Áp thuế gần 48% với đường có xuất xứ từ Thái Lan, ngành đường kỳ vọng sẽ “ngọt” vào cuối năm

Quốc Hải Thứ hai, ngày 29/08/2022 11:02 AM (GMT+7)
Tổng mức thuế 47,64% sẽ áp dụng cho hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu đường từ 5 nước ASEAN có sử dụng đường nguyên liệu xuất xứ từ Thái Lan.
Bình luận 0
Áp thuế gần 48% với đường có xuất xứ từ Thái Lan, ngành đường kỳ vọng sẽ “ngọt” vào cuối năm - Ảnh 1.

Ngành mía đường kỳ vọng sẽ "ngọt" hơn vào cuối năm nhờ các giải pháp bảo vệ thị trường của Bộ Công Thương... Ảnh: Q.H

Báo cáo cập nhật ngành đường của SSI Research vừa công bố đã đưa ra nhận định, các biện pháp chống lẩn tránh thuế đối với đường nhập khẩu sẽ phát huy hiệu lực.

Theo SSI Research, Bộ Công Thương đã chính thức áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (Quyết định 1514/QĐ-BCT) đối với các sản phẩm đường mía từ 5 nước ASEAN (Indonesia, Malaysia, Campuchia, Lào, Myanmar). 

Thời gian triển khai từ ngày 8/8/2022 đến ngày 15/6/2026. Đường Thái Lan sẽ bị áp dụng mức thuế chống bán phá giá là 42,99% và thuế chống trợ cấp là 4,65%.

"Như vậy, tổng mức thuế là 47,64%, áp dụng cho hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu đường từ 5 nước này mà có sử dụng đường nguyên liệu xuất xứ từ Thái Lan", báo cáo của SSI Research cho biết.

Đường Thái Lan "chiếm sóng" thị trường Việt sau cam kết ATIGA

Số liệu từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) và Tổng cục Hải quan Việt Nam, kể từ ngày 1/1/2020, khi Việt Nam chính thức bãi bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ các nước ASEAN theo cam kết ATIGA, lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan đã đạt 1,2 triệu tấn (tăng 330% so với cùng kỳ) vào năm 2020, và chiếm khoảng một nửa lượng đường tiêu thụ trên thị trường Việt Nam (từ 2,1-2,3 tấn/năm).

Hơn nữa, kể từ khi bị điều tra và đánh thuế AD-AS, đường xuất khẩu của Thái Lan đã được xuất khẩu gián tiếp qua 5 nước ASEAN.

Áp thuế gần 48% với đường có xuất xứ từ Thái Lan, ngành đường kỳ vọng sẽ “ngọt” vào cuối năm - Ảnh 2.

Khối lượng đường nhập khẩu so với cùng kỳ. Nguồn: SSI Research

Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, lượng đường nhập khẩu từ 5 nước ASEAN đạt 865 nghìn tấn (tăng 280% so với cùng kỳ), trong khi lượng đường xuất khẩu trực tiếp từ Thái Lan sang Việt Nam giảm xuống còn 370 nghìn tấn (giảm 70% so với cùng kỳ) vào năm 2021.

"Giá đường Thái Lan thấp hơn 11% so với giá đường Việt Nam, tạo điều kiện cho đường Thái Lan chiếm lĩnh thị trường Việt Nam trong 6 tháng đầu năm", đại diện Hiệp hội Mía đường Việt Nam thông tin.

Trước tình hình này, Bộ Công Thương đã chính thức áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (Quyết định 1514/QĐ-BCT) đối với các sản phẩm đường mía từ 5 nước ASEAN (Indonesia, Malaysia, Campuchia, Lào, Myanmar).

"Chúng tôi kỳ vọng rằng các biện pháp mới nhất của Bộ Công Thương sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh của mặt hàng đường cũng như hoạt động sản xuất đường trong nước trong dài hạn, do các hạn chế nhập khẩu đường của Thái Lan và sự thiếu hụt nguồn cung ở Việt Nam", chuyên gia của SSI Research kỳ vọng.

Giá đường trong nước sẽ tăng lên mức 19.000-20.000 đồng/kg vào cuối năm?

Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), sản lượng đường toàn cầu trong niên vụ 2022/23 dự kiến tăng nhẹ lên 183 triệu tấn (tăng 0,9% so với cùng kỳ) do thời tiết thuận lợi ở cả Brazil và Thái Lan, và năng suất mía tăng cao.

Do giá ethanol thấp, tỷ lệ sản xuất đường/ethanol ở Brazil (nước xuất khẩu đường lớn nhất thế giới) dự kiến sẽ không thay đổi so với năm trước.

Cụ thể, USDA dự báo sản lượng đường của Brazil sẽ tăng 2,8% so với cùng kỳ và xuất khẩu đường sẽ tăng 3,8% so với cùng kỳ.

Áp thuế gần 48% với đường có xuất xứ từ Thái Lan, ngành đường kỳ vọng sẽ “ngọt” vào cuối năm - Ảnh 4.

Đối với thị trường Thái Lan, sản lượng đường cao cho niên vụ 2021/22 và 2022/23 sẽ tạo áp lực xuất khẩu lớn (USDA dự báo tăng trưởng sản lượng trong niên vụ 2021/22 và 2022/23 lần lượt là 34,8% và 2,6% so với cùng kỳ).

Do đó, USDA kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu của Thái Lan sẽ đạt 10% so với cùng kỳ trong niên vụ 2022/23.

Sản lượng đường tiêu thụ toàn cầu trong niên vụ 2022/23 ước tính đạt 179 triệu tấn (tăng 1,9% so với cùng kỳ), do nhu cầu tăng từ Trung Quốc và Ấn Độ. Do đó, thặng dư đường toàn cầu ước tính vào khoảng 4 triệu tấn trong niên vụ 2022/23, giảm so với mức 5,6 triệu tấn trong niên vụ 2021-2022.

Với thị trường Việt Nam, theo ước tính của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), sản lượng đường trong nước đạt 742 nghìn tấn (tăng 7,5% so với cùng kỳ) trong niên vụ 2021/22, đáp ứng khoảng 35% nhu cầu thị trường trong nước.

"Việc áp thuế suất 47,6% đối với đường nhập khẩu (từ Thái Lan và các nước ASEAN khác) sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam. Chúng tôi ước tính giá đường nhập khẩu sẽ tăng lên 22.000 đồng/kg sau khi được tính thuế đầy đủ", chuyên gia của SSI Research dự báo và kỳ vọng giá đường trong nước sẽ tăng tương đương với giá đường nhập khẩu do nguồn cung trong nước thiếu hụt trong thời gian tới.

"Chúng tôi dự đoán giá đường trong nước sẽ tăng lên mức 19.000-20.000 đồng/kg vào cuối năm 2022, tăng 10% so với giá đường hiện tại", chuyên gia của SSI Research nêu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem