Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, bà Khiếu kể: “Vợ chồng tôi quê ở xã Yên Thái, huyện Yên Mô. Thực hiện chủ trương của Nhà nước khuyến khích người dân đi khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới, vợ chồng tôi lên Đông Sơn. Ngày mới lên đây, con còn nhỏ dại, lại phải lo chạy ăn từng bữa, nhiều lúc vợ chồng tôi định bỏ về quê, nhưng rồi lại động viên nhau ở lại trồng khoai, sắn, cấy lúa...".
|
Lợn rừng là vật nuôi cho thu nhập cao ở trang trại bà Khiếu. |
Năm 1999, Nhà nước có chính sách trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc, vợ chồng bà mua cây keo về trồng trên các khu vực đồi cao quanh nhà. Sau vài năm, đồi keo của gia đình bà bán được hơn 20 triệu đồng.
Có tiền, ông bà đầu tư nuôi con đặc sản. “Ban đầu, vợ chồng tôi chỉ đủ tiền mua một con hươu cái, mang gửi sang trang trại hàng xóm, khi hươu mẹ đẻ, chúng tôi mới mang về nuôi, rồi mua thêm hươu đực nuôi cùng. Cứ thế, đàn hươu tăng lên hơn chục con. Tiền bán hươu, vợ chồng tôi mua nhím, lợn rừng về nuôi...”- bà Khiếu tâm sự.
Khi kinh tế gia đình bà đang lên như diều gặp gió, thì chồng bà gặp căn bệnh ung thư gan quái ác. "Để chạy chữa cho chồng, tôi dùng hết tiền bạc, vốn liếng làm ăn mà vẫn phải vay mượn thêm anh em, họ hàng... Nhưng rồi cũng không cứu được ông ấy. Chồng tôi qua đời, để lại một khoản nợ lớn và 2 con đang tuổi ăn, tuổi học. Tôi nghĩ đến 2 đứa con mà cố sống và làm lại từ đầu"- bà Khiếu tâm sự.
Bà lại lao vào làm, số tiền nợ dần dần trả hết. “Hiện trang trại nhà tôi đang có gần 50 con hươu và nhím, hơn 20 con lợn rừng đang sắp xuất chuồng cộng với tiền bán gỗ. Trung bình một năm gia đình tôi thu về hơn 200 triệu đồng" - bà Khiếu vui mừng khoe.
Ngoài việc làm giàu cho gia đình, bà còn thường xuyên vận động các hộ gia đình trong thôn, xã làm theo mình. Ai cần hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi, bà sẵn sàng chia sẻ. Ai thiếu vốn bà cho mượn. Không ít hộ được bà hỗ trợ đã cải thiện thu nhập.
Trần Quang
Vui lòng nhập nội dung bình luận.