Ba cây cổ thụ "thượng thọ" ở đất Bình Dương là Cây di sản Việt Nam gồm những loài cây gì?

Trần Khánh Thứ bảy, ngày 09/03/2024 05:40 AM (GMT+7)
Tỉnh Bình Dương tổ chức lễ công bố Cây di sản Việt Nam cho 3 cây cổ thụ ở đất Thủ Dầu Một. Đó là cây trôm 150 năm tuổi; cây kơ nia 200 năm tuổi và cây đa 140 năm tuổi tại TP Thủ Dầu Một ngày 8/3.
Bình luận 0

Trước đó, 3 cây đại thụ này đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

Cây cổ thụ-cây di sản gắn liền với trường mỹ nghệ do người Pháp thành lập

Cây trôm 150 năm tuổi nằm trong khuôn viên Trường Trung cấp Mỹ thuật – Văn hóa Bình Dương.

Trường Trung cấp Mỹ thuật – Văn hóa Bình Dương tiền thân là Trường Mỹ nghệ bản địa Thủ Dầu Một. Đây vốn là trường Mỹ nghệ ứng dụng do chính quyền Pháp thành lập từ năm 1901 ở khu vực Đông Dương.

Cây trôm 150 năm tuổi nằm trong khuôn viên Trường Trung cấp Mỹ thuật – Văn hóa Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh

Cây trôm cổ thụ 150 năm tuổi nằm trong khuôn viên Trường Trung cấp Mỹ thuật – Văn hóa Bình Dương là cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam. Ảnh: Trần Khánh

Ông Lê Quang Lợi - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Mỹ thuật – Văn hóa Bình Dương cho biết, nhà trường đã đào tạo nhiều lớp nghệ nhân giỏi nghề, có tri thức về văn hóa thẩm mỹ; đóng góp thiết thực trong các lĩnh vực đời sống, kinh tế, văn hóa xã hội.

Cây trôm gắn liền với sự hình thành và phát triển của Nhà trường. Hơn một thế kỷ qua, cây trôm cũng chứng kiến nhiều thăng trầm lịch sử của địa phương, các sự kiện văn hóa tín ngưỡng ở Thủ Dầu Một.

Cây trôm có chu vi thân chính 3,2m; chu vi gốc cây 5,2m; chiều cao khoảng 25m; đường kính tán khoảng 25m. Thân cây trôm với bề mặt gồ ghề, xù xì được bao bọc xung quanh bởi rất nhiều loại cây sống tầm gửi.

Cây trôm được các thế hệ thầy và trò chăm sóc, vẫn phát triển mạnh mẽ, xanh tươi. Nhìn rộng ra xung quanh, cây trôm là cây duy nhất có tán rộng, cao to trên đoạn đường Bạch Đằng nối dài. Cây trôm vì thế trở thành điểm nhấn nổi bật, được nhiều người đến chụp ảnh lưu niệm.

Toàn cảnh cây trôm nhìn ra hướng đường Bạch Đằng và sông Sài Gòn. Ảnh: Trần Khánh

Toàn cảnh cây trôm cổ thụ nhìn ra hướng đường Bạch Đằng và sông Sài Gòn ở đất Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh

Việc công nhận cây trôm trong khuôn viên Trường Trung cấp Mỹ thuật – Văn hóa Bình Dương là Cây Di sản Việt Nam có ý nghĩa về lịch sử, văn hóa và xã hội.

"Việc công nhận này còn nhằm góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, đa dạng loài cây, bảo vệ cảnh quan môi trường, tạo mảng xanh đô thị", thầy Lê Quang Lợi chia sẻ.

Hai cây cổ thụ-hai Cây di sản tại ngôi đình thờ vị Tiến sĩ đầu tiên ở miền Nam

Cùng ngày, cây kơ nia 200 năm tuổi và cây đa 140 năm tuổi cùng nằm trong khuôn viên Đình Thần Tương Bình Hiệp (TP.Thủ Dầu Một) cũng được địa phương tổ chức lễ công bố Cây di sản Việt Nam.

Đình Tương Bình Hiệp được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIX. Đây là ngôi đình thờ vị Tiến sĩ đầu tiên của vùng đất Nam bộ - Phan Thanh Giản.

Đình Thần Tương Bình Hiệp (TP.Thủ Dầu Một). Ảnh: T.L

Đình Thần Tương Bình Hiệp (TP.Thủ Dầu Một). Ảnh: T.L

Cứ đến ngày 12/10 âm lịch hàng năm, người dân lại về nơi đây để dự lễ hội đình, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Năm 2007, Đình Tương Bình Hiệp được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Cây kơ nia đến nay đã hơn 200 năm tuổi; có đường kính thân cây được 1,38m; chiều cao cây ước tính 37m.

Cây đa khoảng 140 năm tuổi có đường kính 9,6m tại vị trí ngang ngực; chiều cao cây khoảng 27m; có tán rộng từ 30-40 về các hướng khác nhau.

Điểm đáng chú ý là cây kơ nia và cây da đứng ôm nhau. Nếu nhìn từ ngoài vào trông giống như chỉ một cây duy nhất.

Cây di sản trong trong khuôn viên Di tích lịch sử cấp tỉnh Đình Thần Tương Bình Hiệp. Ảnh: Trần Khánh

Cây di sản trong trong khuôn viên Di tích lịch sử cấp tỉnh Đình Thần Tương Bình Hiệp. Ảnh: Trần Khánh

Cây di sản trong trong khuôn viên Di tích lịch sử cấp tỉnh Đình Thần Tương Bình Hiệp. Ảnh: Trần Khánh

Ông Dương Thái Khanh – Bí thư Đảng ủy phường Tương Bình Hiệp (TP.Thủ Dầu Một) cho biết, các cây cổ thụ của đình thần như một minh chứng lịch sử qua hàng trăm năm biến đổi và phát triển của địa phương.

Nhờ các thế hệ người dân trong phường Tương Bình Hiệp chăm sóc và bảo vệ, cả 2 cây cổ thụ kơnia và cây đa vẫn phát triển tốt, tỏa bóng mát rất đẹp tại khuôn viên đình.

Lễ công bố Cây di sản Việt Nam cho cây kơ nia 200 năm tuổi và cây đa 140 năm tuổi. Ảnh: Chí Tưởng

Lễ công bố Cây di sản Việt Nam cho cây kơ nia 200 năm tuổi và cây đa 140 năm tuổi. Ảnh: Dương Chí Tưởng

Việc cây kơ nia và cây đa được công nhận là Cây di sản Việt Nam sẽ tạo thêm điểm nhấn để người dân, du khách đến tham quan, học tập và nghiên cứu khoa học. Đây sẽ là điểm đến lý tưởng đối với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch hướng về cội nguồn.

Cũng theo ông Khanh, địa phương đã tổ chức lễ công bố xác lập kỷ lục Việt Nam đối với cặp rồng lu, vốn được lắp ghép từ các lu, hũ gốm nung thủ công nhiều nhất tại Việt Nam.

Cặp linh vật rồng lu được thiết kế để chào đón Tết Giáp Thìn 2024, đặt tại đường Hồ Văn Cống (phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một). Mỗi con rồng có tới 38 cái lu cỡ lớn và có khoảng 20.000 chiếc hủ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem