"Ba viết về thầy cô ít thôi, kẻo hỏng hết bọn con!"

Trần Đáng Chủ nhật, ngày 08/04/2018 16:56 PM (GMT+7)
Vừa chuẩn bị dắt xe đưa hai đứa nhỏ đi học, kênh truyền hình bất ngờ thông tin một học sinh ở Quảng Bình đâm thầy giáo trọng thương.
Bình luận 0

“Lại nữa rồi!”, con bé nhỏ đang học lớp hai thốt lên. Rồi bé quay sang kề tai tôi nói nhỏ: “Ba viết về thầy cô ít thôi, kẻo hỏng hết bọn con”.

img

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu (đứng) tại buổi làm việc xử lý vụ “Cô giáo im lặng trong giờ dạy”.

Tôi sững sờ. Rồi phản xạ tức thời, tôi hỏi con bé: “Ai bảo con nói vậy?”. “Cô giáo con đọc báo ba hoài. Hôm qua, trước khi tan lớp, cô bảo con về bảo ba như thế”, con bé nói xong cắm cúi đi.

Lời con trẻ “cảnh báo” khiến tôi nhột nhạt. Đúng là tôi có tham gia đưa tin, bài về vụ “cô giáo quỳ gối xin lỗi phụ huynh” ở Long An. Mặc dù viết có chừng mực, khách quan, nhưng…

Thời gian gần đây ngành giáo dục liên tục bị “sao La Hầu chiếu". Hết “phụ huynh bắt cô giáo quỳ gối xin lỗi”, “giáo viên bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng”, đến “học sinh đánh hội đồng” và “đâm trọng thương thầy giáo”, vụ “cô giáo im lặng trong giờ dạy” v.v…

Đúng là xã hội hiện nay nhìn nhận giáo dục khắt khe hơn bởi đây là ngành liên quan đến rất nhiều người. Bởi nó đang diễn ra những trò “quái quỷ” nên là cơ hội không thể tốt hơn để các báo nhảy vào "câu" view bất tận.

Sau khi “chém” vụ “Cô giáo quỳ gối xin lỗi phụ huynh”, một tờ báo điện tử nọ cho bạn đọc tha hồ comment với những lời lẽ “rất không đẹp” với cả phụ huynh lẫn cô giáo.

img

Trường tiểu học Bình Chánh (Long An) – nơi xảy ra vụ “Cô giáo quỳ gối xin lỗi phụ huynh”.

Một cán bộ thông tin truyền thông của tỉnh nọ ca thán, giới truyền thông quá sa đà vào những câu chuyện bê bối của ngành giáo dục. Anh đặt vấn đề, có phải vì thiếu tin tức mà báo chí trút hết nỗi “bức xúc xã hội” vào thầy cô giáo? Nếu vậy, không chỉ có hại với thầy cô, mà còn gây thiệt thòi cho cả học sinh. Bởi không phải thầy cô nào cũng thế mà báo chí viết lên như đang vẽ nên một bức tranh, toàn ngành giáo dục hiện nay là như thế.

Ai cũng biết, trong xã hội, nhất là trong ngành giáo dục, những hành vi đó là không nên, không hay. Nhưng báo chí cứ "say sưa" với những hành vi đó, thậm chí bới móc thêm những cái liên quan, vô hình trung thay vì đả kích, bài trừ cái xấu để xã hội tốt đẹp hơn, lại khơi gợi những cái xấu cho bạn đọc.

Lúc này chức năng giáo dục của báo chí đã phản tác dụng. Vai trò định hướng giá trị và góp phần xây dựng hệ giá trị cho thế hệ trẻ không chỉ bằng 0 mà còn gây tác dụng phụ.

Mà đối tượng cụ thể chịu thiệt thòi nhất trong những sự vụ này là học sinh -  những tâm hồn còn non trẻ khi đối diện với những cái xấu dồn dập của ngành, của thầy cô, của bạn học.

Tôi không buồn, thậm chí phải cảm ơn cô giáo con gái tôi đã có lời “cảnh tỉnh”.

Tôi nghĩ, mình sẽ cần nâng tính nhân văn trong cách nhìn nhận cao hơn thì chắc chắn thể hiện vấn đề theo hướng tích cực hơn.

Tôi không mong chờ cuối năm đi họp lớp lại phải nghe cô giáo con gái tôi nhắc nhở: “Anh viết về chúng tôi ít thôi, kẻo hỏng hết học sinh!".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem