Âu lo bủa quanh xóm làng nghề biển mùa... ra tiền

Hùng Phiên Thứ ba, ngày 17/11/2015 14:47 PM (GMT+7)
Cứ đến tháng 9, 10 âm lịch, ngư dân đưa tàu lên bờ tu sửa cho chuyến biển mới vào cuối năm. Biển động, tàu nằm bờ “làm nước”, tiền của cứ thế “đội nón” ra đi. Bao nhiêu âu lo bủa quanh xóm làng nghề biển trong mùa... ra tiền.
Bình luận 0

Đã có tín dụng “đen”

Làng biển Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa (Phú Yên) mùa mưa gió. Chộn rộn trong bao sự là câu chuyện chạy tiền để tân trang những con tàu gỗ qua một năm bôn ba sóng gió. Bà Trần Thị Liên- chủ một con tàu lưới rút 90CV, buông lời: “Tàu nhà tui lên bờ nửa tháng rồi. Ba, bốn trăm ngàn một ngày công thợ “làm nước” mà tìm không ra người. Cứ sửa túc tắc kiểu này, bao giờ cho xong! Muốn làm nhanh thì tiền đâu mà nâng công thợ? Giá gỗ sửa tàu cũng tăng dữ quá, lại khan hiếm nữa…”.

img

Một góc cảng cá cá ngừ đại dương Tuy Hòa mùa mưa 2015. Ảnh: Hùng Phiên

Theo bà Liên, hàng mấy chục con tàu ở làng này cùng lúc sửa chữa, công thợ được dịp “làm giá”. Thường ngày, nhiều đàn ông nghề biển đi làm mướn tứ xứ; mùa biển động thì về quê xả hơi… nhậu nhẹt. Ai kêu làm thì phải “nhiều tiền” mới đi. Đã khó công thợ, lại còn căng thẳng túi tiền khi giá cả gỗ thay sửa vỏ tàu đang tăng 20 - 30% mà không dễ tìm mua. Chiếc tàu nhà bà dự định chỉ sửa cỡ 80 triệu đồng, mà giờ đã dội lên hơn 100 triệu đồng. “Mùa rồi, tàu nhà đánh chuyến được, chuyến mất. Tiền dành dụm chỉ kham được một nửa chi phí sửa tàu, còn lại phải đi “giật” nóng. Tui vừa chạy vay năm chục triệu với mức trả lãi 6%/tháng. Biết là phải trả lãi gấp chục lần so với vay ngân hàng nhưng sổ đỏ, sổ tàu cũng đang nằm ngân hàng rồi!”- bà Liên nói.      

Lão ngư Nguyễn Kim Lai thì cho hay: “Chiếc tàu gỗ 135CV nhà tui cũng vừa lên bờ “làm nước”; nhiều nơi trên thân đã bị mục “lở lói”, nội thất trên tàu cũng đã đến kỳ thay, sửa. Tui độ độ có sửa sơ sài nhất cũng phải hơn một trăm triệu đồng. Nếu làm kỹ hơn thì phải một trăm rưỡi triệu. Mùa biển rồi lỗ tổn quá; vật tư, công xá bạn tàu đều tăng cao, cá đánh được ít mà giá bán thì cứ bập bênh. Giờ phải ráng tu chỉnh lại tàu để đánh bù “trận” cuối năm nay. Vợ chồng tui vừa chạy “giựt” nóng bảy chục triệu! Nghề biển mà, phải lo cho tàu bè bài bản mới có thể “bày keo khác” được! Nếu kham không nổi thì kêu bán tàu…”.

Ông Lai nhẩm tính, mùa rồi ở Hòa Hiệp Trung, cứ 10 tàu đi biển thì chỉ 2 - 3  tàu có lãi, còn lại thì hòa và lỗ tổn.  

Lênh đênh cùng nợ

Khu vực cảng cá ngừ đại dương phường 6, TP.Tuy Hòa (Phú Yên) mùa biển động vẫn túc tắc có tàu ra khơi. Theo anh Phan Tấn Thịnh - Trưởng khu phố Bạch Đằng (phường 6, Tuy Hòa), nghề cá ngừ liên tục mất ăn, khoảng một nửa tàu ở đây đã chuyển sang nghề lưới cá chuồn, cá nhám (cá mập), cá hố,… hoặc dùng “2 súng” (vừa câu cá ngừ, vừa đánh cá khác). Tàu xa bờ lúc này bám thông tin khá kỹ, có thể theo dõi dự báo thời tiết trước 10 ngày. Biển mùa động nhưng lại có cá, nên nhiều tàu “canh chừng” êm êm là ra khơi. Nghề đánh bắt xa bờ đang có chiều hướng giảm thu nên ngư dân thấy biển có ăn là tranh thủ “giật nóng” lên đường. Kỳ này, bà con đang lún vào lắm thứ nợ nần…

Theo anh Thịnh, liên tiếp nhiều chuyến cá ngừ thất thu, bà con chuyển sang đầu tư đánh bắt cá chuồn. Đã thiếu hụt vốn, lại phải mua sắm thêm ngư cụ lưới chuồn, mỗi giàn lưới và phụ kiện có giá vài trăm triệu đồng, nên hầu hết đều phải vay mượn. “Đánh bắt xa bờ rất cả vốn, ai không xoay nổi tiền thì “bó chân”.

Biển liên tục thua lỗ nên sức tích lũy của bà con yếu dần. 99% tàu cá vùng này đang “dính” nợ ngân hàng, muốn có tiền tiếp tục ra biển thì phải cậy tín dụng bên ngoài. Khó thể thống kê hết nhưng lúc nào dịch vụ vay nóng cũng sẵn sàng đáp ứng cho nghề biển. Biết là “lãi mẹ, lãi con, ôm cục nợ ra biển” nhưng nhiều tàu cũng nhờ vay nóng mà còn trụ được với nghề…”- anh Thịnh nói.

Chủ tịch Hội Nông dân phường 6 (Tuy Hòa) - ông Lê Vĩnh Khánh cho hay, chuyện vốn liếng tiền bạc lúc nào cũng “ong ong” trong làng đánh bắt xa bờ, vào mùa mưa lạnh lại càng “nóng rẫy”. Nhiều chủ trương hỗ trợ, ưu đãi tín dụng đã đến với hầu hết bà con nghề biển. Tuy nhiên, nghề biển thời gian qua gặp quá nhiều thử thách, rủi ro nên tỷ lệ ngư dân lỗ tổn rất cao, gia tăng nhu cầu vốn vay để tái đầu tư.

Làng biển mùa mưa bùng gió hú. Đi một đoạn lại thấy một nhóm khề khà “dô, dô”, thỉnh thoảng có đám nhạc sống vút lên “… hát nữa đi em…”. Nghe dư âm cái ngày làng biển… tiền về. 

Hiện hầu hết nhà cửa, phương tiện đã được bà con thế chấp để vay ngân hàng, nợ chưa sạch nên không thể vay tiếp. Còn việc vay tín chấp qua các đoàn thể thì đồng vốn như “muối bỏ bể” đối với nghề đánh bắt xa bờ. Hàng loạt hồ sơ vay vốn đóng tàu đang bị “ách” do ngư dân thiếu nhiều điều kiện theo quy định hiện hành...   

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem