Áp lực của Putin khi châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng kép

Thứ tư, ngày 17/11/2021 15:13 PM (GMT+7)
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết việc đám đông người di cư mắc kẹt ở biên giới Belarus - Ba Lan là một nỗ lực nhằm "đánh lạc hướng" phương Tây khỏi sự hiện diện của quân đội Nga gần Ukraine.
Bình luận 0
Áp lực của Putin khi châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng kép - Ảnh 1.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết, Mỹ đang theo dõi chặt chẽ khu vực Ukraine trong bối cảnh có báo cáo về việc Nga sẽ tăng cường thêm quân ở biên giới nước này. Ảnh: Getty

Mỹ và các đồng minh đang tăng cường sức ép lên Tổng thống Nga Vladimir Putin về hai cuộc khủng hoảng ở rìa châu Âu.

Trong những khu rừng và đầm lầy ở biên giới Ba Lan-Belarus, tình trạng bất ổn bùng phát hôm thứ Ba (16/11) sau khi cảnh sát Ba Lan bắn hơi cay và vòi rồng vào những người di cư mắc kẹt tại đây.

Trong lúc đó, Nga đang đổ quân ồ ạt ở biên giới với Ukraine, làm dấy lên lo ngại về sự kiện tương tự năm 2014, khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine.

Washington và châu Âu cáo buộc Điện Kremlin "đứng đằng sau" cả hai vấn đề. Họ nói rằng Belarus, đồng minh duy nhất của Putin ở châu Âu, đang cố tình đẩy người di cư Trung Đông về phía biên giới Ba Lan với lời hứa hão huyền về việc họ sẽ dễ dàng tìm được đường vào Liên minh châu Âu. Belarus không hề có ý ngăn chặn những người di cư.

Hôm Chủ nhật (14/11), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết cuộc khủng hoảng người di cư là một nỗ lực có chủ ý "nhằm đe dọa an ninh, gây chia rẽ và đánh lạc hướng các hoạt động của Nga ở biên giới với Ukraine".

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nói chuyện với ông Putin qua điện thoại hôm thứ Hai (15/11). Sau đó, một trong những cố vấn của ông nói rằng NATO sẽ chuẩn bị sẵn sàng để bảo vệ chủ quyền của Ukraine nếu cần thiết, Reuters đưa tin. 

Những cáo buộc này đã nhiều lần bị Putin phủ nhận. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết ý nghĩ rằng cuộc khủng hoảng ở Belarus nhằm mục đích phân tán sự chú ý khỏi các hoạt động chuyển quân của Nga là hoàn toàn "sai lầm".

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko - một đồng minh không mấy dễ chịu của Putin - cũng đã tổ chức nhiều cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo phương Tây. Hôm 15/11, ông đã nói chuyện với Thủ tướng Đức Angela Merkel về "các cách thức và triển vọng giải quyết" cuộc khủng hoảng người di cư, cũng như những viện trợ nhân đạo có thể có. Đây là lần tiếp xúc chính thức đầu tiên của Lukashenko với một nhà lãnh đạo phương Tây kể từ khi ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử gây tranh cãi hồi năm ngoái.

Áp lực của Putin khi châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng kép - Ảnh 2.

Một người di cư né tránh vòi rồng của lực lượng an ninh Ba Lan tại biên giới Belarus-Ba Lan, hôm thứ Ba (16/11).

Theo Orysia Lutsevych, người đứng đầu Diễn đàn Ukraine tại Chatham House, vẫn chưa rõ liệu Nga có liên quan trực tiếp đến cuộc khủng hoảng biên giới Belarus hay không. Nhưng nó diễn ra theo "một mô hình leo thang của Nga ở các biên giới phía tây", bà nói, đồng thời cho biết thêm rằng: "Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu tình báo Nga tham gia vào các hoạt động này".

Nhằm ứng phó với vấn đề trước mắt, EU đang lên kế hoạch mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với "tất cả những ai tham gia vận chuyển người di cư", bao gồm các hãng hàng không và đại lý du lịch của Belarus, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết hôm 15/11.

Trong khi đó, tại biên giới của Nga với Ukraine về phía nam, Moscow đã huy động khoảng 100.000 quân, theo ước tính của chính phủ Ukraine. Đây không phải lần gia tăng quân số đầu tiên trong năm nay, trước đó vào mùa xuân, Nga cũng gửi đến đây số quân tương tự.

Nga và Ukraine đã rơi vào tình trạng xung đột kể từ năm 2014, khi Nga sáp nhập Crimea và bắt đầu hỗ trợ lực lượng ly khai ở miền đông đất nước. Cuộc chiến đã nổ ra kể từ đó, cướp đi sinh mạng của khoảng 14.000 người.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu trong một cuộc họp báo hôm 15/11 rằng "hoạt động xây dựng quân sự quy mô lớn của Nga" là "bất thường" và lưu ý rằng "Nga sẵn sàng sử dụng các loại năng lực quân sự để tiến hành những hành động gây hấn chống lại Ukraine".

Một số chuyên gia tin rằng Putin đang cố gắng sử dụng những lời đe dọa này để có thêm đòn bẩy trong cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine vốn đang bị đình trệ, đồng thời cảnh báo phương Tây rằng việc ủng hộ Ukraine sẽ đi kèm với hậu quả.

Mặc dù vậy, một phần của vấn đề là Mỹ và châu Âu đã không đủ mạnh mẽ trong việc lên án hành động của Nga ở Ukraine, cũng như sự đàn áp của Belarus đối với các nhà hoạt động đối lập, Lutsevych tại Chatham House cho biết. Bà nói: "Putin tin rằng phương Tây không nghiêm túc với khu vực này, ông ấy nghĩ rằng họ chỉ nói mà thôi. Trên thực tế thì những vấn đề này sẽ không biến mất. Phương Tây và Ukraine phải luôn cảnh giác vì đây là một cuộc chiến tranh tiêu hao".

Lê Phương (NBC News)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem