An Giang: Trồng loại cây không cần đất trên trụ xoay, nhà nông "hái ra tiền"
An Giang: Trồng loại cây không cần đất trên trụ xoay, nhà nông "hái ra tiền"
Chúc Ly - Mai Anh
Thứ hai, ngày 11/04/2022 18:00 PM (GMT+7)
Thay vì trồng nấm rơm ngoài trời theo cách truyền thống năng suất không cao, lại chịu ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết, nông dân ở huyện Châu Thành (tỉnh An Giang) nghĩ ra cách trồng nấm rơm trên trụ xoay kết hợp hệ thống phun ẩm, đạt hiệu quả cao.
Trồng nấm rơm trên trụ xoay, nấm ra tua tủa, năng suất cao
Trồng nấm rơm trên trụ xoay trong nhà không chỉ tiết kiệm diện tích mà năng suất thu về cao gấp 3 lần cách làm truyền thống.
Sau thời gian khảo sát thực tế, Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành phát hiện những nhược điểm mà nông dân áp dụng mô hình trồng nấm rơm dạng trụ đã và đang gặp phải.
Chính vì vậy, từ tháng 4/2021, Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành đã triển khai thử nghiệm đề tài: "Ứng dụng mô hình trồng nấm rơm dạng trụ xoay kết hợp với hệ thống phun ẩm" tại hộ anh Dương Văn Tài (ngụ xã Vĩnh Lợi, huyện Châu Thành).
Mô hình trồng nấm rơm dạng trụ xoay kết hợp hệ thống phun ẩm do Trạm Khuyến nông huyện kết hợp với các đơn vị triển khai thực hiện đã làm thay đổi tư duy trồng nấm của nhiều nông dân. Đây là mô hình cần được tiếp tục nhân rộng, giúp cải thiện thu nhập cho nông dân.
Theo đó, mô hình được thực hiện với 2 phương thức: Chất rơm theo dạng trụ (đối chứng) và chất rơm theo dạng trụ xoay kết hợp phun ẩm. Cả 2 phương pháp được trồng trong nhà trồng rộng 42m2 và được lặp lại 3 lần giống nhau, tương đương 3 vụ trồng.
Ở nhà trồng với phương thức đối chứng sẽ được bố trí 30 trụ nấm, khoảng cách giữa tâm trụ này đến trụ kia 1,2m. Còn với nhà trồng nấm dạng trụ xoay kết hợp hệ thống tưới phun ẩm sẽ được bố trí 42 trụ nấm, khoảng cách giữa tâm trụ với nhau là 1m, có lắp hệ thống phun ẩm. Thời gian nghiên cứu được thực hiện lặp lại trong 3 vụ, với cách ngâm, ủ rơm, phối trộn bông vải… giống nhau.
Với cách thực hiện như vậy sẽ so sánh rõ năng suất và hiệu quả kinh tế giữa mô hình trồng nấm rơm dạng trụ và trồng nấm rơm dạng trụ xoay kết hợp hệ thống phun ẩm. Từ đó, nông dân sẽ tiếp cận dễ dàng hơn, tối ưu về hiệu quả và lợi nhuận.
Anh Tài cho hay: "Lúc đầu trồng nấm ngoài trời thấy khá bấp bênh, lúc trúng lúc thất, ảnh hưởng thời tiết rất nhiều. Gia đình tôi triển khai mô hình trồng nấm dạng trụ này được 3 năm nay. So với trồng nấm ngoài trời thì năng suất cao hơn. Đến nay tôi còn trồng nấm rơm trên trụ kết hợp hệ thống phun ẩm, bước đầu thấy hiệu quả còn cao hơn".
Theo đó, cứ mỗi m2 anh Tài lại đặt 1 trụ nấm với chiều cao 1,4m (tương đương gần 1 cuộn rưỡi rơm); tổng diện tích 42m2. Sau 10-11 ngày ủ meo cùng bông vải thì nấm rơm bắt đầu cho thu hoạch. Thời gian thu hoạch kéo dài đến 20 ngày. Mỗi trụ nấm có thể thu về 4kg trong suốt vụ, năng suất cao gấp 3 lần so với cách làm truyền thống.
Để cách ly mầm bệnh, cũng như hạn chế việc phần chân trụ nấm dư ẩm, ngoài việc thiết kế trụ xoay, anh Tài còn kê cao phần trụ khỏi nền khoảng 10-20cm.
"Trong quá trình trồng, nông dân phải thường xuyên kiểm tra nhiệt độ, ẩm độ mô nấm và hệ sợi tơ phát triển. Đồng thời, để tối ưu hiệu quả cần lắp đặt thêm hệ thống phun ẩm tự động. Với cách tưới truyền thống, bình quân 1 trụ nấm cần 27 lít nước trong suốt vụ. Tuy nhiên, với hệ thống phun ẩm toàn bộ 42 trụ nấm (bố trí 42m2) hiện chỉ cần chưa đến 100 lít nước, lượng nước chỉ sử dụng khoảng 12% so với thông thường" - anh Tài chia sẻ.
Khách hàng ưa chuộng
"Gia đình tôi triển khai mô hình trồng nấm dạng trụ này được 3 năm nay. Đến nay tôi còn áp dụng trồng nấm rơm trên trụ kết hợp hệ thống phun ẩm, bước đầu thấy hiệu quả còn cao hơn".
Anh Dương Văn Tài
Theo nhiều nông dân trồng nấm rơm trên trụ xoay, áp dụng hình thức này vừa tiết kiệm được chi phí, lại đỡ nhọc công. Chất lượng nấm đồng đều, mẫu mã đẹp.
Chị Phạm Thị Như - cán bộ khuyến nông huyện Châu Thành, nhận định: "Khi mình phun ẩm vừa đủ thì nấm ở phần gốc rất trắng, đẹp, thương lái thu mua cũng thích hơn vì bảo quản được lâu. Trong khi nếu tưới thủ công giữa chân nấm và một số nấm ở dưới cùng dễ bị dư ẩm".
Với sự sáng tạo của nông dân, cùng sự tiếp sức kinh phí của Sở KHCN địa phương, nhiều hộ trồng nấm đã chủ động được ẩm độ, việc vệ sinh khu vực trồng nấm được thuận lợi hơn, đặc biệt không phụ thuộc vào thời tiết...
Với hiệu quả bước đầu mang lại, mô hình trồng nấm rơm trên trụ xoay kết hợp hệ thống phun ẩm hứa hẹn giúp bà con tăng thêm thu nhập. Đồng thời, có thể tận dụng tối đa phần phụ phẩm trong nông nghiệp mang lại, thay vì đốt rơm sau mỗi vụ mùa.
Được biết, Châu Thành là huyện nông nghiệp, với diện tích canh tác lúa hàng năm trên 80.000ha, đây là nguồn nguyên liệu sẵn có để phục vụ nghề trồng nấm rơm.
"Thời gian qua, với nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ từ địa phương thông qua các mô hình trình diễn, lớp tập huấn, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giúp nông dân tiếp cận những kỹ thuật mới như trồng nấm rơm dạng trụ, dạng kệ, dạng sọt… Từ đó giúp thay đổi tư duy sản xuất và đem lại hiệu quả cao hơn" - chị Như cho hay.
Theo thống kê, trong năm 2021 toàn huyện có 28 nhà trồng nấm rơm/2.405m dòng và 3.565m mô nấm rơm ngoài trời. Trong 28 nhà trồng nấm rơm có 22 nhà trồng nông dân chuyển từ hình thức dạng kệ sang dạng trụ. Thực tế sản xuất cho thấy, mô hình đã tận dụng tối đa diện tích nhà trồng, rất thuận lợi trong khâu chăm sóc và thu hoạch, giá bán ổn định từ 50.000-60.000 đồng/kg.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.