Lão ngư Phan Văn Cúc - Bí thư chi bộ thôn Thạnh Đức 2, xã Phổ Thạnh cho biết: Thôn có 702 hộ thì hơn 90% sống bằng nghề biển với trên 300 tàu cá đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa. Nhờ nghề biển mà trên 250 hộ đang sở hữu số tài sản trên 1 tỷ đồng/hộ. “Nhiều đời họ Phan nhà tôi tiếp nối nghề của cha ông. Tôi đã có 38 năm và hiện 3 con trai đều đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa” - ông tâm sự.
Cuối năm 2011, tàu cá QNg - 98225 công suất 100CV của anh Phan Văn Nông (con trai ông Cúc) bị sóng đánh chìm, thiệt hại hơn 500 triệu đồng. May mắn, anh và 2 ngư dân được tàu bạn hoạt động gần đó đến cứu kịp thời. Sau lần này, anh Nông gom vốn và vay mượn đóng mới tàu cá hơn 1 tỷ đồng tiếp tục vươn khơi.
“Với tôi, biển là nhà, xa nhớ không chịu được. Dẫu Trung Quốc có hung hăng thế nào, tôi vẫn bám biển” - anh Nông quả quyết.
Ông Phan Hiển - Chi hội trưởng nghề cá xã Phổ Thạnh cho biết: “Hai tàu cá của tôi cùng với con trai Phan Văn Thái và 14 bạn chài vừa quay ra Hoàng Sa sau khi bán hải sản tại cửa biển Đà Nẵng. Tôi luôn động viên con và thuyền viên bám biển, quyết không lùi bước. Để đối phó với những hành động ngang ngược của Trung Quốc, ngư dân luôn đoàn kết, đánh bắt thành đội tàu từ 10 - 20 chiếc để cứu giúp nhau khi gặp nạn” - ông nói.
Ngư dân Sa Huỳnh hiện sở hữu trên 1.000 tàu cá với khoảng 10.000 lao động đánh bắt trên biển. Trong đó, trên 700 tàu cá công suất lớn đánh bắt trên các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.