Anh nông dân Ninh Bình bày cách chống rét hiệu quả cho con ốc nhồi
Anh nông dân Ninh Bình bày cách chống rét hiệu quả cho con ốc nhồi
Vũ Thượng
Thứ ba, ngày 23/01/2024 05:34 AM (GMT+7)
Với tuyệt chiêu chống rét đơn giản cho con ốc nhồi đặc sản sống qua mùa đông, anh Đỗ Ba Duy (sinh năm 1988, phường Yên Bình, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) năm nào cũng có ốc nhồi giống để bán, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Nhiều hộ nông dân đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhờ mô hình nuôi con ốc nhồi. Kỹ thuật nuôi ốc nhồi được đánh giá là đơn giản, không tốn nhiều thời gian, cách chăm sóc ốc nhồi cũng không quá phức tạp...
Tuy nhiên, ở miền Bắc có một mùa đông lạnh giá, các hộ nuôi con ốc nhồi rất lo lắng ốc sẽ chết rét. Vì khả năng chịu rét của con ốc nhồi tương đối kém.
Clip: Anh Đỗ Ba Duy (phường Yên Bình, thành phố Tam Điệp) chia sẻ cách chống rét cho con ốc nhồi
Để giúp người dân có thêm kiến thức nuôi con ốc nhồi vào mùa đông thành công, phóng viên Báo điện tử Dân Việt đã trực tiếp gặp anh Đỗ Ba Duy (phường Yên Bình, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) và được anh Duy bật mí một số tuyệt chiêu.
Anh Duy chia sẻ: "Nhiệt độ thấp, thời tiết lạnh giá kéo dài của mùa đông có thể gây thiệt hại lớn đối với các hộ nuôi ốc nhồi giống. Đặc biệt, nhiệt độ ngoài trời như hôm nay (22/1), chỉ có hơn 10 độ C càng khó khăn hơn nhiều".
"Có 2 cách để giúp con ốc nhồi sống qua mùa đông. Thứ nhất, khoảng tháng 11 (âm lịch) bà con nông dân cần đưa hết ốc nhồi lên bạt (nuôi trên cạn), có thể lắp hệ thống bóng đèn để giữ ấm cho con ốc nhồi. Nếu nhiệt độ xuống dưới 15 độ C là tiến hành bật điện, tỉ lệ ốc nhồi sống qua mùa đông đạt 80-85%. Ngoài ra, mực nước trong bạt để khoảng 40 cm là phù hợp", anh Duy nói.
Anh Đỗ Ba Duy bật mí cách thứ hai chống rét cho con ốc nhồi là thuận theo tự nhiên. Cụ thể, để nguyên con ốc nhồi dưới ao nuôi, phía dưới ao trồng cây rong rêu. Đặc biệt, phía trên mặt nước trồng cây rau muống, bèo tây (lục bình). Bên cạnh đó, mực nước duy trì khoảng 50 cm. Quanh ao nuôi ốc nhồi quây bạt nhằm cản gió và ngăn con chuột ăn ốc nhồi.
Theo anh Duy, mùa đông con ốc nhồi ăn rất ít nên không tốn thời gian chăm sóc, chủ yếu là thay nước cho ao nuôi ốc nhồi để đảm bảo không bị ô nhiễm. Trước khi thay nước phải kiểm tra độ PH cho phù hợp. Thời gian thay nước cho ao nuôi ốc nhồi 10 ngày một lần. Ngoài ra, mật độ nuôi con ốc nhồi ủ đông khoảng 40 con/m2.
Thu nhập cả trăm triệu nhờ nuôi ốc nhồi ủ đông
Anh Đỗ Ba Duy (phường Yên Bình, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình), bắt đầu nuôi ốc nhồi cách đây hơn 4 năm về trước và hiện tại, anh Duy đang có tổng diện tích ao nuôi ốc nhồi khoảng 7.000 m2.
Nhờ giữ được phần lớn đàn ốc nhồi thương phẩm, cũng như ốc nhồi bố mẹ qua mùa đông để tạo giống vụ mới, anh Duy có thu nhập khoảng 400 triệu đồng/năm.
Được biết, cứ vào tháng 4 (dương lịch) hàng năm, anh Duy tiến hành đưa con ốc nhồi ra ao nuôi diện rộng và thời điểm này ốc nhồi cũng bước vào mùa sinh sản. Khi con nhồi đẻ trứng, anh Duy thu gom đưa vào hệ thống ấp trong nhà lưới, phun nước hàng ngày tạo môi trường ẩm thích hợp cho trứng ốc phát triển.
Sau khoảng 15 ngày, trứng ốc nhồi nở, vỏ vôi của trứng sẽ từ từ tan biến tạo thành lớp keo bao bọc ốc con bên ngoài. Con nhồi mới nở chỉ cho ăn bèo tấm, đến khi ốc nhồi to hơn hạt ngô thì thả xuống ao nuôi thương phẩm hoặc bán giống.
Để mở rộng sản xuất, ngày 8/3/2023, anh Đỗ Ba Duy đứng ra thành lập Hợp tác xã ốc nhồi Ninh Bình nhằm liên kết các thành viên nuôi ốc trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Ngoài ra, anh Duy còn tập trung chế biến sâu các sản phẩm từ con ốc nhồi như: Ốc nhồi gác bếp, quấn giấy bạc,…riêng món ốc nhồi ống nứa đã được được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.