An Giang: Cây da đại thụ mỗi khi gió thổi phát ra âm thanh như tiếng reo, dân lập cả miếu thờ

Thứ bảy, ngày 05/09/2020 12:27 PM (GMT+7)
Hơn mấy trăm năm trơ gan với mưa nắng thời gian, cây da Long Bình đã trở thành nhân chứng cho quá trình đổi thay của vùng đất đầu nguồn biên giới An Giang. Đến thăm cây đại thụ này, bạn sẽ không khỏi choáng ngợp với kích thước to lớn cũng như lắng nghe những câu chuyện thú vị liên quan đến nó.
Bình luận 0

Để được tận mắt ngắm cây da đại thụ, linh thiêng được người dân lập cả miếu thờ, theo hướng dẫn của người dân thị trấn Long Bình (An Phú), tôi quẹo từ Quốc lộ 91C vào một con đường nhỏ. Người dân địa phương gọi đây là “giồng Cây Da” với ngụ ý nơi đây xưa kia là giồng đất cao có một cây da to lớn. Tên gọi dân gian đó đã nói lên quá trình gắn bó giữa cây với đất, giữa đất với người hàng mấy trăm năm.

Sau vài trăm mét dò đường, tôi đã gặp được cây da Long Bình mà từ trước tới nay chỉ nghe qua lời kể. Quả thật, khi đứng trước cây đại thụ này, bất cứ ai cũng sẽ thấy mình nhỏ bé! Những nhánh cây già cỗi vươn mình vững chãi dưới cái nắng trưa biên giới. Tiếng lá lao xao tạo ra thứ âm thanh trong trẻo của thiên nhiên. Bóng mát của cây có thể che lấp một sân bóng chuyền bên dưới và còn cả khoảng sân rộng để đám nhóc thơ ngây chơi “năm - mười”.

An Giang: Cây da đại thụ mỗi khi gió thổi phát ra âm thanh như tiếng reo, dân lập cả miếu thờ - Ảnh 1.

Nhóm trẻ chơi đùa dưới gốc cây da đại thụ

Bà Nguyễn Thị Lệ (người dân định cư gần cây da) cho biết: "Cây da này theo tên gọi dân gian là sung reo. Bởi, trái của cây gần giống như trái sung và có thể ăn được. Do kích thước lá lớn nên mỗi khi có gió thổi sẽ tạo ra âm thanh rất lớn, tựa như tiếng reo. Cây da có từ hồi nào tôi không biết, nhưng bà nội tôi kể rằng hồi bà mới về đất này làm dâu thì cây đã to lớn lắm rồi.

Lần đầu chạm tay vào những mấu cây già nua, tôi có thể cảm nhận được dấu thời gian hằn lên những nốt sần sùi. Mấy cậu nhóc chui vào bọng cây để chơi “năm-mười”, khi bắt gặp chiếc máy ảnh của tôi thì mở miệng cười toe toét! Càng đến gần, bạn sẽ càng cảm nhận được sự vĩ đại của cây da này. Những chiếc rễ phụ cũng đã to như thân người, gâm thẳng xuống đất như chống đỡ tiếp với thân cây. Bà Lệ cho biết, mấy cái rễ ấy hồi nhỏ bà hay nắm lấy để chơi, giờ đã hơn 50 năm rồi.

"Bà nội có hỏi ông cố tui, thì ông cũng chỉ biết cây da có từ trước khi lớp người đầu tiên đến đây "cắm dùi" khai hoang, mở đất. Như vậy, cây da đã có trước khi gánh họ Nguyễn của tui đến ở cái đất này, mà tới tui đã hơn 5 đời rồi!" - bà Nguyễn Thị Lệ nói.

Hiện, cây da vẫn phát triển xanh tốt. Mỗi năm, cây thay 2 mùa lá vào khoảng tháng 10 (âm lịch) và đầu mùa mưa. 

“Khi thay lá, “ổng” (cây da) chỉ còn cành khô trơ trụi, người không biết ngỡ là “ổng” chết, nhưng không phải. Chừng 1 tháng thì “ổng” xanh um trở lại rồi tỏa bóng mát rượi cho cháu con chơi dưới gốc. Bởi sự linh thiêng của “ổng” nên người dân lập miếu thờ, gọi là miếu ông Tà. Khách thập phương hay đến cúng vái ông Tà thường xuyên. Từ năm 2000 - 2010, khách từ các tỉnh miệt dưới lên đây nườm nượp để viếng “ông cây” này!” - bà Lệ cho biết.

Theo cái chỉ tay của bà Lệ, tôi nhìn thấy những vết gãy khá to trên thân cây. Trước đây, cây da này có đến 10 nhánh và phân bố tròn đều hệt như một cây bon-sai khổng lồ. Những năm bị Pônpốt pháo kích, người dân phải bỏ xứ đi lánh nạn thì cây da vẫn ở lại đó giữa làn đạn giặc. Một vài nhánh dính đạn pháo bị gãy, số còn lại cũng theo thời gian rơi xuống. 

Tuy nhiên, dáng cây vẫn hiên ngang giữa đất trời biên giới, như hiện thân cho sức sống của đất và người nơi đây sau những năm tháng chiến tranh khốc liệt.

An Giang: Cây da đại thụ mỗi khi gió thổi phát ra âm thanh như tiếng reo, dân lập cả miếu thờ - Ảnh 3.

Bọng cây rất lớn để mấy cậu nhóc có thể chui vào

Những người dân ở ấp Tân Thạnh, thị trấn Long Bình khẳng định rằng, phải mất 18 người nối tay nhau mới ôm xuể thân cây khổng lồ. 

Bà Lệ cho biết, người dân địa phương xem cây da là biểu tượng của sự linh thiêng. Có những câu chuyện về mặt tâm linh mà bà không sao nhớ hết, bởi nó chỉ được truyền miệng qua các thế hệ. 

Bà nhớ lại, cây da đã có nhiều đoàn khảo sát cấp tỉnh, huyện đến nghiên cứu và vài lần ngành chuyên môn xử lý thuốc để tránh mối mọt, bảo vệ thân cây. Hiện, bà Lệ và những hộ dân định cư xung quanh cây da vẫn từng ngày bảo vệ cây như một biểu tượng về niềm tin được ông bà để lại cho con cháu đời sau.

Nắng trưa trên đỉnh đầu gay gắt, tôi tạm biệt người phụ nữ cao niên ấy để trở về nhưng trong lòng lại cứ suy nghĩ về một cây đại thụ xứng đáng là di sản về mặt văn hóa lẫn tinh thần của người dân địa phương. Trong tương lai, cây da Long Bình cần tiếp tục được bảo dưỡng, chăm sóc để có thể trường tồn, trở thành điểm du lịch tâm linh ở An Phú, góp phần lưu giữ một phần lịch sử của vùng đất đầu nguồn!

Theo UBND huyện An Phú, cây da cổ thụ hơn 350 năm tuổi là nơi lưu giữ, ghi dấu nhiều huyền thoại của vùng đất đầu nguồn biên giới. Bên cạnh đó, nơi đây còn là "cái nôi" cách mạng qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước nên cần được bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, tinh thần trong thời gian tới.

Thanh Tiến (Báo An Giang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem