Ăn Tết với “bạc bịp“ ở Campuchia

Thứ tư, ngày 09/02/2011 13:38 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sáng mùng 2 Tết, người bạn ở Mộc Hóa, Long An gọi cho tôi: "Ông về đây chơi đi, xem dân miền Tây đang sôi sục với không khí Tết toàn chủ đề về… Campuchia".
Bình luận 0

Tôi hơi thắc mắc, nhưng cũng vội xách xe vượt hơn trăm cây số từ TP.HCM về huyện lị vùng ven biên giới.

Quốc lộ 62 từ thành phố Tân An về cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, huyện Mộc Hóa khá thoáng, xe cộ chạy bon bon. Quãng đường này so với lộ trình lên cửa khẩu biên giới Tây Ninh của các con bạc TP.HCM "thuận lợi" không kém.

"Hai lúa" ngồi casino

Từ khoảng 9 giờ sáng, lượng người tập trung ở khu vực thị trấn Mộc Hóa, đến gần cửa khẩu đã khá đông. Trường Điền - tay "thổ địa" bạn tôi giải thích: Chỉ một số là dân địa phương làm thủ tục qua khu chợ trời để dạo xem đồ và mua sắm, còn lại là chờ để qua casino bên kia biên giới đánh bài.

 img
Các con bạc sát phạt nhau tại một sòng bạc ở Campuchia (ảnh chụp bằng điện thoại di động).

Thấy gần trưa tôi vội giục nhanh chóng làm thủ tục hải quan để qua sòng bài. Điền cười khẩy, rồi móc điện thoại alô, khoảng chừng năm phút sau có 2 gã chạy xe đến. Với lệ phí 2 trăm ngàn/1 người, 2 gã xe ôm kiêm dắt mối này sẽ lo cho chúng tôi từ A đến Z. Đến trạm kiểm soát phía Campuchia tay xe ôm đóng cho chúng tôi mỗi người 100.000 đồng và chạy thẳng vào casino PRAY VOR Mộc Hóa ngay đầu con đường.

Thực ra casino nằm ngay bên hông cửa khẩu và nó chỉ cách thị trấn Mộc Hóa chưa đầy 10 phút chạy xe máy. Theo quan sát của chúng tôi, với diện tích khoảng 1.000m2, casino này chứa khoảng 20 bàn, trong đó có 10 bàn đã kín người chơi.

Ngay trước cửa ra vào treo một tấm biển to tướng “No picture”, như để răn đe, đặc biệt luôn có khoảng 30 vệ sĩ cao lớn, da ngăm đen người Campuchia theo sát từng nhất cử nhất động, đặc biệt xung quanh phòng được bố trí đến khoảng 50 camera theo dõi. Có một điều lạ là sòng bài trên đất Campuchia nhưng tất cả các bàn đều chơi bằng tiền Việt, và tất cả người chơi cũng là người Việt, tuyệt nhiên không thấy bóng người Campuchia nào vào chơi.

Đưa con bạc vào tròng

Theo quan sát của chúng tôi, các dịch vụ đi kèm nhằm phục vụ con bạc cũng được chuẩn bị khá kỹ lưỡng, ngay bên hông trái trước cửa ra vào được bố trí một quầy cầm đồ, khi con bạc bị thua và cần tiền có thể ra ngay quầy này để cầm.

Đặc biệt nếu không có đồ để cầm thì con bạc cũng có thể cầm ngay chính bản thân mình, bằng cách viết một tờ giấy cam kết với các điều khoản đã được soạn sẵn, nếu vẫn thua hết tất nhiên con bạc sẽ bị giam lỏng ở đó cho đến khi nào có người nhà mang tiền sang chuộc.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoại trừ số con bạc là người ở huyện vùng giáp ranh Mộc Hóa, thì số lượng người dân khác đến từ các tỉnh miền Tây khác như Tiền Giang, Cần Thơ, TP. Tân An…cũng khá nhiều.

Thoạt nhìn, có vẻ như cách chơi ở đây là khá công bằng, nhưng nếu như vậy thì cả hơn năm nay hàng loạt con bạc là những nông dân vùng sông nước miền Tây đã không phải điêu đứng, và cửa khẩu Bình Hiệp cùng thị trấn vùng biên Mộc Hóa đã không được người ta nhắc đến nhiều như vậy.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong năm vừa rồi đã có mười mấy trường hợp phải cầm chính bản thân, như thằng An con nhà ông M cầm 100 triệu đồng bố mẹ phải bán cả ruộng đất mới chuộc được về, hay như bà N nhà ở thị trấn Mộc Hóa cầm gần 200 triệu đồng khiến chồng, con phải cắn răng bán toàn bộ cơ ngơi để có tiền chuộc.

Gia đình Điền khi biết ý định của chúng tôi qua casino đã một mực khuyên can, bởi họ đã được chứng kiến quá nhiều giai thoại về vấn đề này. Tuy nhiên những người biết sợ tệ nạn cờ bạc này xem ra vẫn còn quá ít, và hàng ngày dân miền Tây vẫn đổ về bên kia biên giới để tham gia vào trò đỏ đen cho dù nhiều người vẫn biết là "bạc bịp".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem