An Thái no ấm nhờ... rau

Nguyễn Trương Minh Thứ tư, ngày 13/08/2014 08:49 AM (GMT+7)
“5 năm trở lại đây, cái bản nhỏ nghèo, hẻo lánh này của chúng tôi đã “lột xác”. Cuộc sống của gia đình tôi và bà con không chỉ no đủ mà nhiều hộ đã có tích lũy. Cây rau đã đưa cái giàu về với bản...” - chị Vi Thị Lênh nói khi dẫn chúng tôi ra thăm ruộng rau của gia đình.
Bình luận 0

Cây rau bén đất, bén người

Bản An Thái, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu (Sơn La) nằm hẻo lánh nơi địa đầu của xã, nhưng gây ấn tượng cho chúng tôi là màu xanh của những ruộng rau. Đi từ đầu đến cuối bản, chúng tôi thích thú ngắm những ruộng hành mơn mởn, những vườn bắp cải, su hào thẳng tắp, vườn cải canh đang vươn mình đón gió cùng những luống xà lách cuộn trắng vườn...

Đứng giữa một ruộng rau xanh như thế, bà lão Phí A Ha bảo: “Giống rau tốt được cán bộ khuyến nông đưa đến tay bà con mới vài năm nay nhưng nó đã bén đất, bén người. Rau không chỉ giúp cả bản đủ ăn mà nhiều đứa thanh niên còn làm giàu nữa đấy!”.

Chúng tôi đến thăm gia đình cô cán bộ đoàn thanh niên Hà Thanh Nga, mới lấy chồng và ở riêng được khoảng 4 năm nay. Cộng cả diện tích đất bố mẹ cho và khai hoang thêm, cặp vợ chồng trẻ này cũng có tới hơn 1.000m2 vườn trồng rau. Mùa nào thức ấy, bằng sức trẻ họ đã lao động và làm giàu từ chính mảnh vườn của mình. Bên cạnh trồng rau, để tận dụng nguồn nguyên liệu dư thừa và có thêm phân chuồng bón ruộng, hai vợ chồng Nga còn nuôi thêm 30 con lợn thịt, kết hợp với nấu rượu bán cho các cửa hàng để có bã rượu cho lợn ăn nhanh lớn. 

Cách hạch toán kinh tế chặt chẽ như vậy đã tiết kiệm được cho họ nhiều khoản chi, có lãi khá và nguồn tích lũy tăng nhanh. Mấy năm nay, rau có giá nên mỗi năm gia đình họ thu nhập được không dưới 100 triệu đồng. Nga bảo: “Trước đây mấy năm, việc đi lại của bà con rất khó khăn. Mỗi mùa mưa, những chiếc xe thồ rau phải đánh vật cả tiếng đồng hồ với bùn đất lầy lội. Từ ngày con đường liên bản được đổ bê tông thì bộ mặt của bản đã thay đổi nhiều…”.

Trồng rau cho con đi học

Sơn nữ Vi Thị Sinh mới 20 tuổi nhưng đã là trụ cột kinh tế của một gia đình đông anh em. Mẹ mất sớm, cha lại già yếu, bệnh tật nên Sinh và đứa em trai lớn phải bươn chải với công việc ruộng vườn để nuôi 2 em nhỏ đi học. Lao động quần quật, “cả ngày bán mặt cho đất”, chị em cô đã tự tạo một vườn rau xanh trị giá hàng chục triệu đồng. Sinh bảo: “Em thường xuyên xem chương trình khuyến nông trên truyền hình và tham gia các lớp tập huấn do Đoàn xã tổ chức để học hỏi những kiến thức chăm sóc rau và chăn nuôi hiệu quả”.



Bà Phí A Ha
 Giống rau tốt được cán bộ khuyến nông đưa đến tay bà con mới vài năm nay nhưng nó đã bén đất, bén người. Rau không chỉ giúp cả bản đủ ăn mà nhiều đứa thanh niên còn làm giàu nữa đấy!  
Còn chị Vĩnh có biệt danh “địa chủ” bởi là chủ nhân của một vườn rau rộng hơn 4.000m2 và một khu chuồng chăn nuôi gần 60 con lợn cùng hàng trăm con gà. Để có được diện tích vườn rau lớn nhất bản như thế, vợ chồng chị đã tận dụng cả diện tích đất khai hoang ở trên các triền đồi. Khó khăn ban đầu là nước tưới nhưng rồi anh chị cũng khắc phục được bằng cách đào giếng và bơm nước ngược. Tuy neo người nhưng vợ chồng chị không thuê mà cần mẫn, động viên nhau lao động. Chị Vĩnh từng là sinh viên Trường Đại học Tây Bắc, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn mà phải bỏ học về kiếm sống và lấy chồng. Vợ chồng anh chị quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất bản làng để các con có đủ điều kiện được học hành tốt nhất.

An Thái là một bản nhỏ, có tới hơn 30 hộ gia đình trẻ nhưng kinh tế gia đình nào cũng khá bởi họ đã biết bám vào cây rau để sống. Sự chăm chỉ, cần cù cộng với một định hướng đúng trong việc chọn giống cây trồng phù hợp với đồng đất đã giúp cho bản khởi sắc.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem