Vụ ẩu đả hôm 15/6 giữa binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc là cuộc đụng độ bạo lực tồi tệ nhất trong vòng 45 năm qua tại biên giới hai nước, đặt ra thách thức rất lớn cả về đối nội lẫn đối ngoại với Thủ tướng Narendra Modi và Chủ tịch Tập Cận Bình.
Họ đều là những lãnh đạo nhiều tham vọng, theo đường lối dân tộc chủ nghĩa, mong muốn nâng tầm vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Cả ông Tập và ông Modi đều đang phải đối mặt với những vấn đề lớn ở trong nước giữa Covid-19 và không muốn thể hiện sự lép vế trước đối thủ.
Trung Quốc và Ấn Độ gần đây đều tăng cường đáng kể lực lượng quân sự dọc đường biên giới chung dài gần 3.400 km, nhằm thể hiện hình ảnh hùng mạnh ở cả trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, hai lãnh đạo có lẽ đều không muốn vụ đụng độ này xảy ra, trong bối cảnh hai nước đang "đau đầu" vì Covid-19. Dịch bệnh vẫn lan rộng khắp Ấn Độ, còn Trung Quốc phải cố gắng kiềm chế đợt bùng phát mới tại Bắc Kinh. Nền kinh tế hai nước đều đang sa sút và dễ bị tổn thương.
Do đó, những thương vong tại biên giới chỉ khiến nỗi lo lắng của hai lãnh đạo thêm chồng chất, đồng thời làm phức tạp nỗ lực hòa giải ngoại giao.
"Suốt nhiều năm, hai nước đều tuyên bố không có ai thiệt mạng dọc biên giới, dù nhiều vụ xô xát xảy ra. Tuy nhiên, họ đã vượt khỏi lằn ranh đó, khiến vụ đụng độ trở thành sự cố nghiêm trọng", Tanvi Madan, giám đốc Dự án Ấn Độ tại Viện nghiên cứu Brookings ở Washington, cho hay.
Giới chức Ấn Độ đổ lỗi cho Trung Quốc khơi mào căng thẳng từ hồi tháng 5, bằng cách điều quân tới Thung lũng Galwan và nhiều địa điểm tranh chấp khác, gây ra một số vụ ẩu đả. Tuy nhiên, trong khi các chỉ huy hai bên cố gắng âm thầm giải quyết xung đột thông qua cuộc họp hôm 6/6, ông Modi lại yêu cầu quân đội tăng cường khả năng phòng vệ biên giới.
Cuộc đụng độ tối 15/6 bùng phát khi một đội tuần tra Ấn Độ chạm trán nhóm binh sĩ Trung Quốc tại một sườn núi hẹp ở khu vực Ladakh trên dãy Himalaya. Các nguồn tin tiết lộ một chỉ huy Ấn Độ bị đẩy ngã xuống vực, sau đó hàng trăm binh sĩ hai bên được gọi đến tham gia vụ ẩu đả bằng gạch đá và gậy. Lục quân Ấn Độ cho biết hai phía đều chịu thương vong, ba binh sĩ của họ thiệt mạng tại chỗ và 17 người khác chết sau đó vì thương tích quá nặng.
Thủ tướng Modi đã thể hiện thái độ cứng rắn sau sự cố. "Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ấn Độ là tối thượng. Không ai có thể ngăn chúng tôi bảo vệ điều đó. Ấn Độ muốn hòa bình, nhưng nếu bị khiêu khích, chúng tôi có thể đáp trả thích đáng", ông phát biểu trên truyền hình hôm 17/6, nói thêm rằng "sự hy sinh của những người lính sẽ không vô ích".
Truyền thông Ấn Độ đưa hình ảnh các đoàn xe quân sự đang tiến đến khu vực tranh chấp, người dân địa phương cũng mô tả cuộc hành quân lần này rầm rộ hơn bình thường. Tuy nhiên, các nhà phân tích quân sự đánh giá lực lượng này chưa được đặt vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu hoàn toàn. Các bình luận viên của NY Times cũng cho rằng ông Modi vẫn đang cố gắng tránh xung đột nghiêm trọng hơn với Trung Quốc.
Bất chấp những tuyên bố theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa và phản ứng mạnh mẽ trong xung đột với Pakistan năm ngoái, Thủ tướng Modi vẫn bị phe đối lập chỉ trích là yếu đuối. "Tại sao ông ấy phải che giấu thông tin. Quá đủ rồi. Chúng tôi cần biết chuyện gì đã xảy ra. Tại sao Trung Quốc dám giết lính và chiếm lãnh thổ của chúng ta?", Rahul Gandhi, một trong những lãnh đạo phe đối lập tại Ấn Độ, viết trên Twitter.
Truyền thông Ấn Độ ủng hộ Modi đã giúp ông bằng cách lan truyền thông tin chưa được xác thực, rằng các binh sĩ Ấn Độ đã chiến thắng trong cuộc chạm trán. Việc người dân tin tưởng vào thông tin này có thể làm giảm áp lực phải trả đũa từ phía Ấn Độ.
Về phía Trung Quốc, họ tỏ ra cần trọng trong những thông điệp liên quan tới vụ đụng độ. Truyền thông nhà nước chỉ đưa tin thưa thớt về sự cố, thông tin về thương vong bên phía Trung Quốc không được đề cập. Suốt 4 thập kỷ qua, quân đội nước này chỉ mất 3 binh sĩ trong khi thực hiện nhiệm vụ ở nước ngoài.
"Tôi không hiểu tại sao chúng ta chưa công bố thương vong phía mình. Chúng ta đang phải che giấu điều gì và tại sao?", một người viết trên mạng xã hội Weibo.
Trong cuộc họp báo hôm 17/6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên 4 lần bỏ qua câu hỏi về thông tin 43 binh sĩ nước này thương vong trong vụ ẩu đả ở biên giới do truyền thông Ấn Độ đưa ra, nói rằng ông không có gì để cung cấp. Ngoại trưởng Ấn Độ và Trung Quốc cũng nhất trí giảm căng thẳng sau cuộc điện đàm hôm 17/6.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng không tỏ ra quá nhún nhường. Ngoại trưởng Vương Nghị cáo buộc Ấn Độ kích động vụ ẩu đả, bất chấp thỏa thuận rút quân khỏi Thung lũng Galwan mà hai bên thống nhất trước đó.
"Phía Ấn Độ không được đánh giá sai tình hình hiện tại, cũng không được coi thường quyết tâm của Trung Quốc trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ", ông Vương nói trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Subrahmanyam Jaishankar, theo thông cáo do Bắc Kinh công bố.
"Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc kiềm chế sự khiêu khích hung hăng này. Tuy nhiên, Trung Quốc sẵn sàng đối đầu với nó và không sợ mất mát, thậm chí là nổ súng", cựu đại tá quân đội Trung Quốc Nhạc Cương cho hay.
Giới chuyên gia đánh giá vụ đụng độ ở biên giới phơi bày sự tụt hậu của Ấn Độ so với quốc gia láng giềng, cả về quân sự và kinh tế. "Ấn Độ không có lựa chọn nào, hoặc bị hạn chế. Thỏa hiệp có thể để lại nguy cơ, nhưng đó là lựa chọn khả dĩ hơn trong bối cảnh hiện nay", Rahul Bedi, nhà phân tích quân sự tại Delhi, nhận xét.
Tuy nhiên, nhiều người tại Ấn Độ lại cho rằng quyết định không hành động gây nguy hiểm nhiều hơn, khi lính Trung Quốc được cho là ngày càng lấn sâu vào khu vực tranh chấp dọc biên giới với Ấn Độ.
Samir Saran, chủ tịch Quỹ Nghiên cứu Nhà quan sát tại Delhi, tổ chức được cho là thân cận với chính phủ của ông Modi, nhận định nếu Ấn Độ không kiên quyết với Trung Quốc, Bắc Kinh có thể tiếp tục lấn tới nhiều hơn.
"Bạn không nên đầu hàng trước một đối thủ hùng mạnh. Trung Quốc phải trả giá vì hành vi của họ. Ấn Độ có lẽ phải chuẩn bị cho nhiều vụ chạm trán hay xung đột. Đó có thể sẽ là điều bình thường mới trong khu vực của chúng tôi", Saran nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.