Theo báo cáo mới nhất của Bộ NNPTNT, tính đến hết năm 2010, mục tiêu cấp nước hợp vệ sinh đã đạt 83,5%, trong đó có 42% là nước sạch theo Quy chuẩn 02 của Bộ Y tế.
Trong 7 vùng kinh tế- sinh thái, vùng Đông Nam Bộ có tỷ lệ số dân nông thôn sử dụng nước sạch hợp vệ sinh cao nhất đạt 89%, thấp nhất là vùng miền núi phía Bắc với 78% và Tây Nguyên với 74%... Trong khi đó mục tiêu đến năm 2010, phải có 85% người dân nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh.
Việt Nam đã hoàn thành giai đoạn 2 (2006-2010) của Chương trình mục tiêu Quốc gia về NSVSMTNT. Dù đã góp phần nhất định làm thay đổi đời sống của một bộ phận không nhỏ người dân nông thôn nhưng rõ ràng chưa đáp ứng được mục tiêu như đã đề ra.
Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại VN, ước tính hàng năm có hơn 20.000 người, phần lớn là trẻ em chết vì các bệnh có nguyên nhân từ nước bẩn và vệ sinh không đạt chuẩn. Hầu hết một nửa số ca tử vong này do các bệnh tiêu chảy gây nên. Cứ 1 trong 3 phụ nữ mang thai (32%) và 1 trong 3 trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu máu mà nguyên nhân một phần do bị nhiễm giun... “
Nguồn nước không an toàn và vệ sinh kém cũng dẫn đến tỷ lệ suy dinh dưỡng cao ở trẻ dưới 5 tuổi”- bà Lotta Sylwander - Trưởng đại diện UNICEF tại VN cảnh báo.
Theo đánh giá của UNICEF, trong những năm qua, Chính phủ VN đã có những nỗ lực đáng kể trong việc cung cấp nước sạch cho người dân nông thôn. Tuy nhiên, những hạn chế trong lĩnh vực cấp nước cùng với diễn biến ngày càng "nóng" của biến đổi khí hậu, thực trạng thiếu kiến thức và những thói quen mất vệ sinh của người dân nông thôn là những vấn đề đáng lo ngại ở VN.
Chỉ 18% người dân nông thôn VN nhận thức được rằng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh giúp ngăn ngừa bệnh đi ngoài và những bệnh do ký sinh trùng gây ra. Chỉ khoảng 2% người dân nông thôn hiểu rằng rửa tay bằng xà phòng sẽ ngăn ngừa được những bệnh do ký sinh trùng gây ra...
Những nhận thức như vậy nếu không được thay đổi, có thể chúng ta vẫn sẽ gánh nhiều hậu quả nặng nề.
Hữu Thông
Vui lòng nhập nội dung bình luận.