thời gian thực để giảm lượng khí thải. Hơn nữa, robot và tự động hóa đang cách mạng hóa lĩnh vực sản xuất, giảm nhu cầu về lao động con người tiêu tốn nhiều năng lượng và giảm chi phí sản xuất đồng thời giảm thiểu tác động đến môi trường.

Công nghệ mới nào sẽ thúc đẩy Việt Nam phát triển bền vững? - Ảnh 2.

Những công nghệ cao như IoT sẽ giúp Việt Nam tiếp tục phát triển xanh và bền vững. Ảnh minh họa

Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức cụ thể về môi trường như ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nước và tác động của biến đổi khí hậu. Lãnh đạo của AmCham cho biết các công nghệ mới nổi như AI, IoT và robot có thể cung cấp các giải pháp đầy hứa hẹn cho những vấn đề này.

Ví dụ, AI và IoT có thể được triển khai để cải thiện hiệu quả việc sử dụng năng lượng và quản lý chất thải ở các khu vực đô thị. Thuật toán AI có thể phân tích dữ liệu môi trường để dự đoán tình hình thời tiết, quản lý tài nguyên và giảm mức tiêu thụ năng lượng.

Trong khi đó, các thiết bị IoT có thể được sử dụng để theo dõi chất lượng nước và đảm bảo xử lý chất thải hiệu quả hơn. Việc sử dụng các công nghệ này có thể giúp Việt Nam giảm tác động đến môi trường đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân.

Trong nông nghiệp, các công nghệ mới nổi có thể tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, tăng năng suất và giảm chất thải.

Ông RamC chỉ ra rằng "nông nghiệp chính xác" (nguyên văn: Precision agriculture) được hỗ trợ bởi AI và IoT sẽ cho phép nông dân theo dõi tình trạng đất, sử dụng nước và tăng trưởng cây trồng, đem đến hiệu quả cho hoạt động canh tác. Điều này không chỉ giúp làm giảm suy thoái môi trường mà còn tăng cường an ninh lương thực cho thế giới.

Vì các công nghệ mới phát triển rất nhanh, TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung cần đầu tư vào các chương trình giáo dục và đào tạo trang bị cho người lao động các kỹ năng cần thiết cho thời đại số. Điều này bao gồm không chỉ các kỹ năng kỹ thuật mà còn cả các kỹ năng mềm như tư duy phản biện, giải quyết vấn đề và khả năng thích ứng với những thay đổi nhanh của công nghệ, ông RamC cho biết.

Khánh thành trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0 thứ hai Đông Nam Á tại TP.HCM

Ngày 25/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự khánh thành Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (C4IR) tại TP.HCM. Đây là một sự kiện quan trọng trong khuôn khổ của Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2024.

Trung tâm C4IR tại TP.HCM là một phần trong mạng lưới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), là trung tâm C4IR thứ hai tại Đông Nam Á (sau Malaysia) và thứ 19 trên thế giới trong mạng lưới của WEF.

Công nghệ mới nào sẽ thúc đẩy Việt Nam phát triển bền vững? - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo TP.HCM khánh thành trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0 tại TP.HCM. Ảnh: Sở Ngoại vụ TP.HCM

Trụ sở Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đặt tại Khu Công nghệ cao TP.HCM.

Đây là kết quả từ những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và TP.HCM trong việc thúc đẩy hợp tác ngày càng sâu rộng giữa Việt Nam và WEF, đặc biệt là sự quan tâm, thúc đẩy của Thủ tướng Phạm Minh Chính, các cuộc trao đổi giữa Thủ tướng Chính phủ và GS. Klaus Schwab - Chủ tịch sáng lập WEF.

Trung tâm C4IR tại TP.HCM sẽ hoạt động theo hình thức kết hợp công và tư với các doanh nghiệp lớn của Việt Nam và thành phố tham gia sáng lập.

Trung tâm có 10 thành viên sáng lập, trong đó có Đại học Quốc gia TP.HCM, Khu Công nghệ cao TP.HCM, Đại học Công nghệ Sài Gòn, Tập đoàn Viettel, Tập đoàn Sovico, Tập đoàn CMC, Công ty Công nghệ viễn thông Sài Gòn, các ngân hàng Techcombank, HDBank…

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết trung tâm C4IR là trung tâm của quốc gia đặt tại TP.HCM. Bản thân tổ chức và hoạt động trung tâm vừa học hỏi, tham khảo kinh nghiệm các trung tâm C4IR đã có trên thế giới, vừa vận dụng sáng tạo vào điều kiện của Việt Nam, thể hiện rõ nét tính chất hợp tác công tư.

Ông Mãi cho biết TP.HCM sẽ cử nhân lực, đóng góp một phần tài chính tham gia ban đầu, nhưng các hoạt động của Trung tâm sẽ phát huy mạnh mẽ vai trò của doanh nghiệp với nguồn lực, kinh nghiệm quản trị của khu vực tư.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem