Bà Đặng Ngọc Lan bị phản ứng khi phát biểu tại đại hội cổ đông của ACB

Quốc Hải Thứ năm, ngày 19/04/2018 11:17 AM (GMT+7)
Bà Đặng Ngọc Lan, vợ Bầu Kiên đứng lên phản ứng về danh sách thành viên HĐQT Ngân hàng Á Châu nhiệm kỳ 2018 - 2023 chỉ có 8 thành viên chứ không phải con số 11 như thông báo trước đó, nhưng bị phản ứng của cổ đông tại đại hội.
Bình luận 0

Sáng nay, ngày  19.4, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2018. Tại đại hội, danh sách ứng viên HĐQT được đưa ra để cổ đông bầu cho nhiệm kỳ 2018 – 2023 chỉ có 8 người chứ không phải là 11 người như danh sách công bố trước đó.

img

Cụ thể, danh sách 8 ứng viên HĐQT nhiệm kỳ 2018 - 2023 gồm có 6 gương mặt là thành viên HĐQT nhiệm kỳ cũ 2013 – 2017 như: Ông Trần Hùng Huy, ông Nguyễn Thành Long, bà Đinh Thị Hoa, ông Dominic Timothy Charles Scriven, bà Đặng Thu Thủy, ông Đàm Văn Tuấn. Ngoài ra, có 2 ông Hiệp Văn Võ và ông Huang  Yuan Chiang (được dự kiến bầu làm thành viên HĐQT độc lập trước đó).

3 người không có trong danh sách ứng viên HĐQT ACB nhiệm kỳ 2018 – 2023 có hai thành viên Ban điều hành ACB là ông Đỗ Minh Toàn (Tổng Giám đốc) và Nguyễn Văn Hòa (Phó Tổng Giám đốc) và ứng viên do nhóm cổ đông đề cử để bầu chức danh thành viên HĐQT ACB là ông Nguyễn Duy Hưng. Ông Nguyễn Duy Hưng là đại diện của nhóm cổ đông sở hữu trên 10% cổ phần của vợ chồng Bầu Kiên. 

Về thành viên ban kiểm soát, trong danh sách công bố trước đó có 5 người nhưng trong sáng này chỉ còn 4 người là ông Huỳnh Nghĩa Hiệp, bà Hoàng Ngân, bà Nguyễn thị Minh Lan và bà Phùng Thị Tốt. Riêng bà Đoàn Hồng Ngọc (ứng viên do nhóm cổ đông đề cử) không có tên trong danh sách.

9h sáng, đại hội bắt đầu, đại diện ban kiểm soát đọc con số tỷ lệ cổ đông tham dự đại hội. Theo công bố, đại hội có số cổ đông đại diện hơn 805 triệu cổ phiếu ACB tham dự (81,69%), đủ điều kiện tiến hành đại hội.

9h10 phút, một nhóm cổ đông lên tiếng ý kiến không đồng ý chương trình đại hội.

9h15 phút, đại hội thông qua con số kiểm phiếu (đại diện số cổ đông không đồng ý chương trình đại hội), ban kiểm soát cho biết nhóm cổ đông không đồng ý chương trình đại hội chỉ đại diện cho  khoảng 68 triệu 306 nghìn cổ phiếu (tỷ lệ 8,48%); số cổ đông đồng ý tiếp tục chương trình đại hội là 90,99%.

9h 16 phút, nhóm cổ đông không đồng ý này lập tức phản bác, theo nhóm này, họ đại diện cho tới 10,45% vốn chứ không phải con số 8,48% như đại hội công bố, nhóm này cũng phản ứng về việc tại sao lại công bố con số “ma” như thế?

Tuy nhiên, lúc này, các cổ đông ý kiến đều không được chuyền micro để phát biểu.

9h20 phút, đại diện Ngân hàng Nhà nước lên tiếng về việc để khỏi mất thời gian, đề nghị ACB chạy số liệu trên bảng thông tin để cổ đông tiện theo dõi.

9h 30 phút, nhóm cổ đông đại diện cho tỷ lệ 10,45% vốn phát biểu đề nghị dừng đại hội. Theo nhóm này, ngày 13.2, nhóm có làm theo hướng dẫn của HĐQT là đề cử ứng viên vào HĐQT nhiệm kỳ 2018 – 2023 nhưng đến nay lại không có danh sách ứng viên này, cũng không có thông báo của HĐQT ACB trả lời cho nhóm cổ đông về việc này.

“Chúng tôi nghi ngờ HĐQT ACB không đưa danh sách ứng viên này trình cho Ngân hàng Nhà nước, cũng không thấy HĐQT trả lời gì. Chúng tôi cho rằng đại hội này không minh bạch và ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ của nhóm cổ đông lớn như chúng tôi”, đại diện này phát biểu.

9h 40 phút, một cổ đông ý kiến về việc đưa micro cho cổ đông phát biểu để đảm bảo tính dân chủ.

9h42 phút, Cục thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước cho biết, NHNN đã nhận được đầy đủ danh sách 11 ứng viên. Đồng thời, phía NHNN cũng có văn bản số 2509 đồng ý 8 người trong danh sách 11 người mà HĐQT ACB gửi, đáp ứng đủ tiêu chuẩn là thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới; 5 người trong danh sách ứng viên ban kiểm soát cũng chỉ có 4 người đạt tiêu chuẩn.

Mặc dù Cục thanh tra giám sát NHNN đã xác minh thông tin trên là đúng nhưng đại diện nhóm cổ đông phản đối (nắm tỷ lệ 10,45% vốn) vẫn phản ứng và cho biết: Tại sao mới ngày hôm qua NHNN mới thông báo, tại sao ACB không thông báo gấp cho nhóm cổ đông chúng tôi ngay hôm qua. Trong sáng nay, nhóm chúng tôi đã phản ứng ngay từ đầu giờ nhưng không nhận được bất cứ câu trả lời gì? Chúng tôi cho rằng đại hội này phải hoãn lại, chúng tôi sẽ theo duổi tính pháp lý của vụ việc đến cùng...

9h50 phút, đại diện công ty luật của Ngân hàng ACB cho biết, 2 ứng viên gồm ông Nguyễn Duy Hưng (ứng viên HĐQT) và bà Đào Hồng Ngọc (ứng viên ban kiểm soát) đã được ACB gửi đến Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, hồ sơ 2 người này được tách riêng ra vì hai đại diện này đại diện cho nhóm cổ đông có “mâu thuẫn pháp lý” với ngân hàng về mặt nợ xấu xảy ra hồi năm 2012, điều này cũng được giải thích rõ cho NHNN.

“Đến ngày hôm qua mới có danh sách ứng viên HĐQT và thành viên Ban kiểm soát được NHNN duyệt và gửi về. Phía Ngân hàng hôm qua mới biết nên quyết định để sáng nay công bố tại đại hội”, luật sư đại diện của ACB khẳng định.

10h, bà Đặng Ngọc Lan (vợ bầu Kiên) đứng lên cắt ngang để phát biểu về việc không đồng ý với những nhận định của luật sư đại diện. Tuy nhiên, bà Lan bị đại hội phản ứng nên phải ngồi xuống.

Lúc này, đại hội mới chính thức bắt đầu thông qua một số tờ trình.

ACB đủ lực để xử lý nợ xấu, đặc biệt nhóm nợ của Bầu Kiên

Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng Giám đốc ACB cho biết, năm 2017 ngân hàng đã đạt được kết quả tích cực, khá toàn tiện về các mặt tài chính tín dụng điều hành, đảm bảo giám sát mục tiêu cân bằng giữa phát triển kinh doanh và phát triển bền vững. Cụ thể, tổng tài sản của ACB tại thời điểm kết thúc năm 2017 đạt 284.000 tỷ đồng, tăng 22% so với cuối năm 2016, tỷ trọng tài sản có sinh lời trên tổng tài sản tăng từ mức 92% cuối năm 2016 lên 95% năm 2017, mức độ rủi ro thấp. Cơ cấu tài sản có sinh lời chuyển dịch tích cực, với tỷ trọng tài sản có bằng tiền đồng được nâng lên mức 96%, do đó làm giảm áp lực rủi ro tỷ giá.

Quy mô vốn huy động đạt 241.000 tỷ đồng, tăng 17% trong đó nguồn vốn không kỳ hạn tăng mạnh 20% góp phần cải thiện chi phí vốn ở mức hợp lý.

Dư nợ tín dụng đạt 199.000 tỷ đồng, tăng 20%, tín dụng bán lẻ tăng trưởng bán sát định hướng chiến lược của ACB với mức tăng mạnh 25%.

Chất lượng tín dụng cải thiện, quy mô nợ xấu giảm mạnh, tỷ lệ nợ xấu giảm về 0,7%, tỷ lệ nợ quá hạn (nhóm 2 đến nhóm 5) giảm từ 2,1% xuống còn 0,9%. ACB đã xử lý rủi ro trích lập dự phòng 100% cho các tài sản tồn đọng. Quỹ dự phòng đạt 133% tổng quy mô nợ xấu.

Ngoài ra, trong 3 tháng đầu năm 2018, tổng dư nợ tăng 14.000 tỷ đồng, huy động tăng 15.700 tỷ đồng, dư nợ tăng trưởng quý 1 từ cá nhân, lợi nhuận quý I.2018 ước đạt 1.491 tỷ đồng. “Với lợi nhuận quý I.2018 tôi hy vọng năm nay ban điều hành sẽ vượt kế hoạch kinh doanh”, ông Toàn cho biết.

Năm 2018, ACB đặt ra mức NIM là 3,2%, trong đó ACB sẽ tăng cường mảng bán lẻ, điều này đòi hỏi quản lý rủi ro chặt chẽ và đúng quy trình, nếu không sẽ tăng nợ xấu các năm tiếp theo. Tiếp đó là phải xử lý nợ xấu (khoản cho vay không sinh lời), và cân bằng tỷ lệ huy động, cho vay.

“Hiện nay tiền thừa cho vay qua thị trường liên ngân hàng và đầu tư trái phiếu chính phủ, hiện lãi suất TPCP chỉ 3%, cho vay liên ngân hàng 1 tháng cũng chỉ được 3% nên tỷ suất sinh lời rất thấp. Chưa kể, hoạt động ngân hàng hiện nay rất khó, nguồn vốn huy động về mà không cho vay được cũng rất thách thức. Ban điều hành duy trì biên sinh lời 3,2% là nỗ lực đảm bảo mức cổ tức 30% cho cổ đông”, ông Toàn thông tin thêm.

11h 25 phút, đại hội bước sang phần thảo luận. Trước khi thảo luận, ông Võ Văn Thuần, Phó Cục trưởng Cục Thanh tra, Giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết ACB là ngân hàng trải qua thời gian khó khăn, có liên quan nhiều vấn đề về cả con người lẫn hoạt động gây ảnh hưởng đến uy tín và niềm tin, song thời gian gần đây đã được củng cố và điều này đạt được là có sự đồng lòng của cán bộ nhân viên.

Đứng ở góc độ cơ quan quản lý, ông Thuần đề nghị ngân hàng tiếp tục hoạt động đúng quy định và ngày càng phát triển.

11h 36 phút, một cổ đông hỏi về vấn đề nợ xấu và cổ tức. Trả lời câu hỏi của cổ đông, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng Giám đốc ACB cho biết, thời gian vừa qua ACB hoạt động tốt vì thế có đủ lực để trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu, đặc biệt là nợ nhóm "G6" – nhóm 6 công ty của ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên). Riêng về khoản cổ tức, năm nay, ngân hàng dự kiến trả cổ tức 30% để bù đắp những thiệt thòi cho cổ đông các năm qua.

Bà Đặng Ngọc Lan phản ứng lý do loại ông Nguyễn Duy Hưng

img

Bà Đặng Ngọc Lan phản ứng lý do Ngân hàng Nhà nước loại ông Nguyễn Duy Hưng ra khỏi danh sách thành viên HĐQT (Ảnh: Quốc Hải)

12h, bà Đặng Ngọc Lan, vợ ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) xin phát biểu ý kiến. Theo bà Lan, bà chỉ là một trong số các cổ đông đề cử ông Nguyễn Duy Hưng tham gia Hội đồng quản trị ACB và không rõ lý do cụ thể vì sao mà NHNN lại không chấp thuận. Nếu viện lý do ông Hưng có liên quan đến nhóm công ty có quan hệ tín dụng với ACB mà ngân hàng gọi là G6 để loại ông Hưng ra khỏi danh sách thì không ổn. Thời gian qua, bà cùng các công ty vẫn đang nỗ lực để cùng ngân hàng xử lý hết.

Đồng thời, bà Lan cũng đề nghị ông Trần Hùng Huy có ý kiến và tiếp tục làm việc với NHNN để không chỉ ông Nguyễn Duy Hưng mà cả 3 người, trong đó có Tổng Giám đốc Đỗ Minh Toàn, mà theo ACB cho biết là NHNN không chấp thuận, đều có tên trong danh sách bầu nhiệm kỳ mới.

Bà Lan đề nghị đại diện NHNN ghi nhận ý kiến này để đảm bảo quyền lợi của cổ đông.

12h15 phút, một đại diện cho cổ đông sở hữu 3,26% vốn có ý kiến về 8 tờ trình của ngân hàng. Đồng thời, ông này cũng phản ứng về việc chủ tọa đoàn thuê luật sư đến tham gia đại hội.

“Tôi cho rằng, việc thuê luật sư là một điều rất không nên, vì như thế sẽ làm ảnh hưởng đến cổ đông, đến đại hội vì người khác lại nghĩ rằng có sự đối đầu giữa chủ tọa đoàn với cổ đông”, đại diện này nói.

Ngoài ra, ông này cũng đề nghị công bố văn bản về việc không chấp thuận ông Nguyễn Duy Hưng vào danh sách HĐQT vì cổ đông chỉ nghe HĐQT nói chứ không biết “mặt mũi” các văn bản này thế nào?

 Tuy nhiên trả lời câu hỏi của cổ đông này, ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ACB nói cổ đông nên tự đi tìm hiểu từ phía cơ quan quản lý.

12h30 phút, đại hội tiến hành biểu quyết 8 tờ trình và công bố kết quả bầu HĐQT, Ban kiểm soát.

img

Kết quả bầu cử thành viên HĐQT, tất cả các ứng viên trong danh sách đều trúng cử; trong đó, ông Trần Hùng Huy (tỷ lệ 88,29%), ông Nguyễn Thành Long (86,4%), bà Đinh Thị Hoa (82,68%), ông Dominic Timothy Charles Scriven (97,15%), bà Đặng Thu Thủy (86,22%), ông Đàm Văn Tuấn (82,47%); ông Hiệp Văn Võ (85,34%) và ông Huang  Yuan Chiang (82,27%).

Ngoài ra, đại hội cũng thông qua tất cả các tờ trình của HĐQT với tỷ lệ đồng thuận là trên dưới 86%, có hơn 13% cổ đông không đồng ý.

Kết thúc đại hội, ông Trần Hùng Huy tiếp tục làm Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Thành Long làm Phó Chủ tịch HĐQT, ông Huỳnh Nghĩa Hiệp làm Trưởng BKS.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem