Bà chủ đội tàu biển Hoàng Sa

Thứ bảy, ngày 15/03/2014 12:42 PM (GMT+7)
Dù biển cả lấy đi của bà biết bao nước mắt, cay đắng nhưng bà vẫn kiên cường bám biển. Bà là Lê Thị Huệ, 49 tuổi, ở phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng).
Bình luận 0
Gần 8 năm trước, siêu bão Chanchu đã cướp đi người chồng và phá nát gia sản của gia đình bà Huệ. Bà tâm sự: “Đó là quãng thời gian mà tui như người chết rồi. Không thiết ăn uống, tôi sụt 16kg”.

Đứng lên trong mất mát

Hồi đó, đội tàu đánh bắt xa bờ 4 chiếc của gia đình bà Huệ được coi là hiện đại nhất nhì ở làng cá Thanh Khê Đông, còn ông Nguyễn Út Thanh (chồng bà) là một thuyền trưởng kinh nghiệm… Vậy nhưng, kết cục đoàn tàu ấy đã không thắng được cơn cuồng phong mang tên Chanchu.

Tàu cá của bà Huệ đầy ắp khi vào bờ.
Tàu cá của bà Huệ đầy ắp khi vào bờ.

Khi nghe tin chồng không trở về nữa, ngày ngày, bà xuống bến mỏi mắt hướng về khơi xa ngóng chồng. Ông ra đi để lại cho bà 4 con thơ nheo nhóc, đứa nhỏ mới hơn 10 tuổi. Đôi vai mảnh mai của người phụ nữ ấy càng nặng gánh hơn khi số tiền 1,2 tỷ đồng mà người chồng đứng ra vay để mua sắm ngư cụ trang bị cho 4 con tàu cũng bay theo bão. Ba con tàu trở về được đất liền thì không tàu nào có thể đi biển trở lại được.

Chồng chết, bạn đi tàu chết, lưới, ngư cụ mất, tiền lãi vay ngân hàng ngày nào cũng réo... tất cả cùng lúc đổ ập lên người phụ nữ khổ đau ấy. Ai cũng nghĩ bà sẽ từ bỏ hoạt động đánh bắt hải sản. Nhưng rồi, khi nỗi đau mất mát nguôi ngoai, quyết tâm trở lại với biển cả cứ lớn dần trong bà. “Mỗi lần ra cảng cá, sờ vô bánh lái của tàu người ta tui lại thấy ổng hiện về, lại chảy nước mắt” - bà Huệ vén áo lau nước mắt, nói.

Để có tiền trả nợ ngân hàng và gây dựng lại cơ nghiệp, bà quyết định bán hết cả 3 con tàu nát. Số tiền thu được chỉ vừa đủ để trả nợ ngân hàng và sửa sang lại căn nhà đã tan hoang sau bão. “Đó là thời điểm khó khăn nhất. Nếu như không yêu biển, không yêu nghề, không thương chồng, thương con thì tui chắc không thể nào vượt qua được” - bà Huệ nói. Thế là, 3 năm sau, cũng trên bến cát ngày xưa ấy, bà đã thay người chồng quá cố tiếp tục đóng tàu vươn khơi, thi gan cùng sóng gió.

“Nữ tướng” làng chài


Để có tiền đóng mới tàu ra khơi, bà phải mang “sổ đỏ” đi vay nhưng ngân hàng không đồng ý. Vì thế, ban đầu bà đóng tàu công suất nhỏ, đánh bắt gần bờ. Mấy năm sau, dành dụm được một số vốn cùng với sự hỗ trợ của thành phố, bà mạnh dạn đóng những chiếc tàu lớn để vươn xa. Đầu năm 2011, bà bán nhà để lấy hơn 1 tỷ đồng, cùng với số tiền vay mượn, địa phương hỗ trợ, đóng mới con tàu 880 CV.

"Mình có tàu lớn đi biển gặp gió bão cũng yên tâm. Có gặp tàu cá Trung Quốc cũng chẳng ngại”.
Bà Lê Thị Huệ

Bà đi khắp nơi tìm gỗ đóng tàu, đặt mua máy… những công việc đáng lẽ của người đàn ông. Rồi đến ngày chiếc tàu DNA - 90422 880 CV, trị giá gần 3 tỷ đồng hạ thủy và liên tục thắng lớn trong những chuyến ra khơi. Ngày hạ thủy, bà lặng lẽ thắp nén nhang lên bàn thờ chồng: “Ông ra đi thanh thản nghe! Tui thay ông vực dậy những con tàu”...

Không dừng lại ở đó, năm 2013 bà tiếp tục đóng mới chiếc tàu 865 CV tạo thành một cặp tàu thuộc loại “top” của Đà Nẵng. Bà thuê thuyền trưởng lái tàu ra khơi và gọi 26 ngư dân về đánh bắt cho cặp tàu mình. Mỗi chuyến ra khơi, tàu của bà thường đi từ nửa tháng đến 1 tháng, đánh bắt tại các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Công việc của bà mỗi khi tàu về là ra bán cá, rồi lấy tổn phí cho bạn tàu. Khi tàu chuẩn bị xuất bến thì bà lo giấy tờ. “Chỉ khi nào tàu chạy ra đến bán đảo Sơn Trà tui mới quay trở về” - bà Huệ nói.

Ông Lê Nguyên Khánh - Chủ tịch Hội ND phường Thanh Khê Đông, cho biết người dân địa phương quen gọi bà Huệ là “Nữ tướng” làng chài. Đàn ông không nhiều người đóng được một tàu lớn như thế, trong khi đó bà lại đóng được 2 chiếc.

Cuộc vận động “Nông dân với Trường Sa”


Trung ương Hội NDVN phát động Cuộc vận động“Nông dân với Trường Sa”. Mục đích của cuộc vận động nhằm tuyên truyền sâu rộng tới cán bộ, hội viên nông dân cả nước về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chủ quyền biển đảo nói chung và Trường Sa nói riêng.

Định kỳ hàng năm, TƯ Hội sẽ tổ chức thăm huyện đảo Trường Sa để cán bộ hội nắm rõ hơn vị trí, vai trò của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thấy được thế đứng của quần đảo Trường Sa; vai trò quan trọng của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo. Trên cơ sở đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm cán bộ hội trong việc tuyên truyền, vận động hội viên ND có con em tham gia bảo vệ, xây dựng đảo; trách nhiệm của đội ngũ cán bộ hội trong công tác tham mưu, đề xuất chính sách với Đảng, Nhà nước, các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương trong xây dựng hệ thống chính trị huyện Trường Sa ngày càng vững mạnh.

Theo kế hoạch, năm 2014, vận động toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của T.Ư Hội và của T.Ư Hội và Hội ND các tỉnh, thành phố, mỗi người ủng hộ ít nhất 1 ngày lương.

Hội ND các tỉnh, thành phố vận động tổ chức, doanh nghiệp, chủ trang trại, hộ SXKD giỏi ủng hộ.

Tiền ủng hộ gửi về: Văn phòng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (trước ngày 15.4.2014). Tài khoản: 1480201010219. Tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam- Chi nhánh Tây Hồ, Hà Nội.


Kim Oanh (Kim Oanh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem