Bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát đối diện khung hình phạt nào khi bị đề nghị truy tố 3 tội?
Bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát đối diện khung hình phạt nào khi bị đề nghị truy tố 3 tội danh?
Chinh Hoàng
Thứ ba, ngày 11/06/2024 14:49 PM (GMT+7)
Từ giai đoạn 1 đến giai đoạn 2 vụ Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan đã có sự chuyển biến về nhận thức và ý thức pháp luật, đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình trong việc ra chủ trương phát hành trái phiếu, sử dụng sai mục đích dẫn đến hậu quả đặc biệt lớn cho người dân.
Trương Mỹ Lan lập 25 gói trái phiếu "khống" bán cho nhà đầu tư không có khả năng thu hồi
Kết luận điều tra vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 cho thấy, với chuỗi hành vi, thủ đoạn liên tiếp, các bị can trong vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 đã hoàn thành hành vi gian dối trong hoạt động phát hành 25 gói trái phiếu "khống" của 4 công ty An Đông, Quang Thuận, Sunny Word và Setra, bán cho nhà đầu tư, thu về tổng số hơn 30 ngàn tỷ đồng để sử dụng. Đến nay còn dư nợ hơn 30 ngàn tỷ đồng của 35.824 trái chủ và không có khả năng thu hồi.
Trong vụ án này, bà Trương Mỹ Lan cũng bị đề nghị truy tố thêm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Khoản 4 Điều 174; tội "Rửa tiền" theo Khoản 3 Điều 324; tội "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” theo Khoản 3 Điều 189 Bộ luật hình sự. Như vậy, với 3 tội danh bị đề nghị truy tố nêu trên, bà Trương Mỹ Lan sẽ đối diện với mức án cao nhất là tù chung thân.
Theo cơ quan điều tra, từ giai đoạn 1 đến giai đoạn 2, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát đã có sự chuyển biến về nhận thức và ý thức pháp luật, đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình trong việc ra chủ trương phát hành trái phiếu, sử dụng sai mục đích dẫn đến hậu quả đặc biệt lớn cho người dân.
"Bà Trương Mỹ Lan thừa nhận việc ra chủ trương phát hành trái phiếu của các công ty thuộc tập đoàn là trái quy định pháp luật, vì không dùng tiền phát hành trái phiếu vào việc đầu tư, sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu thực tế để đảm bảo việc trả nợ trái phiếu mà dùng để xử lý các khoản tài chính cho Ngân hàng SCB, dẫn đến không có khả năng chi trả.
Đồng thời, bà Lan đã nhận trách nhiệm về việc đền bù thiệt hại, hoàn trả lại tiền cho các trái chủ, xin sử dụng các tài sản kê biên, phong tỏa, ngăn chặn hoặc thu hồi trong các vụ án để ưu tiên trả nợ cho các trái chủ", kết luật điều tra nêu.
Vẫn theo kết luận điều tra, bị cáo Lan cũng đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, có nhân thân tốt, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và gia đình đã nộp tiền khắc phục một phần hậu quả. Do đó, cơ quan điều tra đề nghị xem xét khi lượng hình.
Cạnh đó, bà Lan mong muốn những cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc sử dụng tiền huy động được từ trái phiếu của các công ty này phải cùng có trách nhiệm để đảm bảo việc trả hết nợ và lãi trái phiếu cho người dân.
Trong giai đoạn 1 của vụ án bà Trương Mỹ Lan bị HĐXX tại TAND TP.HCM tuyên án tổng hợp tử hình về các hành vi đưa hối lộ, tham ô tài sản, vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng. Bà Lan đã gửi đơn kháng cáo toàn bộ bản án này nên án chưa có hiệu lực.
Trong bản án ban hành ngày 11/4, TAND TP.HCM giao và kiến nghị C03 Bộ Công an tiếp tục điều tra, làm rõ một số dấu hiệu tội phạm liên quan bà Trương Mỹ Lan.
Đầu tiên, tòa án tuyên tiếp tục kê biên 76 quyền sử dụng đất tại huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai); giao cho C03 để điều tra, xử lý hành vi sai phạm của một số đối tượng đứng tên hộ tài sản cho Trương Mỹ Lan.
Tương tự, có 16 quyền sử dụng đất tại xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TP.HCM) cũng bị tuyên tiếp tục kê biên để giao C03 điều tra, giải quyết trong giai đoạn 2 vụ án. Tổng diện tích của khu đất này khoảng 1ha, thuộc Dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiểng.
Tòa án cũng đề nghị C03 tiếp tục điều tra, làm rõ việc Trương Mỹ Lan sử dụng tiền thông qua Công ty Vivaland để mua cổ phần của các cổ đông sở hữu Công ty Amaland. Từ đó, có căn cứ thu hồi số tiền này từ Công ty Amaland PTE.LTD (trụ sở chính tại Singapore) để Trương Mỹ Lan khắc phục hậu quả vụ án.
Được biết, bà Lan đã dùng 147 triệu USD để thông qua Công ty Vivaland, mua cổ phần của Công ty Amaland. Còn Amaland lại sở hữu 100% cổ phần tại Công ty Việt Sinh – chủ đầu tư Khu đô thị và tái định cư Sinh Việt (huyện Bình Chánh, TP.HCM)...
Bà Trương Mỹ Lan liệu có thoát án tử?
Theo luật sư Trương Văn Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM), ở giai đoạn 1 vụ án, bản án chưa có hiệu lực do bà Trương Mỹ Lan đã kháng cáo, về nguyên tắc áp dụng hình phạt tử hình, tại điểm c khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 quy định, đối với tội Tham ô tài sản, người phạm tội sẽ được Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm xem xét lại án tử hình đã được Tòa án cấp sơ thẩm tuyên trước đó nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau: Chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô và tích cực hợp tác với cơ quan chức năng trong quá trình giải quyết vụ án hoặc lập công lớn.
Do đó, nếu trong quá trình tố tụng bà Trương Mỹ Lan thỏa mãn các điều kiện trên thì sẽ được xem xét lại bản án tử hình đã được Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm tuyên. Lúc này, căn cứ theo khoản 4 Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 hình phạt tử hình sẽ có thể được chuyển xuống chung thân.
"Như vậy, pháp luật quy định phải thỏa mãn cả hai yếu tố, nên trong trường hợp bà Lan chỉ chủ động nộp lại ít nhất 3/4 số tiền, hay tài sản đã bị cáo buộc tham ô mà không tích cực hợp tác với cơ quan chức năng trong quá trình giải quyết vụ án hoặc lập công lớn thì vẫn có thể chưa đủ điều kiện để xem xét lại bản án tử hình đã được Tòa án cấp sơ thẩm tuyên theo quy định kể trên", luật sư Tuấn phân tích.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.