Áp lực sâu bệnh trước vụ điều mới, nhà nông căng thẳng lo âu

Nguyên Vỹ Thứ năm, ngày 25/10/2018 15:15 PM (GMT+7)
Thời tiết diễn biến thất thường, sâu bệnh bùng phát khiến những người nông dân trồng điều chưa bao giờ hết âu lo. Ghi nhận trước vụ điều mới 2018 cho thấy, diện tích điều nhiễm sâu bệnh vẫn xuất hiện ở nhiều địa phương.
Bình luận 0

Trong khi đó, mới đây lại xuất hiện thông tin sâu đục thân, đục cành hoành hành cây điều trên diện rộng.

Gây hại nặng ở vườn điều trồng bằng hạt

Trên thực tế, sâu đục thân, đục cành trên điều thuộc loài xén tóc đã từng có lịch sử gây hại nặng ở nhiều tỉnh. Tại Lâm Đồng, từ năm 2012 – 2014, sâu đục thân, đục cành gia tăng mạnh tại huyện Đạ Huoai, chủ yếu gây hại trên cây điều 5 - 8 tuổi. Cục bộ, một số vườn có tỉ lệ cây bị hại 100%, gây thiệt hại nặng nề về năng suất, một số diện tích đã phải phá bỏ.

img

Tăng cường tỉa cành tạo tán, vệ sinh vườn vẫn là biện pháp quan trọng  để phòng trừ sâu bệnh hại trên cây điều.  Ảnh: Nguyên Vỹ

"Sau thời gian tích cực phòng chống bọ xít muỗi, thán thư; các vườn điều đang phục hồi tốt. Nhưng để bảo vệ vườn điều cho niên vụ mới đạt hiệu quả cao, các tỉnh trồng điều phải lên kế hoạch, dự trù kinh phí cũng như phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, để phòng trừ tốt sâu bệnh hại”.

Ông Lê Văn Thiệt -
Cục phó BVTV

Năm 2018, thời tiết diễn biến phức tạp khi nắng, mưa xen kẽ, độ ẩm không khí cao tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh gây hại. Theo thống kê của 3 huyện phía Nam: Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên; sâu đục thân, cành trên điều gia tăng mạnh từ tháng 9 đến nay. Hiện toàn tỉnh đã có 832ha bị nhiễm, trong đó Đạ Tẻh nhiễm gần 620ha.

So với cùng kỳ năm 2016  - 2017, diện tích nhiễm bệnh sâu đục thân, cành ít biến động. Tuy nhiên, loại này gây hại nặng ở các vườn điều của bà con dân tộc thiểu số, vốn ít đầu tư chăm sóc hoặc các vườn điều trồng bằng hạt từ 10 năm tuổi trở lên.

Theo Chi cục BVTV tỉnh Đồng Nai, sâu đục thân tuy chỉ gây hại cục bộ nhưng xuất hiện ở khắp các vùng trồng trong tỉnh. Các vườn điều ít tỉa cành tạo tán thường bị thiệt hại nặng hơn các vườn khác vì sâu có nơi trú ngụ để hoàn tất vòng đời ngay trong thân cây, gây hại từ năm trước sang năm sau.

Với lịch sử từng gây hại nặng ở khu vực Đông Nam Bộ, nhóm sâu đục thân, cành đang có xu hướng gia tăng nên rất đáng quan tâm, nhất là với nhiều nông dân chưa có kinh nghiệm xử lý bệnh hại đục thân, cành.

Tại huyện Đồng Phú (Bình Phước), lão nông  Năm Thống kể, từ cuối tháng 9, trên cây điều xuất hiện những con sâu trắng bám trên thân. Trong vườn, nhiều gốc điều bị xì mủ, một số cây điều bắt đầu chết. “Tôi biết sâu đục thân gây thiệt hại lớn cho cây điều, song không nắm rõ chu kỳ sinh trưởng, phát triển của nó nên không có cách phòng, chống triệt để” - ông Thống băn khoăn.

Sâu bệnh còn nhiều

Theo thạc sĩ Lê Thúc Long - chuyên viên Sở NNPTNT tỉnh Bình Phước, sâu đục thân, cành là đối tượng thường xuyên có mặt nhưng không phải nông dân nào cũng biết rõ cách xử lý.

Loại sâu bệnh này chủ yếu đẻ trứng vào tháng 3 – 4 hàng năm, khi mùa vụ điều thu hoạch xong. Nhiều nơi, nhất là nông dân người dân tộc Stiêng, Tày thường không quan tâm chăm sóc vườn cũng như tỉa cành tạo tán để cho bọ xén tóc có môi trường tiếp tục duy trì vòng đời.

Bình Phước có tổng diện tích trồng điều 134.200ha. Thực tế điều tra cho thấy, Bình Phước chỉ mới phát hiện diện tích điều bị nhiễm sâu đục thân, cành khoảng 800ha chứ không phải 22.000ha như một số thông tin trước đó. “Tuy nhiên, Sở NNPTNT tỉnh vẫn đang tăng cường cập nhật tình hình, thực hiện các biện pháp cấp bách để hỗ trợ bà con phòng trừ sâu bệnh; đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu khó lường và áp lực sâu bệnh đang gia tăng hiện nay” - ông Long cho biết.

Theo Cục BVTV, nguồn nguyên liệu điều trong nước cung cấp cho các nhà máy luôn trong tình trạng thiếu hụt do diện tích cây trồng lâu năm già cỗi, cho năng suất thấp. Thời tiết không thuận khiến nhiều loại sâu bệnh hại phát sinh những năm qua, ảnh hưởng nặng đến năng suất và chất lượng hạt điều.

Do nắng nóng kết hợp mưa nhiều, bọ xít, muỗi chích hút tạo vết thương là nguyên nhân gia tăng nhanh diện tích nhiễm bệnh thán thư. Tính đến giữa tháng 10.2018, diện tích nhiễm thán thư lúc cao điểm tăng lên gần 54.420ha (tăng hơn 1.120ha so cùng kỳ năm 2017). Trong đó, diện tích nhiễm nặng lên gần 1.300ha, tập trung ở các tỉnh có diện tích điều lớn như Bình Phước, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Thuận...

Với bọ xít muỗi, diện tích nhiễm lúc cao điểm 51.317ha, giảm gần 7.000ha so cùng kỳ 2017. Với sâu đục thân, cành, diện tích nhiễm cao điểm là 3.252ha, giảm 30ha so cùng kỳ 2017.

Theo ông Đỗ Văn Vấn  -  Trung tâm BVTV phía Nam, số liệu trên cho thấy sâu đục thân, cành chỉ là đối tượng gây hại thứ yếu. Đến tháng 11 mới bắt đầu vào vụ điều mới nhưng hiện tại, một số vườn điều đã bắt đầu trổ hoa. Các địa phương cần tiếp tục lưu ý các loại sâu bệnh có vòng đời ngắn như bọ xít, muỗi, thán thư và sâu đục trái.

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn, đến cuối năm, khu vực phía Nam, thời tiết sẽ chuyển dần từ khí hậu pha lạnh sang pha nóng (El Nino) với xác suất khoảng từ 60-70%. Ông Lê Văn Thiệt  - Phó Cục trưởng Cục BVTV cho rằng nếu khi mùa mưa kết thúc sớm như dự đoán, hiện tượng mưa trái mùa sẽ giảm. Đây là tin vui đối với cây điều đang bắt đầu trổ bông.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem