Đến Ninh Thuận lên Núi Chúa ném "quả bom” kỳ lạ, bom rơi xuống đất mầm xanh mọc lên

Bùi Phụ Chủ nhật, ngày 10/04/2022 16:33 PM (GMT+7)
“Bom hạt giống” là sản phẩm được Vườn quốc gia Núi Chúa (Ninh Thuận) áp dụng thả trên Núi Chúa nhằm tái tạo hệ thực vật rừng, tăng thêm cây xanh cho vùng núi khô cằn, nhiều đá. Nhờ những trận “ném bom” này, bước đầu đem lại nhiều kết quả rất khả quan, phủ thêm màu xanh trên Núi Chúa nắng nhiều, mưa ít.
Bình luận 0

Độc đáo tour... "ném bom"

Những ngày đầu năm 2022, chúng tôi có dịp theo chân đoàn du khách đến từ TP.HCM lên Núi Chúa "ném bom". Trước lúc leo núi, chúng tôi được anh hướng dẫn viên du lịch "bắt" phải tham gia khóa học ngắn về quy trình, kỹ thuật "ném bom"!

Sau khi tận mắt chứng kiến những quả "bom hạt giống", chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước ý tưởng độc đáo, thiết thực, nên cả đoàn ai cũng nhiệt tình tham gia. Sau đó, đoàn du khách chúng tôi, mỗi người mang tầm tầm 20 quả "bom hạt giống" bắt đầu hành trình lên Núi Chúa "ném bom"!

Lên Núi Chúa “ném bom”gieo màu xanh - Ảnh 1.

Du khách tham gia thả “bom hạt giống”. Ảnh: Thắng Hùng

Theo nhận định của các chuyên gia du lịch, Vườn Quốc gia Núi Chúa sở hữu vẻ đẹp nguyên sinh với hệ sinh thái đa dạng, cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ. Du khách đến đây sẽ khám phá bức tranh đa dạng sinh học rừng, biển với các loài động, thực vật quý hiếm.

Theo lời anh Nguyễn Đình Thắng - nhân viên Ban quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa, "bom hạt giống" là một viên đất sét được trộn với phân, nước, bên trong chứa hạt giống của cây rừng. 

"Bom hạt giống" có kích thước nhỏ, nằm gọn trong lòng bàn tay nên rất tiện để du khách mang theo và ném, rải ở những khu vực phù hợp do nhân viên hay hướng dân viên chỉ dẫn. 

"Bom sẽ nằm yên đó, khi có mưa xuống hạt giống bên trong sẽ nảy mầm, sinh trưởng. Rồi Núi Chúa có thêm được một cây xanh, tất cả chúng ta đều hưởng lợi…" - anh Thắng bật mí.

Được tận tay ném những quả "bom hạt giống" vào triền dốc lên Núi Chúa, chị Bích Nhi (27 tuổi) - du khách đến từ TP.HCM cho biết, trong chuyến hành trình du xuân, được tận tay thả những mầm xanh vào thiên nhiên, núi rừng, để gieo ước vọng ở nơi hoang vu này thì thật ý nghĩa…

Còn anh Nguyễn Tâm (34 tuổi) - du khách đến từ TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, cho hay, những quả "bom hạt giống" này có ý nghĩa lớn trong việc tái sinh rừng, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học. Vì vậy, đầu xuân được đi tour du lịch "ném bom" độc đáo như thế này thật ý nghĩa…

Gieo mầm xanh cho tương lai

Lên Núi Chúa “ném bom”gieo màu xanh - Ảnh 3.

Một quả “bom hạt giống” đã nảy mầm, ra lá xanh. Ảnh: Thắng Hùng

Ngày 15/9/2021, Vườn quốc gia Núi Chúa được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới với tổng diện tích trên 106.646ha. Trong đó, vùng lõi trên 15.752ha, vùng đệm trên 48.761ha, vùng chuyển tiếp trên 42.131ha. Đây là khu vực có hệ sinh thái rừng, biển rất đa dạng, phong phú.

Anh Bùi Nguyên Định - kỹ sư nông nghiệp ở TP.Biên Hòa (Đồng Nai) nói rằng anh rất vui khi được bạn bè rủ tham gia chuyến du lịch này: "Đây không chỉ là gieo mầm xanh cho cây rừng, mà còn làm thay đổi ý thức của nhiều người, nhất là thế hệ trẻ hiện nay. Nếu hôm nay, các bạn trẻ, các em học sinh, ý thức được việc bảo vệ môi trường là quan trọng bằng cách gieo mầm xanh thì tương lai sẽ nhận được nhiều thành quả đẹp".

Ông Trần Văn Tiếp - Giám đốc Vườn quốc gia Núi Chúa cho biết, trung bình mỗi năm Núi Chúa đón khoảng 100.000 lượt khách. Nếu mỗi lượt khách đến đây tham gia rải "bom hạt giống", sau đó một cây nảy mầm thì mỗi năm Núi Chúa có thêm 100.000 cây rừng mọc lên, tạo thêm màu xanh cho Núi Chúa.

"Qua thời gian áp dụng, kết quả cho thấy, chương trình rải "bom hạt giống" không chỉ là gieo mầm xanh cho núi rừng, mà còn gieo vào ý thức mỗi học sinh, mỗi bạn trẻ, khách du lịch về bảo vệ môi trường sinh thái. Vì thế, chúng tôi đã biến chương trình rải "bom hạt giống" thành sản phẩm du lịch độc đáo để nhiều người cùng tham gia, góp phần bảo vệ môi trường ngày càng tốt hơn" - ông Tiếp chia sẻ.

Cũng theo ông Tiếp, do điều kiện khí hậu khắc nghiệt, việc tái sinh tự nhiên rừng tại khu vực Vườn quốc gia Núi Chúa trước đây gặp nhiều khó khăn. 

Thực tế cho thấy, Vườn quốc gia Núi Chúa có hệ sinh thái khô hạn, mùa mưa ở khu vực này thường đến muộn hơn so với các vùng khác trong tỉnh và kết thúc cũng sớm hơn, bắt đầu khoảng tháng 9-10, kết thúc khoảng tháng 12. Khu vực này không có suối lớn, chỉ có một số suối nhỏ, ngắn đến mùa khô gần như cạn kiệt, được xếp vào loại khô hạn nhất ở Việt Nam hiện nay. 

"Nhờ chương trình "bom hạt giống" nên cây xanh ở Núi Chúa cải thiện đáng kể. Sắp tới chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình này" - ông Tiếp nói.

Lên Núi Chúa ngắm biển

Anh Nguyễn Đình Thắng - nhân viên Ban quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa nhớ lại kỷ niệm những ngày đầu đi ném "bom hạt giống" và có lần suýt gặp nguy. Hồi ấy, anh Thắng cùng anh Hùng (cũng nhân viên của Ban quản lý) dẫn một đội hơn 20 người mang hơn 2.500 "bom hạt giống" đi thả tại khu vực thác 5 tầng.

Vì đường xa, dốc đá, gặp lúc trời mưa bay bay nên trơn trượt, mới đi được 1/3 chặng đường thì một số thành viên trong đoàn bị ngã, trong đó có anh Thắng. Nhiều quả "bom hạt giống" rớt xuống những sườn dốc. Cả đoàn rất lo lắng vì sợ "bom hạt giống" vỡ ra thì coi như chuyến đi đó không thành công. Nhưng khi đi lượm từng quả trên tay thì cả đoàn vui mừng vì "bom hạt giống" vẫn còn nguyên vẹn.

Nhờ cú trượt té đó, nhóm anh Thắng đã rút ra những kinh nghiệm, cùng đưa ra biện pháp, cảnh báo cho những đoàn khách sau khi đi qua khu vực này. Bởi qua đoạn dốc này sẽ đến được thác 5 tầng – một nơi tuyệt đẹp của Vườn Quốc gia Núi Chúa. Đến đây, du khách sẽ tận mắt chứng kiến một bên là thác 5 tầng hùng vĩ, một bên là rừng xanh bạt ngàn...

Anh Khoa Danh - chuyên gia du lịch ở TP.Phan Rang- Tháp Chàm (Ninh Thuận) thường đưa khách lên Núi Chúa cho biết, nhiều du khách mê khám phá, khi đến du lịch Vườn Quốc gia Núi Chúa mà không thử một lần trekking (đi bộ leo núi) lên đỉnh Núi Chúa thì đã bỏ qua trải nghiệm tuyệt vời nhất ở Ninh Thuận.

Theo anh Khoa Danh, mặc dù đỉnh Núi Chúa có độ cao hơn 1.040m so với mực nước biển, thế nhưng để có thể chinh phục được đỉnh núi thì không phải du khách nào cũng có thể làm được. 

Nhưng nếu ai đã chinh phục được rồi thì không thể nào quên được cung đường trekking được tuyệt đẹp này.

 Đứng trên đỉnh Núi Chúa, du khách phóng tầm mắt ra mới thấy cả biển trời bao la trước mắt mình. Hết cảm giác nóng khô, bức bối là không khí se se lạnh, mát mẻ sẽ khiến du khách không muốn xuống núi! 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem