Ăn xin, luật lệ và trái tim

Nguyễn Quang Thân Thứ bảy, ngày 27/12/2014 09:24 AM (GMT+7)
Ở mọi quốc gia, mọi thời, luôn có người ăn xin. Đó không phải một nghề nhưng cũng không là một tệ nạn như tham nhũng, trộm cướp, ma túy hay mại dâm.
Bình luận 0

Trong những kẻ ăn xin có tội phạm, những bọn mặt người dạ thú sống trên khổ hạnh và thân xác của trẻ em và người nghèo. Hay ở nước ta, có nơi coi đó là một nghề. Cả làng đi ăn xin về xây nhà cửa to đẹp, có đền miếu thờ thần ăn mày. Với những kẻ lợi dụng một cách phi pháp lòng nhân ái này, cần có sự theo dõi, phân loại và trừng phạt của pháp luật. Để cứu nạn nhân. Để lòng nhân không bị xuyên tạc.

Những người ăn xin ngày càng ít đi, nếu còn thì lại thường xuất hiện ở thủ đô hay các thành phố lớn có mức sống cao. Vì ở đó đông người, dễ xin, khó bị kiểm soát. Nhưng lại làm mất mỹ quan và an ninh trật tự. Xã hội xưa nay còn có những loại “ăn mày” khác. Đó là những người, những nhà từ tâm, muốn làm từ thiện, góp phần giúp đỡ công cuộc chống nghèo. Người ăn xin vĩ đại nhất mà ta biết là Mẹ Thérésa, từng được tặng Giải Nobel Hòa bình. Ở các nước có rất nhiều người giàu có, quen sang trọng xếp hàng trên phố xin tiền hay thức ăn thừa hộ người nghèo. Đối với chúng ta, đó là việc “ăn xin” cần được khuyến khích.

Thủ đô, thành phố lớn, thành phố du lịch không nên có nạn ăn xin là đương nhiên. Nhưng chính ở đó càng cần hơn lòng nhân ái vì cái hố giàu nghèo sâu rộng hơn các nơi khác.Vấn đề thật rõ ràng nhưng xử lý nó làm sao cho văn minh, nhân bản là vô cùng khó.

Cách giải quyết của TP.HCM kêu gọi mọi người không cho tiền người ăn xin- nạn ăn xin đã biến tướng đến mức báo động cần sự can thiệp của chính quyền. Đúng là cần có nhiều biện pháp phối hợp để giải quyết. Trong đó có lời kêu gọi không cho tiền người ăn xin.

Nhưng nếu chỉ “kêu gọi” như thế thì sẽ gây phản cảm và có thể làm tổn hại đến thói quen của người có tấm lòng tốt thường mẫn cảm trước đau khổ, nghèo đói của người khác. Thậm chí ảnh hưởng tới lời khuyên của mọi thời, mọi tôn giáo: “Hãy cho nhiều hơn là lấy”. Mà “lấy nhiều hơn cho hay không biết cho” là nguyên nhân tạo ra hố giàu nghèo xã hội nào cũng muốn khỏa lấp.

Có lẽ cách tốt nhất không phải kêu gọi “đừng cho” mà dùng sức mạnh của chính quyền tiến hành phân loại người nào là tội phạm ăn xin, hay ăn xin về làm giàu, người nào là kẻ cùng đường sống rồi xử lý, thu xếp theo khả năng và pháp luật. Tội phạm bóc lột trẻ con ăn xin là công khai, không phải quá nhiều, rất dễ điều tra, xử lý. Với người ăn xin thực thụ vì cùng đường sinh sống thì tùy khả năng thu xếp của xã hội, làm được đến đâu thì làm đến đó.

Suy cho cùng, nạn ăn xin luôn là sản phẩm của đói nghèo. Quay lưng lại với nó là không hay và không nên và chạm tới trái tim nhân ái của nhiều người.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem