An Giang từng hỗ trợ cứu sống hơn 400.000 dân Campuchia

Huỳnh Xây Chủ nhật, ngày 30/12/2018 06:00 AM (GMT+7)
Bí thư Tỉnh uỷ An Giang Võ Thị Ánh Xuân cho biết, lực lượng vũ trang của tỉnh đã từng phối hợp cùng với các lực lượng vũ trang có liên quan tổ chức nhiều trận đánh, qua đó cứu sống hơn 400.000 người dân Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng Pôn Pốt, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới Tây Nam.
Bình luận 0

Trong bài phát biểu của mình tại hội thảo khoa học cấp quốc gia “40 năm ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7.1.1979 - 7.1.2019)” do Bộ Quốc phòng phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức ngày 28.12 tại An Giang, bà Võ Thị Ánh Xuân - Bí thư Tỉnh uỷ An Giang cho biết, sau tháng 4.1975, khi đất nước hoàn toàn thống nhất, tình hình biên giới Việt Nam - Campuchia diễn biến phức tạp.

img

Bí thư Tỉnh uỷ An Giang Võ Thị Ánh Xuân phát biểu tại hội thảo.

"Lúc bấy giờ, bọn phản động Pôn Pốt - Iêng Xari liên tiếp gây ra các vụ xâm lấn biên giới, phá hoại tài sản, tàn sát dã man đồng bào ta ở các tỉnh biên giới Tây Nam. Tại An Giang, đêm 30.4.1977, lợi dụng lúc quân và dân ta kỷ niệm hai năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari bất ngờ mở cuộc tiến công đồng loạt vào 13 đồn biên phòng, 14 xã, thị trấn dọc biên giới của tỉnh, tàn phá các bản làng, trường học, cơ sở sản xuất. Đi đôi với hành động xâm lược, tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari còn xuyên tạc, kích động tư tưởng hằn thù dân tộc" - bà Xuân nói.

Theo bà Xuân, trước hành động gây hấn của địch, quân và dân An Giang đã kiên quyết đứng lên trừng trị bàn tay tội ác của quân Pôn Pốt. Trong hơn hai năm chiến đấu (1977 - 1979), dưới sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là Tỉnh ủy An Giang, quân và dân trong tỉnh đã phối hợp với lực lượng của Bộ Quốc phòng và Quân khu 9 đánh bại nhiều đợt tiến công của địch ở các khu vực Bảy Núi, Châu Đốc, Phú Châu, Tịnh Biên, Vĩnh Hội Đông, sông Bình Di, Phú Hội, Vĩnh Xương...

Cũng theo bà Xuân, trong cuộc tổng phản công chiến lược cuối tháng 12.1979, quân và dân An Giang được giao nhiệm vụ nổ súng mở màn cho chiến dịch. "Thực hiện nhiệm vụ trên, các lực lượng vũ trang trong tỉnh đã phối hợp cùng với các lực lượng vũ trang của trên, tổ chức nhiều trận đánh, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giúp giải phóng hoàn toàn hai tỉnh Tà keo và Can đan, cứu sống hơn 400.000 người dân Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng Pôn Pốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới Tây Nam" - Bí thư Tỉnh uỷ An Giang thông tin.

Phát huy chiến thắng đạt được trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xari, bà Xuân cho rằng, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh An Giang đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, đồng tâm hiệp lực đưa các mặt kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh không ngừng phát triển, đời sống nhân dân ngày một nâng cao.

Đặc biệt trong năm 2018, mặc dù gặp không ít khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của các ngành, các cấp và toàn dân, An Giang đã có nhiều chuyển biến tích cực trong các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội, mức tăng trưởng khá hơn so với năm trước. Các lĩnh vực văn hoá, an sinh xã hội, cải cách hành chính có nhiều tiến bộ, quốc phòng, an ninh tiếp tục được đảm bảo, chủ quyền biên giới được giữ vững.

An Giang có đường biên giới dài gần 100km giáp với hai tỉnh Tà keo và Can đan của Campuchia; là tỉnh giàu truyền thống yêu nước và là trung tâm trong thế trận phòng thủ liên hoàn của vùng Tây Nam Bộ. Tỉnh này cũng là một trong bốn địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của Đồng bằng sông Cửu Long.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem