Bà Trương Mỹ Lan xin lại 2 túi Hermes bạch tạng, quy định pháp luật thế nào?

Quang Trung Thứ ba, ngày 01/10/2024 08:56 AM (GMT+7)
Bà Trương Mỹ Lan cho biết, quá trình điều tra bị thu giữ 2 túi Hermes bạch tạng. Tại tòa, người phụ nữ nói trị giá 2 túi này không lớn nên xin lại để làm kỷ niệm cho con cháu. Luật sư đã nêu dẫn các quy định của pháp luật về việc trả lại tài sản bị thu giữ trong vụ án...
Bình luận 0

Bà Trương Mỹ Lan xin lại 2 túi Hermes bạch tạng làm kỷ niệm

Những ngày qua, truyền thông và dư luận trong nước xôn xao trước thông tin trong phiên tòa ngày 27/9, bị cáo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, xin lại 2 chiếc túi Hermes bạch tạng và nhiều tài sản bị cơ quan thu giữ trước đó nhằm phục vụ công tác điều tra.

Cụ thể, tại tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan khai quá trình điều tra bị kê biên nhiều tài sản, trong số đó, có 3 sổ tiết kiệm của con gái. Bà chủ Vạn Thịnh Phát nói đây là số tiền nhỏ để những người con của mình chi tiêu.

Khi được hỏi con gái có mặt tại tòa không, bà Lan đáp: Cháu đang đi chữa bệnh và không có mặt tại Việt Nam.

Đồng thời, bà Lan nói quá trình điều tra bị nhà chức trách thu giữ nhiều đồ dùng cá nhân như túi xách, điện thoại, giày dép.

"Khi bị bắt, bị cáo bị thu giữ 2 túi Hermes bạch tạng. Một chiếc tôi mua tại Italia và chiếc còn lại tôi được một đại gia người Malaysia tặng. Trị giá hai chiếc túi này không đáng là bao nhiêu so với công sức bị cáo bỏ ra vì tài sản bị cáo rất lớn. Bị cáo đề nghị HĐXX cho bị cáo xin lại làm kỷ niệm để lại cho con cháu", bà Mỹ Lan nói tại tòa.

Bà Trương Mỹ Lan xin lại 2 túi Hermès bạch tạng, quy định pháp luật thế nào? - Ảnh 1.

Bị cáo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại tòa. Ảnh: C.H.

Quy định của pháp luật về việc trả lại tài sản trong vụ án

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết, tại phiên tòa hình sự, việc HĐXX hỏi bị cáo về việc xử lý vật chứng vụ án cũng như việc bị cáo đề nghị về vấn đề xử lý vật chứng vụ án là thủ tục tố tụng bình thường.

Bị cáo có quyền đề nghị HĐXX xem xét trả lại những vật chứng trong trường hợp vật chứng đó không phải do phạm tội mà có, không mang dấu vết của tội phạm, không phải công cụ phương tiện phạm tội...

Đối với bà Trương Mỹ Lan trong vụ án Vạn Thịnh Phát, có lẽ đây là bị cáo nắm giữ số tài sản lớn nhất trong lịch sử tố tụng hình sự Việt Nam. Số tiền, tài sản mà bà này sở hữu cũng như bị cáo buộc thực hiện hành vi phạm tội, chiếm đoạt tài sản, tài sản liên quan đến hành vi phạm tội là đặc biệt lớn.

Khi giải quyết vụ án hình sự, ngoài việc xác định nguyên nhân, động cơ phạm tội, làm rõ nhân thân người phạm tội, hành vi phạm tội, xác định hậu quả đã gây ra đối với xã hội, cơ quan tiến hành tố tụng cũng sẽ thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh tội phạm, thu thập các vật chứng, phong tỏa, kê biên, niêm phong các tài sản có liên quan đến tội phạm...

Vì thế, khi giải quyết vụ án hình sự, ngoài việc xác định tội danh và mức hình phạt, tòa án còn phải giải quyết các vấn đề có liên quan khác như vấn đề án phí và xử lý vật chứng.

Theo ông Cường, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự có quyền: Trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó.

Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án; Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản, có thể được bán theo quy định của pháp luật; trường hợp không bán được thì tiêu hủy.

Vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai, ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng, giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Bởi vậy, theo luật sư, bà Trương Mỹ Lan cũng như các bị cáo khác đưa ra yêu cầu, đề nghị về việc xử lý vật chứng đó là quyền của bị cáo trong vụ án hình sự. Việc tòa án có chấp nhận hay không sẽ căn cứ trên cơ sở các quy định của pháp luật.

Nếu những chiếc túi xách Hermes bạch tạng và những đồ vật, tài sản khác không phải là tài sản do phạm tội mà có, không phải là vật cấm tàng trữ, lưu hành, không phải là công cụ, phương tiện phạm tội, có thể được trả lại theo yêu cầu của bị cáo.

"Trong quá trình nghị án, HĐXX sẽ xem xét đối với yêu cầu của các bị cáo về việc xử lý vật chứng để xác định vật chứng đó có liên quan đến tội phạm hay không, có là công cụ phương tiện phạm tội hay không, có phải là vật cấm tàng trữ lưu hành hay không... để xem xét có chấp nhận việc trả lại cho bị cáo hai cái túi xách đó hay không" – ông Cường thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem