Ảnh hưởng bão số 5: Gãy cầu Achiing-Zrượt, hàng trăm hộ dân bị cô lập, thiệt hại hơn 173 tỷ đồng

Trương Hồng - Trần Hậu Thứ hai, ngày 21/09/2020 12:02 PM (GMT+7)
Ngày 21/9, UBND huyện Tây Giang (Quảng Nam) đã có báo cáo về tình hình thiệt hại do ảnh hưởng cơn bão số 5 gây ra, tổng thiệt hại ban đầu lên đến 173,4 tỷ đồng.
Bình luận 0

Đặc biệt, gãy cây cầu Achiing - Zrượt nối từ trung tâm huyện Tây Giang về xã A Nông, cây cầu có chiều dài khoảng 30m, rộng hơn 4 mét, được xây dựng năm 2007, với kinh phí khoảng 7 tỉ đồng. Tuy nhiên, cơn lũ bất ngờ đổ về vào sáng 18/9 đã đánh gãy hai mố cầu, khiến cầu bị gãy đôi. Cầu gãy làm cho 279 hộ dân ở xã A Nông với gần 700 nhân khẩu bị cô lập hoàn toàn.

"Ngay sau cây cầu bị gãy khiến nhiều hộ dân bị cô lập, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo nhanh để khắc phục tạm cho người dân lưu thông qua lại. Đặc biệt, huyện đã cử lực lượng vận chuyển lương thực, nước uống vào cung cấp cho người dân, không để người dân nào trong vùng bị ảnh hưởng thiếu lương thực, nước nước", ông Lê Hoàng Linh - Phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang nói.

Huyện Tây Giang ảnh hưởng bão số 5 : Không để người dân vùng cô lập thiếu lương thực, nước uống - Ảnh 1.

Lũ trên thượng nguồn đổ về các vùng đồng bằng gây ngập lụt cục bộ ở huyện Tây Giang

Lãnh đạo huyện Tây Giang cho biết thêm, do ảnh hưởng cơn bão số 5 địa bàn thiệt hại nặng nhất là giao thông, thiệt hại đến 126 tỷ đồng, trong đó đường giao thông 98 tỷ đồng, cầu bê tông và cầu treo 28 tỷ đồng.

Huyện Tây Giang ảnh hưởng bão số 5 : Không để người dân vùng cô lập thiếu lương thực, nước uống - Ảnh 2.

đồi núi sạt lở khiến vùi lấp nhiều tuyến đường, xe cộ của người dân - Ảnh CTV

"Rất may, huyện đã triển khai tổ chức sơ tán 210 hộ/821 nhân khẩu tại các mặt bằng đã sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao đến nơi ở an toàn. Có đến hơn 60 hộ dân của thôn Tavang, Ahu, Achiing (xã Atiêng), Anông (xã Gari) bị bồi lấp được đưa đến nơi an toàn kịp thời.

Bên cạnh đó, các địa phương trên địa bàn huyện cũng đã ghi nhận trên 250 nhà bị ngập nước vào nhà do mưa lớn gây ra và đã kịp thời sơ tán, di dời tài sản đến nơi cao ráo.

Nhiều tuyến giao thông đi vùng cao và các tuyến giao thông nông thôn tại địa bàn các xã đều bị sạt lở đất đá trên taluy âm, ta luy dương, nhiều đoạn đường bị đứt gãy, gây cô lập hoàn toàn, nhất là tuyến đường lên 4 xã vùng cao.

Hiện nay, các lực lượng chức năng địa phương đã khắc phục thông tuyến từ đường Hồ Chí Minh đến trung tâm huyện và đang tập trung nhân lực, phương tiện để thông tuyến tại các tuyến đường còn lại. Riêng đối với một số cầu bê tông, cầu treo bị đứt gãy, huyện sẽ có biện pháp xử lý kịp thời để cho nhân dân đi lại và vận chuyển hàng hóa…" - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Bhling Mia cho biết. 

Huyện Tây Giang ảnh hưởng bão số 5 : Không để người dân vùng cô lập thiếu lương thực, nước uống - Ảnh 3.

Cây cầu Achiing - Zrượt nối từ trung tâm huyện Tây Giang về xã A Nông bị lũ cuốn gãy khiến hàng trăm hộ dân bị cô lập

Không những thiệt hại nặng về giao thông, mà cơn bão số 5 còn làm cho huyện Tây Giang thiệt hại đến 70 công trình thủy lợi, hầu hết các công trình đều sạt lở, bồi lấp đập dâng, cuốn trôi tuyến kênh, tuyến ống, ước thiệt hại 15 tỷ đồng. Ngoài ra còn có hơn 91 công trình nước sinh hoạt của 115 điểm dân cư của người dân bị sạt lở bồi lấp đập dâng, cuốn trôi tuyến ống, sạt lở bể chứa gây thiệt hại 12 tỷ đồng.

Toàn địa bàn bị mất điện từ lúc 5 giờ ngày 18/9, đến nay đã khắc phục và đóng điện phục vụ sinh hoạt cho các xã vùng thấp của huyện. Hiện nay, ngành điện đang triển khai khắc phục đóng điện tại các xã vùng cao, dự kiến đến ngày 22/9 sẽ đóng điện toàn bộ trên địa bàn huyện, nhằm phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân.

Huyện Tây Giang ảnh hưởng bão số 5 : Không để người dân vùng cô lập thiếu lương thực, nước uống - Ảnh 4.

Huyện Tây Giang ảnh hưởng bão số 5 : Không để người dân vùng cô lập thiếu lương thực, nước uống - Ảnh 5.

Nương rẫy, hoa màu của người dân huyện Tây Giang bị lùi lấp trong bùn đất gây thiệt hại nặng nề

"Trước mắt, huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng tập trung cử lực lượng hỗ trợ cho nhân dân, các trường học xử lý bùn đất vùi lấp, khôi phục nhà cửa, sớm ổn định dời sống, sản xuất cho nhân dân và học sinh sớm được đến trường. Rà soát phương án sắp xếp dân cư các mặt bằng có nguy cơ sạt lở cao và các vùng trũng thấp đến nơi ở an toàn.

Đối với các công trình dân sinh, UBND các xã đã huy động lực lượng đoàn thanh niên, dân quân tự vệ cùng với nhân dân sửa chữa các ngôi nhà, phòng học bị ngập và sạt lở. Trước mắt huy động lực lượng xung kích cùng nhân dân thông tuyến tạm thời đường liên thôn, thôn và cắm biển cảnh báo tại các điểm có nguy cơ cao.

Đặc biệt, tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương nắm tình hình đời sống nhân dân sau mưa bão để kịp thời hỗ trợ, sớm ổn định đời sống và sản xuất cho nhân dân, quyết tâm không để xảy ra tình trạng thiếu đói và dịch bệnh sau thiên tai. 

"Trước mắt, huyện kiến nghị UBND tỉnh, các Sở, ngành liên quan của tỉnh Quảng Nam quan tâm hỗ trợ khoảng 65 tỷ đồng để kịp thời khắc phục hậu quả thiệt hại do bão số 5 gây ra…", ông Bhling Mia - Chủ tịch UBND huyện thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem