Bà bầu bị tra tấn đến sảy thai: Hành vi nhân vô đạo, đối mặt 12 năm tù?

Bảo Linh Thứ tư, ngày 17/04/2019 09:15 AM (GMT+7)
Để đòi nợ, nhóm đối tượng đã bắt cóc vợ đang mang bầu của con nợ và tra tấn khiến cho người mẹ trẻ đang mang bầu 6 tháng phải sinh non và sau đó cháu bé qua đời vì quá yếu. Hành vi của nhóm đối tượng này sẽ bị xử lý ra sao theo quy định của pháp luật?
Bình luận 0

Như tin đã đưa, Công an huyện Bình Chánh, TP HCM cho biết vẫn đang phối hợp Công an TP HCM điều tra, truy bắt Nguyễn Minh Dũng (37 tuổi), Nguyễn Thị Ngọc Huyền (28 tuổi, em gái Dũng, cùng ngụ huyện Bình Chánh). Đây được xác định là 2 nghi can chủ mưu đến vụ bắt giữ trái phép, giam cầm rồi tra tấn dã man chị H.N.Y. (18 tuổi, ngụ tỉnh Long An) khiến chị này bị nhiều thương tích nghiêm trọng và đặc biệt là cháu bé buộ phải sinh non 6 tháng đã không thể giữ được tính mạng.

Thông tin ban đầu, anh trai của chị H.N.Y. (18 tuổi, ngụ tỉnh Long An) nợ tiền của Dũng nhưng chưa trả. Vì vậy, Nguyễn Minh Dũng cùng em gái ruột, tên Huyền và một người tên Trần Nhật Khang (19 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) xuống huyện Đức Hòa tìm anh chị Y. đòi nợ không được nên đã bắt chị Y. đưa lên TP.HCM để gây áp lực.

Nhóm người này đã tra tấn chị Y. khiến người mẹ trẻ sinh non, thai nhi 6 tháng quá yếu nên không qua khỏi. Phát hiện nạn nhân sức khỏe yếu, nhóm này đưa đi nhập viện rồi vứt bỏ thai nhi.

Trao đổi với Dân Việt vụ việc, luật sư Đặng Văn Cường – Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội cho biết:

“Pháp luật quy định trình tự thủ tục đòi nợ, trong đó có thể tố cáo hoặc khởi kiện tranh chấp dân sự. Tuy nhiên các đối tượng trên đã không lựa chọn hình thức đòi nợ theo quy định pháp luật mà lại thực hiện hành vi tự xử. Nhóm đối tượng này vô cùng tàn nhẫn, thể hiện hành vi côn đồ, manh động, coi thường, bất chấp pháp luật. Các đối tượng xâm hại nhiều khách thể mà pháp luật bảo vệ như: Sức khỏe, tính mạng, danh dự nhân phẩm, tài sản, thậm chí thi thể...”.

img

Luật sư Đặng Văn Cường – Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội.

Theo luật sư, hành vi của nhóm đối tượng đã bắt, giữ cô gái là xâm phạm đến quyền tự do thân thể, tự do cư trú của công dân, hành vi này có dấu hiệu phạm tội theo quy định tại “Điều 157 Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Với hành vi tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo đối với nạn nhân, những đối tượng này sẽ phải đối mặt với hình phạt quy định tại khoản 3, điều 157 bộ luật hình sự với mức hình phạt từ 5 năm đến 12 năm tù.

Trong trường hợp, các đối tượng bắt, giữ người trái pháp luật với mục đích đòi tiền, yêu cầu gia đình, người thân của cô gái trả tiền mới thả người, hành vi này có dấu hiệu của tội bắt cóc nhầm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 169 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

“Như vậy, cơ quan điều tra sẽ phải xác minh, làm rõ hành vi, hậu quả, động cơ mục đích để xử lý đối tượng này theo quy định pháp luật. Nếu việc bắt giữ người nhằm chiếm đoạt tài sản sẽ xử lý theo quy định tại Điều 169 luật Hình sự. Nếu việc bắt giữ mà để trả thù, hành vi này sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 157 luật Hình sự. Việc xác định tội danh sẽ căn cứ vào các dấu hiệu cấu thành tội phạm trong đó hành vi, động cơ, mục đích là những yếu tố quan trọng để xác định các tội danh nêu trên” – luật sư Cường phân tích thêm.

img

Vết thương trên các phần cơ thể chị Y. khiến nhiều người không khỏi hoảng sợ. Ảnh: Trí thức trẻ

Luật sư làm rõ thêm chi tiết sự việc, trong khi bị bắt giữ cô gái đã sinh con: “Mặc dù, cô gái sinh non nhưng dưới góc độ pháp lý đó vẫn được xác định là một con người. Vì vậy, cần làm rõ tình trạng sức khỏe, tình trạng chăm sóc y tế của cháu bé khi mới sinh ra đời. Đồng thời xem rõ thái độ, hành vi của các đối tượng khi phát hiện cô gái sinh non. Chẳng hạn như, các đối tượng có thực hiện hành vi cứu giúp cô gái và đứa trẻ trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng hay không.

Cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng để xem xét trách nhiệm pháp lý. Trong trường hợp đủ căn cứ để xử lý về tội không cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, những đối tượng này sẽ bị khởi tố về tội danh này theo quy định pháp luật”.

Cụ thể, Điều 132 luật Hình sự năm 2015 quy định Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng như sau:

“1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;

b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.

3. Phạm tội dẫn đến hậu quả 2 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.”.

Ngoài ra, khi đứa trẻ thiệt mạng nếu những đối tượng đem vứt xác, phi tang, hành vi này có dấu hiệu xâm của tội xâm phạm thi thể, cần phải xử lý hình sự. Tội danh và hình phạt được luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định như sau:

Điều 319. Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt

1.Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:

a) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

b) Chiếm đoạt hoặc hủy hoại vật có giá trị lịch sử, văn hóa;

c) Vì động cơ đê hèn;

d) Chiếm đoạt bộ phận thi thể, hài cốt.

Ngoài trách nhiệm hình sự, các đối tượng phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân và gia đình nạn nhân. Thiệt hại bao gồm: Chi phí cứu chữa, phục hồi chức năng, tiền thu nhập bị mất, tổn hại về tinh thần, tiền công người chăm sóc, tiền bồi thường tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm hại...

“Hành vi của các đối tượng trên là hết sức nguy hiểm, xâm hại đến nhiều khách thể được pháp luật hình sự bảo vệ. Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ làm rõ từng hành vi, yếu tố lỗi, động cơ, mục đích và hậu quả để xác định trách nhiệm pháp lý có liên quan theo quy định pháp luật. Nếu hành vi thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm nào thì sẽ khởi tố về tội danh đó. Trong trường hợp bị xử lý về nhiều tội thì các đối tượng trên sẽ bị tổng hợp hình phạt theo các nguyên tắc mà bộ luật hình sự đã quy định” – Luật sư bày tỏ quan điểm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem