Bán khắp trong Nam ngoài Bắc, đưa lên sàn ra thế giới, Bắc Giang dự kiến thu 7.000 tỷ đồng từ vải thiều

Khánh Nguyên Thứ sáu, ngày 25/06/2021 09:21 AM (GMT+7)
Theo thống kê, đến thời điểm này, tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ được hơn 170.000 tấn vải thiều, đạt gần 86% tổng sản lượng. Nhờ đa dạng các kênh phân phối, vải thiều Bắc Giang vẫn được tiêu thụ thuận lợi trong bối cảnh dịch bệnh.
Bình luận 0

Vải thiều từ vườn đến bàn ăn

Theo thống kê, đến hết ngày 23/6, Bắc Giang đã bán được hơn 170.000 tấn vải thiều, đạt 87% tổng sản lượng. 

Bình quân mỗi ngày toàn tỉnh tiêu thụ trên 7.000 tấn, giá bán dao động 11.000 - 24.000 đồng/kg, tương đương những năm trước khi xuất hiện dịch Covid-19.

Chính quyền chưa thống kê, nhưng dự báo tổng doanh thu từ tiền vải và các dịch vụ phụ trợ không kém so với năm 2020, gần 7.000 tỷ đồng.

Có được điều này là nhờ tỉnh Bắc Giang đã chủ động đa dạng hóa các kênh bán hàng, bên cạnh xuất khẩu sang thị trường truyền thống Trung Quốc, tỉnh đẩy mạnh tiêu thụ nội địa thông qua sàn thương mại điện tử, chế biến tại chỗ.

Nông dân “rủ nhau” đưa nông sản lên mạng bán - Ảnh 1.

Phiên chợ nông sản Việt trực tuyến trên sàn thương mại điện tử Sendo. Ảnh: www.moit.gov.vn

Từ ngày 21/6 đến 26/6/2021, lần lượt nông dân tại các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Vĩnh Long, Đăk Lăk và Sơn La sẽ xuất hiện trên ứng dụng di động và trang Facebook của Sendo để livestream trực tuyến, chốt đơn hàng sản phẩm nông sản do tự tay mình trồng được cho khách hàng.

Một nét mới trong vụ vải thiều năm nay là, vải được tiêu thụ rất mạnh trên sàn giao dịch điện tử.

Sự vào cuộc của Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT, các sàn thương mại điện tử lớn, các hội đoàn thể, đã giúp nhiều nông dân lần đầu tiên lên mạng bán hàng online.

Bắt đầu từ ngày 21/6, nhiều hợp tác xã, hộ nông dân ở Bắc Giang, Hải Dương, Vĩnh Long, Đắk Lắk và Sơn La đồng loạt đưa nông sản, đặc sản địa phương lên bán tại "Phiên chợ nông sản trực tuyến" trên sàn thương mại điện tử Sendo. Đây là lần đầu tiên các hộ nông dân tập xây dựng "thương hiệu riêng" để tiêu thụ nông sản trên môi trường số.

Xuất phát thông điệp "từ vườn đến bàn ăn" của phiên chợ này, các đơn hàng sau khi chốt trên sàn thương mại điện tử Sendo sẽ được bà con nông dân thu hoạch từ vùng trồng, đóng gói đúng quy cách dưới sự hướng dẫn của chuyên gia sàn thương mại điện tử Sendo và vận chuyển thẳng đến người mua.

Những sản phẩm đang vào mùa như mận hậu Sơn La, bơ Đăk Lăk, vải Bắc Giang, khoai lang tím Vĩnh Long và vải Hải Dương... được ưu tiên giới thiệu trong đợt này.

Được biết, đây là chương trình hợp tác giữa Sàn thương mại điện tử Sendo và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương). Thông qua chương trình, các hợp tác xã, bà con nông dân ở các tỉnh sẽ được kết nối để bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng trên các tỉnh, thành phố như: TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai, Tiền Giang.

Điểm mới lần này đó là bà con hộ nông dân, hợp tác xã có cơ hội để chính mình quảng bá hình ảnh, giới thiệu đến khách hàng và hơn nữa đó là tự xây dựng thương hiệu nông sản của riêng mình, từ đó chủ động bán nông sản qua kênh trực tuyến thương mại điện tử.

Bán khắp trong Nam ngoài Bắc, đưa lên sàn ra thế giới, Bắc Giang dự kiến thu 7.000 tỷ đồng từ vải thiều - Ảnh 3.

Gian hàng thanh niên ở đường Nghĩa Long, TP Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang). (Ảnh: Báo Bắc Giang).

Người Việt yêu thương nông sản Việt

Ông Bùi Huy Hoàng - đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế (Bộ Công thương) số cho biết: "Người Việt yêu thương nông sản Việt" là một trong những thông điệp mà chương trình hỗ trợ nông tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với các sàn thương mại điện tử triển khai với các sản phẩm nông sản.

 Tới đây, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ NNPTNT, Bộ Thông tin- Truyền thông và các bộ ngành liên quan tổ chức các chương trình kết nối cung cầu, hỗ trợ tiêu thụ nông sản, xây dựng thương hiệu nông sản Việt".

Ông Nguyễn Đắc Việt Dũng - Chủ tịch sàn thương mại điện tử Sendo giải thích thêm: "Thương hiệu riêng, thương hiệu cá nhân gần đây đã trở thành một kênh bán hàng trực tuyến có hiệu quả cao. Vì vậy, việc tạo điều kiện để bà con nông dân đứng ra làm đại diện cho chính sản phẩm mình trồng, vừa giúp bà con bán được nhiều hàng hơn, vừa tạo cơ hội để bà con kết nối với người mua, từ đó kinh doanh lâu dài trên sàn thương mại điện tử". 


Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem