Sẽ có một cuộc chia tay ở ACB?

Thứ sáu, ngày 08/04/2016 11:28 AM (GMT+7)
Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 sắp tới, Ngân hàng TMCP Á châu (ACB) sẽ trình cổ đông xem xét việc xin từ chức của ông Julian Fong Loong Choon, thành viên hội đồng quản trị, đại diện cho 15% vốn của Ngân hàng Standard Chartered Bank. Cho phép rút khỏi hội đồng quản trị là quyền của đại hội cổ đông, và cổ đông ACB có quyền làm việc đó.
Bình luận 0

img

Mối quan tâm của giới tài chính đối với ACB hiện không chỉ ở sự thay đổi nhân sự hội đồng quản trị, mà còn là giá mua bán 15% cổ phần của Standard Chartered Bank ở ACB mà thôi. Ảnh: Kinh Luân

Tuy nhiên mối quan tâm của giới tài chính đối với ACB hiện không chỉ ở sự thay đổi nhân sự hội đồng quản trị. Động thái của ông Julian Fong Loong Choon không mang tính riêng lẻ, nó là sự tiếp nối việc ba tháng trước ông Vijay Maheshwari, cũng đại diện cho Standard Chartered Bank, từ nhiệm khỏi vị trí giám đốc tài chính. Lý do rút lui nhân sự của đối tác nước ngoài được ghi nhận bởi Standard Chartered Bank đang chịu áp lực cắt giảm chi phí sau các khoản thua lỗ đến từ các thị trường mới nổi.

Standard Chartered Bank có thể sẽ chuyển nhượng khoản đầu tư ở ACB? Thị trường chưa biết, nhưng trong giới tài chính nước ngoài ở TPHCM đã có một vài tiếng nói thể hiện sự sẵn sàng mua lại.

Việc chuyển nhượng cổ phần của tổ chức từ 5% trở lên, nhất là của nước ngoài, phải được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước. Theo quy định, các bên có thể thỏa thuận điều khoản mua/bán, trình NHNN xem xét phương án. Bên mua phải đáp ứng được những tiêu chí quy định cho từng thời kỳ. Việc chuyển nhượng cổ phần từ nước ngoài cho đối tác trong nước thường dễ dàng hơn. Nếu Standard Chartered Bank chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần nắm giữ thì bắt buộc phải có sự đồng ý của NHNN.

Standard Chartered Bank trở thành cổ đông chiến lược của ACB từ tháng 7-2005, thời điểm cổ phiếu ngân hàng bắt đầu ở chân một con sóng lớn mà thị trường tài chính Việt Nam cho đến lúc đó chưa hề biết tới. Giới tài chính quốc tế, đặc biệt các ngân hàng ngoại lẳng lặng tìm hiểu các tổ chức tín dụng Việt Nam khi thông tin về việc Việt Nam đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) được đăng tải ngày một rầm rộ hơn trên các phương tiện truyền thông.

Nếu tính theo giá gần nhất ngày 4-4-2016 là 18.300 đồng/cổ phiếu, 15% cổ phần của Standard Chartered Bank trị giá 2.574 tỉ đồng, tức 115,4 triệu đô la Mỹ. Số tiền này đã thấp hơn số tiền mà Standard Chartered Bank bỏ ra mua lại số cổ phần ACB mà IFC sở hữu năm 2008.

Trước đó tháng 3-2005 ngân hàng ANZ tuyên bố đã mua 10% cổ phần Sacombank với giá tới 27 triệu đô la Mỹ.

Đầu năm 2008 Standard Chartered Bank bày tỏ ý định nâng sở hữu cổ phần tại ACB. Lúc đó một cổ đông ngoại khác của ACB là Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) cũng đồng ý chuyển nhượng cổ phần của họ ở ACB cho Standard Chartered Bank.

Ngày 5-5-2008, ACB và Standard Chartered Bank công bố thỏa thuận, theo đó Standard Chartered Bank mua thêm 6,16% cổ phần và 7,1% trái phiếu chuyển đổi của ACB, nâng tỷ lệ sở hữu tại đây lên 15% cổ phần và 15,86% trái phiếu chuyển đổi, trong đó có phần bán của IFC. Ngày 24-7-2008, IFC bán thỏa thuận ngoài hệ thống 16,2 triệu cổ phần ACB cho Standard Chartered Bank với giá 140.000 đồng/cổ phiếu.

Như vậy Standard Chartered Bank đã bỏ ra thêm 2.268 tỉ đồng, tương đương 135 triệu đô la Mỹ (tỷ giá khi đó 16.800 đồng/đô la Mỹ) để sở hữu phần cổ phiếu, chưa kể tiền mua trái phiếu chuyển đổi. Giá này cao hơn hai lần thị giá trên sàn ngày hôm đó của ACB là khoảng 68.000 đồng/cổ phiếu.

Hiện tại nhìn lại, giá trên quả là “trên trời”, nhưng nếu nhớ rằng thị giá ACB đã có thời điểm vượt 300.000 đồng/cổ phiếu và cổ phiếu các ngân hàng khác mười mấy chấm, thì khái niệm đắt rẻ trong thương vụ của Standard Chartered Bank chỉ mang tính tương đối.

Hơn nữa năm 2007 là năm mà ACB lần đầu tiên trong lịch sử của chính nó cán mức lợi nhuận trước thuế 110 triệu đô la Mỹ, bỏ xa các tổ chức tín dụng khác ở phía sau. Tổng giám đốc ACB thời ấy ông Lý Xuân Hải xác nhận 10 tháng đầu năm 2007 ACB đã đạt lợi nhuận hợp nhất gần 1.650 tỉ đồng, trong khi Sacombank cùng thời gian trên (đứng thứ hai trên thị trường) đạt 1.100 tỉ đồng, còn Eximbank ở vị trí thứ ba 550 tỉ đồng. Khoảng cách rất lớn!

Standard Chartered Bank sẽ chuyển nhượng cổ phiếu ACB, nếu có, ở mức giá nào? Sau nhiều lần chia thưởng, tách cổ phiếu và trả cổ tức bằng tiền (ACB từ khi niêm yết năm nào cũng trả cổ tức bằng tiền, cao thì 20%/năm, thấp nhất cũng 7%/năm), thị giá ACB cao nhất là 60.000 đồng, tương đương mức giá 300.000 đồng trên thực tế. Giá 140.000 đồng/cổ phần mà Standard Chartered Bank đã trả, nay tương đương khoảng 28.000 đồng/cổ phiếu.

Hiện vốn điều lệ của ACB gần 9.377 tỉ đồng; 15% cổ phần của Standard Chartered Bank là 140,65 triệu cổ phiếu. Nếu tính theo giá gần nhất ngày 4-4-2016 là 18.300 đồng/cổ phiếu, số cổ phiếu của Standard Chartered Bank trị giá 2.574 tỉ đồng, tức 115,4 triệu đô la Mỹ. Số tiền này đã thấp hơn số tiền Standard Chartered Bank bỏ ra mua lại của IFC năm 2008, chưa tính giá vốn mua đợt đầu tiên.

Tất nhiên, thị trường tài chính hiểu rõ ngay cả trong trường hợp cần thoái vốn, Standard Chartered Bank sẽ không bán chính xác theo mức giá trên sàn. “Giá bán sẽ phải đảm bảo cho họ có lời” - phó tổng giám đốc một công ty chứng khoán lớn, đơn vị đã từng tư vấn và môi giới thành công nhiều thương vụ M&A giữa các tổ chức ngoại, nhận xét. Ông dự đoán mức giá 25.000-30.000 đồng/cổ phiếu đối với việc chuyển nhượng một “cục” 15% cổ phần ACB là có thể chấp nhận được. Nếu được thế, Standard Chartered Bank sẽ có lời cho khoản đầu tư ở ACB. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài bởi nó minh chứng phần lớn các khoản đầu tư của khối ngoại vào lĩnh vực ngân hàng Việt Nam đều mang lại lợi nhuận.

Hải Lý (Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem