Hai nhà lãnh đạo Triều Tiên-Hàn Quốc gặp nhau ngày 27.4.
Cuộc gặp cấp cao liên Triều lần thứ 3 ngày 27.4 vừa qua ở Bàn Môn Điếm đã diễn ra suôn sẻ, ấn tượng và thành công hơn mọi mong đợi và kỳ vọng trước đó. Những thoả thuận cụ thể giữa tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thể hiện trong những phát biểu công khai của họ và trong Tuyên bố Bàn Môn Điếm về hoà bình, thịnh vượng và thống nhất cho bán đảo Triều Tiên vừa tiếp nối kết quả của hai cuộc cấp cao trước đó vừa bao hàm những bước tiến quan trọng mới.
Chấm dứt chiến tranh và thù địch, bình thường hoá các lĩnh vực quan hệ hợp tác và hướng tới tái thống nhất, phi hạt nhân hoá và hiệp ước hoà bình đã được lãnh đạo hai nước nhất trí thoả thuận tại sự kiện quan trọng này. Một số mục tiêu trong đó vốn đã được hai bên thoả thuận ở hai cuộc cấp cao trước.
Nhưng ở lần này thì kết quả cuộc cấp cao vừa bao trùm sâu rộng lại vừa cụ thể hơn và đặc biệt là nó mới chỉ là hiệp đầu của một tiến trình mà không có thành công như thế ở hiệp đầu này thì sẽ không thể có được hiệp sau quan trọng và quyết định không kém là cuộc cấp cao đầu tiên trong lịch sử giữa Mỹ và Triều Tiên. Với thành công của cuộc cấp cao liên Triều này, trên thực tế hiện không còn cản trở nào nữa đối với việc Mỹ và Triều Tiên cùng nhau tiến hành cuộc gặp giữa ông Kim Jong-un và tổng thống Mỹ được dự kiến vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 này.
Cuộc sau này sẽ tiếp nối cuộc vừa rồi trên những phương diện như hoà bình trên bán đảo, an ninh cho Triều Tiên, phi hạt nhân hoá bán đảo và bình thường hoá cặp quan hệ Mỹ - Triều Tiên. Từ đó có thể thấy cuộc sau không biệt lập với cuộc trước và càng không trái ngược với cuộc trước mà sẽ tiếp nối và dựa trên cuộc trước.
Xem ra, ông Kim Jong-un và ông Moon Jae-in đều ý thức được rằng Mỹ và Trung Quốc đóng vai trò quyết định như thế nào đối với tương lai của bán đảo Triều Tiên nói chung và đối với việc thực hiện những gì được họ thoả thuận ở cuộc cấp cao này nên đã chủ động tranh thủ Mỹ và Trung Quốc, đã cùng nhau tạo dựng cuộc cấp cao đầu tiên trong lịch sử giữa Mỹ và Triều Tiên cũng như hướng tới cuộc cấp cao của họ với Mỹ và rồi cấp cao bốn bên Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ và Trung Quốc.
Không có sự ủng hộ của hai đối tác lớn này, Triều Tiên và Hàn Quốc không thể có được hiệp ước hoà bình chính thức chấm dứt tình trạng chiến tranh thay thế cho hiệp định đình chiến ký kết từ năm 1953 và vẫn có hiệu lực đến nay, không thể thực hiện nổi tái thống nhất bán đảo và không thể gỡ bỏ được những biện pháp trừng phạt lâu nay đối với Triều Tiên. Triều Tiên và Hàn Quốc không thể thúc đẩy quan hệ hợp tác khi mối quan hệ giữa Triều Tiên và Mỹ không được bình thường hoá và cải thiện.
Cho nên dù quan trọng và quyết định đến mấy thì kết quả cuộc gặp vừa rồi giữa ông Moon Jae-in và ông Kim Jong-un cũng vẫn mới chỉ là điểm xuất phát và sự khởi đầu, nền tảng và định hướng cho một tiến trình còn dài và nhiều trắc trở. Tiến trình này rồi đây có tiến triển được hay không và tiến triển nhanh chóng như thế nào cũng như thực chất đến đâu phụ thuộc vào hai nhân tố. Thứ nhất là hai nước có kiên định quyết tâm thực hiện tuyên bố chung nói trên hay không.
Thứ hai là cuộc gặp tới đây giữa ông Kim Jong-un và tổng thống Mỹ Donald Trump thành công cụ thể như thế nào. Ông Trump chắc chắn sẽ đòi phía Triều Tiên đáp ứng những điều kiện cơ bản và cụ thể hơn trong nội dung "phi hạt nhân hoá bán đảo" và Triều Tiên cũng sẽ yêu cầu Mỹ phải có nhượng bộ thoả đáng. Mức độ thành công của sự kiện tiếp sau này phụ thuộc vào kết quả cuối cùng của cuộc mặc cả giữa hai phía về chủ đề nội dung này.
Và phải khi cuộc sau này kết thúc thì mới có thể đánh giá được đúng nhất và đầy đủ nhất về kết quả của cuộc trước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.