Ân nghĩa của nông dân với Bác Hồ

Ngọc Lương (ghi) Thứ hai, ngày 02/09/2019 06:00 AM (GMT+7)
PGS - TS Nguyễn Minh Tuấn - Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng: “Trong bản Di chúc, Bác dành cho nông dân chỉ một đoạn ngắn nhưng cũng đủ để nói lên vai trò của nông dân với cách mạng, cũng như trách nhiệm của Đảng và Nhà nước ta đối với nông dân sau cuộc kháng chiến, thậm chí đến bây giờ chúng ta vẫn trăn trở về điều Bác mong muốn”.
Bình luận 0

Nói về bản Di chúc của Hồ Chủ tịch, PGS - TS Nguyễn Minh Tuấn cho rằng: Với một tình yêu bao la đối với con người, trong bản Di chúc của mình, không có lực lượng nào trong xã hội mà Bác Hồ không nhắc tới. Đối với nông dân Bác cũng dành tình cảm rất đặc biệt. Trong cuộc kháng chiến rất anh dũng, rất trường kỳ, rất tốn kém, đồng bào phải hy sinh nhiều của, nhiều người, lực lượng nông dân lúc đó chiếm 80 - 90% trong xã hội. Nông dân cung cấp sức người sức của cho kháng chiến, có thể nói không có lực lượng nông dân thì không thể có kháng chiến thành công.

img

Chủ tịch Hồ Chí Minh với bà con nông dân Hợp tác xã Tân Lập, huyện Quốc Oai, Hà Tây
(nay là Hà Nội), tháng 7/1958. Ảnh: T.L

Sau chiến tranh, việc khôi phục đất nước, khoan thư sức dân là một quy luật. Việc nhà nước miễn thuế nông nghiệp cũng là cách để khoan thư sức dân, để người nông dân có điều kiện tiếp tục khôi phục sản xuất, đảm bảo cuộc sống. Chính vì thế, trong Di chúc của Bác, Người đã viết: Tôi đề nghị Chính phủ miễn thuế cho nông dân một năm để đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng thêm phần hăng hái, phấn khởi để sản xuất.

Như vậy, Bác là người đề nghị, còn thời gian miễn thuế là 1 năm, tức là ngay sau khi kết thúc chiến tranh. Tất nhiên do điều kiện nước ta lúc đó quá khó khăn nên việc miễn thuế nông nghiệp cũng được thực hiện theo Di chúc nhưng phải nhiều năm sau đó. “Cội nguồn của vấn đề mối quan hệ giữa Đảng với nông dân, hay nói cụ thể giữa Bác Hồ với nông dân, trong quá trình nghiên cứu tôi tâm đắc nhất thời điểm mà tình nghĩa của nhân dân đối với Bác không thể nào quên. Đó là những năm chúng ta kháng chiến chống Pháp, toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính” - PGS - TS Nguyễn Minh Tuấn nói.

Năm 1949, sau chiến thắng Việt Bắc (1947), lực lượng chiến đấu của chúng ta tăng lên rất nhanh. Các đơn vị quân đội nhiều nơi ngoài chiến đấu còn sản xuất, tự túc lương thực, có nơi tự túc được, thậm chí còn chi viện cho đơn vị khác, có nơi tự túc gần đủ. Nhưng vì lực lượng chiến đấu tăng rất nhanh nên không đủ lương thực, trong khi đó vùng chúng ta giải phóng còn ít dẫn tới tình trạng thiếu lương thực.

img

PGS - TS Nguyễn Minh Tuấn.

Các đơn vị, các địa phương báo cáo lên với Bác việc thu mua lương thực rất khó khăn. Người rất suy nghĩ, rất trăn trở, và nghĩ chỉ có cách dùng uy tín của mình để huy động nông dân cung cấp lương thực. Bác đã viết một bức thư Lời kêu gọi đồng bào bán gạo khao quân nhân dịp ngày 2/9/1949 (năm 2019 này  cũng tròn 70 năm ngày Bác gửi bức thư cho nông dân).

Trong thư, Bác viết: “Nhân dịp độc lập 2/9, tôi có ý muốn khao thưởng bộ đội ta là những người đang chiến đấu anh dũng để giữ quyền lợi độc lập mà nhân dân ta đã tranh đấu, nhưng lấy gì mà khao thưởng. Thánh hiền có nói “thực túc binh cường”, vậy lấy lương thực khao thưởng là đơn giản nhất, thiết thực nhất. Song tôi không có thóc gạo. Vậy tôi lấy danh nghĩa cá nhân mà nhờ đồng bào giùm tôi việc đó.

 "Trong bản Di chúc, Bác dành cho nông dân chỉ một đoạn ngắn nhưng cũng đủ để nói lên vai trò của nông dân với cách mạng, cũng như trách nhiệm của Đảng và Nhà nước ta đối với nông dân sau cuộc kháng chiến, thậm chí đến bây giờ chúng ta vẫn trăn trở về điều Bác mong muốn”.

PGS - TS Nguyễn Minh Tuấn

Tôi muốn nhờ đồng bào mỗi gia đình bán cho tôi 10kg gạo, định giá 1kg giá 50 đồng; gia đình nghèo thì thôi; những đồng bào có thể bán giúp nhiều thì càng hay, đồng bào bán giúp thì phải nhận đủ tiền vì tôi không muốn để đồng bào bị thiệt thòi nhiều quá. Cách lấy gạo và trả tiền thế nào thì Ủy ban kháng chiến hành chính xã phụ trách. Tôi chắc rằng đồng bào sẽ sẵn lòng giúp tôi việc đó, tôi cảm ơn trước đồng bào. Và tôi sẽ gửi thư riêng cảm ơn từng đồng bào đã bán gạo nhiều nhất trong xã, trong huyện, trong tỉnh.

Chào thân ái và quyết thắng. Ngày 20/8/1949 - Hồ Chí Minh”.

Sau khoảng thời gian một tháng từ khi Bác Hồ gửi thư, lực lượng nông dân tham gia bán gạo cho Chính phủ rất đông, kể cả những người đang ở trong vùng địch tạm chiếm. Số lương thực thu mua được ngoài dự kiến. Nói là mua gạo khao quân nhân dịp Quốc khánh, nhưng không phải khao một bữa là hết. Số lương thực này là để chuẩn bị nuôi quân lâu dài phục vụ kháng chiến.

Đến ngày 23/9/1949, tức là hơn 1 tháng sau, Bác viết bức thư cảm ơn đồng bào về việc bán gạo.

Theo PGS - TS Nguyễn Minh Tuấn, câu chuyện trên là một kỷ niệm đẹp trong lịch sử thể hiện tình cảm quân - dân, tình cảm nông dân với Bác Hồ, ở góc độ nào đó là ân nghĩa giữa nông dân với Bác. Chính vì thế trong Di chúc, Người đã khao khát, đã mong muốn và đề nghị miễn thuế nông nghiệp cho nông dân sau khi kháng chiến kết thúc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem