Chiến sự Nga - Ukraine: "Vua tiêu" kể chuyện gọi điện từ 6h sáng đến nửa đêm đòi tiền

Thiên Hương Thứ năm, ngày 03/03/2022 19:00 PM (GMT+7)
"Rất nhiều đơn hàng xuất khẩu nông sản sang Nga của các doanh nghiệp Việt Nam chưa được thanh toán. Mọi giao dịch đều bị chặn đứng. Vừa trải qua thương đau vì dịch Covid-19, giờ gặp cú sốc này đúng là thiệt hại nặng nề...", ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Phúc Sinh cho biết.
Bình luận 0

Ảnh hưởng chiến sự Nga - Ukraine: Đơn hàng xuất khẩu nông sản sang Nga bị chặn đứng

Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu nhiều cà phê, hạt tiêu sang thị trường Nga, ông có thể cho biết doanh nghiệp bị ảnh hưởng như thế nào khi chiến sự Nga - Ukraine xảy ra?

-Từ sáng tới giờ, tôi liên tục gọi điện cho các khách hàng của Phúc Sinh tại Nga và châu Âu. Hôm qua thì gọi điện từ 6h sáng đến 12 giờ đêm để hỏi thăm tình hình khách hàng, đòi tiền, giải quyết các đơn hàng... Vì giờ đó khách hàng châu Âu mới làm việc. 

Hiện, toàn bộ các đơn hàng xuất khẩu cà phê, hồ tiêu, hạt điều trị giá hàng triệu USD của Tập đoàn Phúc Sinh bị dừng lại. Chiến sự Nga - Ukraine xảy ra khiến gần như cả thế giới bị ảnh hưởng.

Ảnh hưởng chiến sự Nga - Ukraine: "Vua tiêu" kể chuyện gọi điện từ 6h sáng đến nửa đêm đòi tiền - Ảnh 1.

Việt Nam là nước cung cấp cà phê lớn nhất vào Liên bang Nga trong thời gian qua. (Ảnh minh họa)

Chúng ta vừa trải qua cú sốc dịch Covid-19, còn đang tổn thương đầy mình thì giờ đây lại gặp cú sốc về chiến tranh. Nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn. 

Chúng tôi gọi điện cho khách hàng ở Tây Âu và nhận thấy họ cũng bị ảnh hưởng rất nặng nề. Toàn bộ các đơn hàng đều bị mất tới 50% giá trị vì đồng rúp bị mất giá, việc thanh toán bị đình trệ (do Nga bị loại ra khỏi hệ thống SWIFT - Hiệp hội Viễn thông Liên Ngân hàng và Tài chính Quốc tế - PV).

Hàng năm, Tập đoàn Phúc Sinh xuất khẩu những mặt hàng gì sang Nga, thưa ông? 

- Trung bình 1 năm, chúng tôi xuất khẩu khoảng 30 triệu USD sang Nga, gồm hạt tiêu, cà phê, điều, dừa, đều là những sản phẩm nông sản thế mạnh của Việt Nam. Trong đó chúng tôi xuất khẩu trực tiếp khoảng 10%, còn lại 90% xuất khẩu qua các văn phòng, công ty lớn của Hà Lan, Thuỵ Sỹ, Đan Mạch, Đức... Nhưng bây giờ tất cả bị chặn đứng.

Từ đầu năm đến nay, sản lượng hàng nông sản xuất khẩu của Phúc Sinh vào Nga tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Chúng tôi đã bán rất nhiều hàng cho khách, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Bạn biết đấy, mỗi năm Nga nhập khẩu tới 173 triệu USD cà phê từ Việt Nam, hạt tiêu cũng hàng chục triệu USD... Nga là một trong những thị trường lớn và quan trọng của Việt Nam. 

Nhưng bây giờ các ngân hàng chặn hết chứng từ sang Nga. Các hãng vận tải, chuyển phát nhanh cũng không nhận hàng. Hễ có chữ Russia là họ loại ra. 

Các doanh nghiệp lâm vào cảnh lo lắng, chới với. Bởi không ai được hướng dẫn để xử lí, không ai được chuẩn bị cho tình huống này. Đặc biệt, các doanh nghiệp thuỷ sản đang như ngồi trên lửa vì thuỷ sản là hàng đông lạnh, khó bảo quản. Không như hàng của chúng tôi, hạt tiêu, cà phê có thể bảo quản khô vài năm không vấn đề gì. 

Trong hoàn cảnh này, các đơn hàng xuất khẩu sang Nga được Phúc Sinh xử lí như thế nào?

- Hiện 50% đơn hàng của Phúc Sinh đã được thanh toán. Chúng tôi có kinh nghiệm khi xuất khẩu nông sản, đó là lựa chọn những khách hàng mạnh về tài chính, tính độc lập cao. Khách hàng châu Âu phần lớn rất tuân thủ cam kết, 50% còn lại cam kết hàng đến cảng sẽ dỡ hàng luôn. Vì vậy đến thời điểm này, đại đa số đơn hàng có thể kiểm soát.

Nhưng qua trao đổi với các khách hàng, chúng tôi cảm thấy như có bức tường chặn giữa họ với Nga, chính quyền phương Tây đang thực hiện các biện pháp trừng phạt rất quyết liệt.

Nhưng khách hàng không có lỗi gì, do đó chúng tôi không thể ngay lập tức huỷ bỏ mà dừng lại toàn bộ, cùng nhau tìm cách giải quyết.

Từ kinh nghiệm của chúng tôi, lúc này cần dừng ngay lập tức các đơn hàng, tìm cách lôi hết hàng về.  Liên hệ làm việc ngay với các hãng tàu để dừng vận chuyển hàng, dỡ hàng ngay ở cảng chuyển tải. Đừng nấn ná gì cả. Nếu hàng đã đến Singapore thì tìm cách kéo hàng về Việt Nam, sau đó tìm cách bán đi thị trường khác.

Thị trường thế giới bây giờ cũng khá dễ dàng, cho nên các doanh nghiệp cũng không nên quá lo lắng. 

Xin cảm ơn ông!

Năm 2020, xuất khẩu nông, lâm thuỷ sản từ Việt Nam sang Nga đạt 432 triệu USD. Năm 2021, con số này tăng lên khoảng 550 triệu USD (chiếm khoảng 1/10 tổng giá trị xuất khẩu Việt Nam sang Nga).

Trong đó, xuất khẩu thủy sản khoảng 164 triệu USD, cà phê 173 triệu USD, rau quả 16,6 triệu USD, hạt điều 60 triệu USD, cao su 32 triệu USD; chè, hạt tiêu mỗi loại hơn 19 triệu USD; gỗ và các sản phẩm từ gỗ 7,7 triệu USD, gạo 1,5 triệu USD…

Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, chiến sự Nga - Ukraine sẽ khiến thương mại nông nghiệp Việt Nam với Nga và Ukraine bị giảm đáng kể. Giao dịch xuất khẩu sang Nga đều phải tạm dừng do rủi ro về giao dịch ngân hàng, thiếu tàu vận chuyển và chi phí cao. Các doanh nghiệp hiện nay đều phải theo dõi tình hình để xử lý hàng tồn hoặc tìm cách xuất khẩu sang các thị trường khác.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem