Ấn tượng "gặp Bác ngày Độc lập" qua ký ức trung tướng Phạm Hồng Cư - đội viên đội tự vệ thành Hoàng Diệu
Ấn tượng "gặp Bác ngày Độc lập" qua ký ức trung tướng Phạm Hồng Cư - đội viên đội tự vệ thành Hoàng Diệu
Hồng Việt
Thứ tư, ngày 01/09/2021 13:15 PM (GMT+7)
Đúng 3 giờ chiều ngày 2/9/1945, chiếc limousine màu đen với 4 chiếc xe đạp của công an hộ tống hai bên đường, từ đường Puginier (đường Điện Biên Phủ ngày nay) tiến vào quảng trường, qua hàng rào danh dự nơi có người lính Phạm Hồng Cư đang đứng.
"Đúng ngày 30/4/1975, tôi có mặt ở dinh Độc Lập. Lúc ấy tôi ôm lấy các anh Nguyễn Hữu An và Lê Linh, Tư lệnh và Chính ủy Quân đoàn 2. Ba người chúng tôi nắm tay nhau: "Chúng ta đã hoàn thành lời thề độc lập" - đó là lời kể của Trung tướng Phạm Hồng Cư - nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, đội viên đội tự vệ Thành Hoàng Diệu năm 1945.
Gặp Bác ngày Độc lập
Ngày 15/8/1945, theo quyết định của Thành ủy Hà Nội, đơn vị tự vệ cứu quốc mang tên Thành Hoàng Diệu ra đời, đóng tại 107 đường Gambetta (nay là đường Trần Hưng Đạo). Đơn vị được tổ chức theo kiểu đội quân tập trung, chia làm 6 trung đội, mỗi trung đội 30 người được chia làm 3 tiểu đội, trong đó có một trung đội nữ.
Nhiệm vụ của đội tự vệ thành Hoàng Diệu là bảo vệ các cơ quan công khai của xứ ủy, huấn luyện quân sự cho tự vệ thành, tuyên truyền chủ trương chính sách của Việt Minh.
Tháng 2 năm nay, Trung tướng Phạm Hồng Cư tạm biệt trần thế ở độ tuổi 95. Thế hệ lời thề như ông Cư, cũng đều dần dần từ biệt trần thế. Nhưng lời thề bảo vệ một dân tộc độc lập thì vẫn còn nguyên vẹn tinh thần đó. Đó là một tinh thần tiếp nối.
Tháng 9/1945, Trung tướng Phạm Hồng Cư khi đó là đội viên Đội tự vệ Thành Hoàng Diệu, thuộc đội bảo vệ vòng ngoài buổi lễ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình.
Đúng 3 giờ chiều ngày 2/9, chiếc limousine màu đen với 4 chiếc xe đạp của công an hộ tống hai bên đường, từ đường Puginier (đường Điện Biên Phủ ngày nay) tiến vào quảng trường, qua hàng rào danh dự nơi có người lính Phạm Hồng Cư đang đứng. Đi giữa đoàn đại biểu đều comple cà vạt là một ông cụ người mảnh khảnh, chỉ mặc đồ kaki, đi dép cao su trắng.
Lúc đó, người đồng đội bên cạnh, ông Lê Trung Toàn - Đi trưởng đội tự vệ (sau này là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước) thì thầm: "Này cậu, ông Cụ chính là Nguyễn Ái Quốc", ông Cư mới giật mình, lòng trào lên sự sung sướng khó tả.
"Tôi đã từng nghe về Nguyễn Ái Quốc, đã từng thấy trên báo chí Người đội mũ melon, đã biết đến Bản án yêu sách của người An Nam nhưng chưa từng nghe đến tên Hồ Chí Minh" - ông Cư từng kể.
Đó là lần đầu tiên ông tận mắt nhìn thấy vị lãnh tụ dân tộc, Người đang đứng trên lễ đài đọc từ tốn nhưng nghiêm khắc và quyết liệt: "Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập…". Bản tuyên ngôn thu hút ông Cư mạnh mẽ.
Sau này trong quá trình công tác, Tướng Phạm Hồng Cư còn được nhiều lần gặp Bác Hồ nhưng ông vẫn bảo ký ức về ngày đầu gặp "ông Cụ" lúc nào cũng như mới. Ông nhận ra cảm xúc lần đầu gặp Hồ Chí Minh ở mỗi người, mỗi giới đều là khác nhau.
Ông từng giải thích: "Đối với tri thức ông Cụ là người uyên thâm nhiều tư tưởng, với người trong thành, trong hoàng tộc ông Cụ là người giản dị phá cách. Riêng với chúng tôi, vì đã nghe biết Nguyễn Ái Quốc từ trước nên Hồ Chí Minh còn là niềm tin cho mỗi người để bước vào cuộc cách mạng mà ai cũng biết sẽ còn nhiều cam go thử thách đang chờ phía trước".
Ba lời thề độc lập
Nhắc tới Tướng Cư, không thể không nhắc tới câu nói về thế hệ lời thề của ông. Bởi đó luôn là hồi ức sống động nhất của vị tướng. Sau này, dù chiến tranh đã qua, mỗi khi nhắc lại, ông đều nói về lời thề ngày độc lập.
Ngày đó, giữa Quảng trường Ba Đình, ngày 2/9/1945, các thành viên đội tự vệ Thành Hoàng Diệu đã dõng dạc hô to: Trung thành với Hồ Chí Minh; Kiên quyết bảo vệ nền độc lập và Đánh đuổi thực dân Pháp. Đó là lời thề theo ông suốt cuộc đời binh nghiệp, đi qua 2 cuộc chuyến, hơn 10.000 ngày.
Trong một lần nhớ lại, ông kể: "Khí thế thì hừng hực như thế nhưng nước mắt tôi cứ trào ra. Tôi cứ tưởng chỉ mình xúc động nào ngờ nhìn xung quanh anh nào cũng vừa giơ tay vừa khóc. Sau này với những người đồng đội đó, ở những cương vị chỉ huy khác nhau của quân đội, khi ngồi với nhau nhắc lại ngày hôm đó, đều nói rằng khi ấy chúng tôi đều chung một ý nghĩ: Kể từ hôm nay đã được làm công dân một nước độc lập".
Ông bảo chỉ có thế hệ ông mới có được cái xúc cảm tự nhiên như thế khi nhắc lại lời thề năm ấy. Đó là xúc cảm của những người từng trải qua nạn đói, trải qua lầm than của người dân mất nước: "Thế hệ sau này hiểu độc lập theo cách của họ. Nhưng hàng ngày họ được hưởng cuộc sống của công dân một nước độc lập một cách tự nhiên như hít thở không khí nên không chắc họ có hiểu chúng tôi ngày đó".
Lời thề ngày ấy đã đi theo những người lính tự vệ thành Hoàng Diệu suốt những năm tháng dai dẳng của cuộc chiến tranh sau này. Mặc dầu chỉ tồn tại có 15 tháng, đến 19/12/1946, đơn vị này nhập vào Trung đoàn Thủ Đô nhưng tự vệ chiến đấu thành Hoàng Diệu mang một sứ mệnh hết sức lớn lao. Ngay sau ngày 2/9, họ bước vào những cuộc thử lửa bảo vệ nền độc lập non trẻ không chỉ với niềm tin được xây dựng từ bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9 mà còn với tư thế không thể bị khuất phục của những người ý thức rõ mình thuộc về một đất nước độc lập.
Sau ngày độc lập, thời điểm vận mạng đất nước ngàn cân treo sợi tóc, đội tự vệ Thành Hoàng Diệu đã bước vào đấu tranh kiên trì và đầy hiệu quả nhằm đối phó thù trong giặc ngoài. Với Trung tướng Phạm Hồng Cư, những cuộc đấu tranh mở đầu đó dù không phải là những trận đánh "long trời lở đất" nhưng lại là những ký ức không quên, là sự mở đầu cho quyết tâm bảo vệ lời thề của những đội viên Thành Hoàng Diệu.
Đó là trận đầu diễn ra ở chợ Đồng Xuân năm 1946. Kẻ thù tổ chức một cuộc biểu tình lớn, bọn phản động tổ chức phát báo phản động nói xấu cách mạng. Đội tự vệ chiến đấu vào cuộc. Các đội viên tự vệ mặc thường phục chủ yếu tay không, có người như anh Tiến (công nhân hỏa xa) mang theo búa, lao vào giải tán đám biểu tình phản động. Cuộc biểu tình tan rã.
Cuộc đấu tranh thứ hai diễn ra ở bờ hồ Hoàn Kiếm. Bọn phản động đi tàu điện chĩa loa sang hai bên đả đảo tổng tuyển cử, đả đảo Chính phủ Hồ Chí Minh. Biết chắc nhân dân ủng hộ mình nên dù lực lượng ít hơn các chiến sĩ tự vệ vẫn xông lên.
Đồng chí Lê Thành Quế - Chính trị viên đội, người Nam Bộ, bị bọn phản động bắn trúng tim gục ngã tại chỗ. Đầu phố Hàng Đào có cửa hàng bán xe đạp, người chủ đã cung cấp những thanh tuýp sắt cho tự vệ ta làm vũ khí. Nhờ sự hỗ trợ của quần chúng nhân dân, cùng sự đấu tranh khôn khéo nhưng quyết liệt, đội tự vệ thành Hoàng Diệu đã khiến kẻ địch không đạt được mục đích phải rút lui.
Với Tướng Phạm Hồng Cư, hai trận đầu này đã để lại cho ông bài học sâu sắc mà sau này ông đã đem theo khi tham gia những chiến dịch lớn với các binh chủng có trang bị vũ khí hùng mạnh, đó là quyết đánh nhưng phải có cách đánh phù hợp.
Ông Cư thuộc nằm lòng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Toàn dân đánh giặc, toàn dân vũ trang, toàn dân đoàn kết là nét độc đáo trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nó khác hoàn toàn với lý thuyết đấu tranh giai cấp".
Còn ở cương vị một vị tướng, ông Cư vẫn nhắc tới chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được đề cập trong cuốn "Tổng hành dinh trong mùa xuân đại thắng", ở đoạn cuối, Đại tướng đã chỉ rõ sở dĩ đánh được ngoại xâm vì có nền văn hóa ngàn năm mà cốt lõi là lòng yêu nước cộng với nghệ thật quân sự độc đáo.
Trung tướng Phạm Hồng Cư (1926 – tháng 1/2021), quê quán: Xã Đông Cương, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ông nguyên là Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Do có nhiều công lao cống hiến đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và quân đội, đồng chí được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương và nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương Quân công hạng Nhì, Ba; Huân chương Chiến thắng hạng Nhì; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy chương Quân kỳ Quyết thắng; Kỷ niệm chương "Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày"; Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.