An toàn thực phẩm dịp giáp Tết Nguyên đán: Chiến dịch kiểm tra bước vào cao điểm

Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 18/12/2018 18:00 PM (GMT+7)
Chỉ còn gần 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019, hiện các địa phương đang rốt ráo chuẩn bị các phương án kiểm tra, kiểm soát tình hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.
Bình luận 0

Đụng đâu cũng thấy... sai

Theo nhận định chung của các địa phương, dù đã tăng cường các biện pháp quản lý cũng như chế tài xử phạt nhưng nhìn chung công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) vẫn gặp nhiều khó khăn, gần như đụng đâu cũng thấy sai phạm.

img

Lực lượng chức năng sẽ tăng cường thanh, kiểm tra dịp cuối năm.  Ảnh: I.T

Trong và sau Tết Nguyên đán, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm soát các thực phẩm phổ biến trong dịp tết như, thịt, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát...

Đơn cử như mới đây, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh Phú Yên kiểm tra đột xuất và lấy 33 mẫu nông, thủy sản thực phẩm tại các huyện Đồng Xuân, Tuy An và TX.Sông Cầu để kiểm tra tại Trung tâm Chất lượng nông, lâm, thủy sản vùng 3. Qua kiểm tra, 2/4 mẫu nước đá có hàm lượng kim loại nặng vượt mức giới hạn cho phép, trong đó, 1 mẫu có hàm lượng chì là 0,18mg/l, asen là 0,063mg/l; 1 mẫu có hàm lượng chì là 0,048mg/l; 3/4 mẫu nước mắm có hàm lượng histamine vượt mức giới hạn cho phép.

Tại TP.HCM, từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng thành phố đã kiểm tra gần 40.000 cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, phát hiện 6.168 trường hợp vi phạm quy định về VSATTP, xử phạt 1.940 cơ sở với tổng số tiền hơn 13,2 tỷ đồng.

Trong 9 tháng đầu năm 2018, các cơ quan chức năng thành phố đã phát hiện, xử lý 30.280kg sản phẩm động vật không bảo đảm ATTP; 470kg nguyên liệu phụ gia không nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc; 2.104 thùng và 17.001 sản phẩm, thực phẩm chức năng; 214.320 viên thành phẩm và bán thành phẩm thực phẩm chức năng; 15.241kg và 64.391 hộp/chai sản phẩm thực phẩm không bảo đảm chất lượng, không nhãn mác, không rõ nguồn gốc...

Tại Thái Bình, từ đầu năm đến nay, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã thực hiện 2 cuộc thanh tra, 5 cuộc kiểm tra chuyên ngành tại 170 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản; xử lý vi phạm 8 trường hợp với tổng số tiền hơn 28 triệu đồng; đã lấy 222 mẫu (169 mẫu test nhanh và 53 mẫu gửi phòng kiểm nghiệm) kiểm tra các chỉ tiêu ATTP, trong đó có 12 mẫu không đảm bảo ATTP…

Tăng cường kiểm tra đột xuất

Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm soát các thực phẩm phổ biến trong dịp tết như, thịt, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát được tiêu thụ với số lượng lớn, do đó, đây là các mặt hàng chính cần được quản lý, kiểm soát trong thời gian tới.

img

Theo đó, lực lượng chức năng, các địa phương kiên quyết không để các sản phẩm không bảo đảm trà trộn trên thị trường; đồng thời, kiểm tra thường xuyên các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, yêu cầu chủ các cơ sở phải tuân thủ các quy định như nhãn mác rõ ràng, kiểm nghiệm sản phẩm, sử dụng phụ gia thực phẩm…

Từ 1.1 đến 25.3.2019, Ban chỉ đạo liên ngành T.Ư về ATTP tập trung thanh, kiểm tra các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp này như: thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước giải khát, các loại hạt có dầu…; kiểm tra các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn; kịp thời xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng...

Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP TP.HCM cũng đã ban hành kế hoạch triển khai công tác bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và mùa lễ hội xuân 2019. Theo đó, sẽ thành lập các đoàn kiểm tra chuyên ngành, liên ngành từ thành phố đến cấp xã, phường. Việc kiểm tra sẽ được thực hiện từ ngày 1.1 đến ngày 25.3.2019 trên địa bàn toàn thành phố với 12 đoàn kiểm tra chuyên ngành. Việc kiểm tra sẽ tập trung vào các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu trên địa bàn TP.HCM, tập trung vào các mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát…

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phan Đình Phùng cũng chỉ đạo các Sở Y tế, NNPTNT, Công Thương mở các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức quản lý nhà nước về ATTP cho cán bộ làm công tác VSATTP cơ sở; tăng cường phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. UBND cấp huyện tiếp tục phối hợp, kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; triển khai cho các hộ sản xuất nhỏ lẻ, kinh doanh ký cam kết trách nhiệm bảo đảm ATTP...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem