Đây là loài cá tiến vua cho thịt thơm ngon nức tiếng, dai chắc. Bởi vậy, để săn được loài cá này về đãi khách quý trong dịp tết, cánh đàn ông người Mông ở nơi đây phải ăn rừng, ngủ rừng nhiều ngày liền…
Gian nan săn cá tiến vua Pa khính
Tôi đến với bản Sam Kha (xã Sam Kha, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) đúng vào dịp đồng bào Mông nơi đây đang tất bật chuẩn bị đón Tết cổ truyền.
Tại đây, chúng tôi được người dân bản địa kể về một loài cá quý cho thịt thơm ngon, sinh sống ở những vùng nước sâu trên dòng sông Mã thuộc địa phận giáp ranh giữa bản Sam Kha với bản Pú Hồng (xã Pú Hồng, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên).
Thào A Tinh, bản Sam Kha – một trong những thanh niên trai tráng bơi lặn giỏi nhất bản rỉ tai tôi và bảo: Loại cá mà anh em chúng tôi nói đến, người Thái gọi là cá Pa khính.
Cá này sống chủ yếu ở vùng nước sâu, chảy xiết, ăn rêu đá nên để bắt được chúng mất rất nhiều công sức và thời gian.
Theo đó, muốn bắt được cá Pa khính, phải cần cánh đàn ông có sức khỏe dẻo dai, kỹ năng bơi lặn tốt, đặc biệt phải thông thạo các vùng nước sâu trên dòng sông Mã.
Vì nhiều vùng nước sâu ở đây có xoáy nước, nếu không hiểu biết thực địa rất dễ xảy ra đuối nước trong quá trình bắt cá.
"Để bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trên dòng sông Mã, trong đó có cá Pa khính, những năm qua người dân sinh sống dọc 2 bên bờ sông đã bảo ban nhau không săn bắt cá bằng kích điện, chất nổ. Nhờ vậy, số lượng cá Pa khính ở nơi đây đã phát triển trở lại".
A Mua
"Tôi và anh em trong bản phải lặn từ 50 giây đến cả phút xuống những vùng nước sâu từ 2 - 3m. Mặt khác, phải đeo kính lặn, tay cầm nỏ. Khi nào nhìn thấy Pa khính ở gần thì giương nỏ bắn ngay. Tuy nhiên, không phải lần nào bắn cũng trúng. Người nào giỏi, tay khoẻ thì phải mất 2 – 3 lần bắn, bởi môi trường sông nước rất khó hoạt động"- A Tinh nói.
Là dân viết lách nên sau khi nghe A Tinh và những người bạn kể càng thôi thúc tôi muốn trải nghiệm một lần săn tìm Pa khính cùng dân bản nơi đây. Bởi đối với một vùng đất biên giới xa xôi hẻo lánh như Sam Kha, không phải lúc nào cũng có cơ hội đặt chân đến đây.
Phải tỉ tê mãi, mới nhận được cái gật đầu dẫn tôi khám phá quá trình săn Pa khính của A Tinh và nhóm bạn. Vì trước đó một tuần, A Tinh cùng vài thanh niên ở Sam Kha đã có chuyến săn Pa khính để chuẩn bị cho Tết cổ truyền.
Hành trình gian nan đi săn loài cá tiến vua
Để lên được khu vực có Pa khính sinh sống, chúng tôi phải mất hơn 2 tiếng đồng hồ di chuyển trên những "con ngựa sắt" cà tàng của dân bản. Băng qua không biết bao nhiêu con dốc, cuối cùng chúng tôi cũng đến được địa phận bản Pú Hồng.
Hiện ra trước mắt chúng tôi là một vùng thung lũng đã được người dân Pú Hồng khai khẩn trồng lúa nước từ hàng trăm năm nay. Ở giữa là dòng sông Mã huyền thoại trong xanh lững thững trườn dài như con trăn khổng lồ.
Đến đây, chúng tôi ngồi nghỉ khoảng 10 phút và nhập vào một nhóm người là người dân bản Pú Hồng. Hỏi ra mới biết, đây là nhóm do anh Mùa A Dia (em rể của A Tinh) dẫn đầu.
Tối hôm trước khi chúng tôi chuẩn bị lên đường, A Tinh đã gọi cho em rể của mình rủ săn Pa khính. Bởi thời điểm này dịch Covid-19 khá căng thẳng, để vào địa phận bản Pú Hồng - khu vực sông có Pa khính sinh sống, phải có người dân bản địa dẫn đi.
Theo A Tinh, trước kia nghe ông bà kể rằng khu vực dòng sông Mã chảy qua địa phận bản Sam Kha cá Pa khính, Dầm Xanh, Ba Ba Gai nhiều vô kể. Muốn ăn Pa khính, chỉ cần quăng chài, dùng lưới câu hoặc giăng lưới là bắt được cả rổ cá.
Vào dịp đói giáp hạt, ông bà xuống sông Mã săn bắt Pa khính. Sau đó, cá tươi sẽ được mổ bụng, làm sạch ruột, ướp muối, gia vị và treo thành từng hàng trên giàn bếp để ăn dần.
Trò chuyện xong, đoàn chúng tôi tiếp tục men theo dòng sông Mã lên thượng nguồn. Mất khoảng 15 phút di chuyển, chúng tôi đến được khu vực sông được cho là có Pa khính đang sinh sống. Những "con ngựa sắt" được đoàn bỏ lại bên bờ sông. Mỗi người một tay một chân lấy đồ nghề và cuốc bộ ngược dòng lên khoảng 100m.
Tại đây, chúng tôi nhìn thấy một vũng nước trong xanh nối giữa đoạn chảy xiết, khá rộng. Thoạt nhìn qua, anh Vàng A Mua, người lớn tuổi nhất trong đoàn bảo: Theo kinh nghiệm săn Pa khính nhiều năm của tôi thì khu vực này có loại cá này sinh sống.
Dứt lời. A Mua phân công anh em trong đoàn mỗi người một việc. Người giăng lưới; người quăng chài; người đeo kính, tay cầm nỏ lặn sâu xuống đáy để săn Pa Khính. Tuy nhiên, ở khu vực này nước chảy xiết và rất sâu nên giải pháp quăng chài không hiệu quả. Vì vậy đoàn chúng tôi tập trung vào giải pháp giăng lưới và dùng nỏ.
Sau khi giăng lưới xong, một vài người dùng đá, cành cây vụt vào mặt nước để tạo tiếng động; những người còn lại đeo mắt kính lặn xuống nước hò nhau xua đuổi Pa khính chạy về hướng giăng lưới. Khoảng 20 phút sau, chúng tôi cũng săn được 2 con Pa khính đầu tiên.
"Báu vật" của dòng sông
Nhìn bề ngoài, cá Pa khính có môi trắng và dày; đầu nhỏ; mình thon dài; 2 bên lườn có 1 sọc vẩy đen chạy dài từ đầu đến đuôi và 2 sọc ánh xanh; vảy trắng. Con lớn to nhất bằng 3 ngón tay, con nhỏ bằng 2 ngón tay.
Đi bộ ngược dòng săn Pa khính tốn rất nhiều công sức. Vì vậy, mới hơn 10 giờ, những cái bụng của chúng tôi đã kêu ùng ục. Để đãi khách quý là nhà báo đã vượt hàng trăm km từ TP.Sơn La vào công tác ở bản Sam Kha, A Tinh và những người bạn nướng Pa Khính ngay tại bờ sông.
Cá Pa khính tươi thoa muối kẹp nướng trên than hồng chuyển sang màu vàng toả mùi hương thơm ngầy ngậy khắp cả một vùng. Dùng tay bốc từng miếng thịt màu trắng dai chắc ở 2 bên lườn Pa khính chấm với muối, mì chính ăn kèm với xôi nếp nương ngon vô cùng. Món này ăn một lần nhớ cả đời vì hương vị Pa khính nướng rất đặc biệt.
Sau một ngày lao động vất vả trên sông nước, thành quả chúng tôi thu được là 3kg cá Pa khính. Trong đó, 1,5kg được chia cho A Tinh và tôi cầm về đãi khách quý trong dịp Tết; 1,5 kg còn lại chia cho nhóm đến từ bản Pú Hồng.
A Mua chia sẻ: Ban ngày Pa khính chui vào hốc đá, chỗ nước chảy xiết nên rất khó bắt. Đêm đến, Pa khính ra chỗ nước nông ăn rêu đá nên chỉ cần một người soi đèn, một người quăng chài là bắt được. Muốn săn Pa khính với số lượng nhiều để ăn tết và bán ra ngoài thì chỉ còn cách ăn rừng, ngủ rừng.
Có thể nói cá Pa khính sông Mã là đặc sản quý giá được trời đất ban tặng cho người dân sống dọc 2 bên bờ sông Mã. Cá được đồng bào Mông, Thái nơi đây chế biến thành nhiều món ăn thơm ngon, bổ dưỡng để đãi khách; trong đó món Pa khính nướng (tiếng Thái là Pa khính pỉnh) là món ngon nhất, khiến du khách ăn một lần sẽ nhớ mãi không quên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.