Thuận Thảo gánh lỗ 1.242 tỷ đồng
Công ty CP Thuận Thảo, doanh nghiệp gắn liền với tên tuổi nữ doanh nhân Võ Thị Thanh mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý IV.2018 với kết quả kinh doanh tiếp tục sa sút.
Công ty CP Thuận Thảo (GTT) của "bông hồng vàng" Võ Thị Thanh từng là một doanh nghiệp có tiếng tăm trên cả nước trước khi sa sút. (Ảnh: I.T)
Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Thuận Thảo trong quý IV.2018 chỉ đạt 4,08 tỷ đồng, giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, giá vốn hàng bán của doanh nghiệp lại tăng 6,1% lên 2,918 tỷ đồng. Cùng với đó, Thuận Thảo vẫn phải gánh khoản chi phí lãi vay lên tới 26,5 tỷ đồng.
Kết quả, doanh nghiệp kết thúc quý IV.2018 với số lỗ 40,58 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2017. Tính chung cả năm 2018, hoạt động kinh doanh của Thuận Thảo chỉ ghi nhận 30 tỷ đồng doanh thu, giảm 38% so với năm trước. Đồng thời, doanh nghiệp cũng ghi nhận khoản lỗ ròng 162 tỷ đồng, nâng tổng số lỗ lũy kế lên 1.242 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của Thuận Thảo ở thời điểm 31.12.2018 đã âm tới 795 tỷ đồng.
Quan sát báo cáo tài chính quý IV.2018 của Thuận Thảo, dễ dàng nhận thấy nguyên nhân gây ra khoản lỗ trong năm 2018 chính là chi phí lãi vay, với số tiền lên tới 105,5 tỷ đồng. Thậm chí, chưa cộng các khoản chi phí giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng và quản lý, doanh thu thuần chỉ hơn 30 tỷ đồng khôn bằng 1/3 số tiền lãi vay Thuận Thảo phải trả trong 2018.
Tại thời điểm 31.12.2018, Thuận Thảo tiếp tục ghi nhận khoản tiền 400 tỷ đồng cho vay và 53,6 tỷ đồng phải thu khác đối với Công ty CP Thuận Thảo Nam Sài Gòn. Số tiền kể trên đều đã được Thuận Thảo trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi.
Khách sạn CenDeluxe Hotel, một trong số nhiều dự án bất động sản của Thuận Thảo. (Ảnh: I.T)
Trước đó, trong báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2018 của Công ty CP Thuận Thảo đã được soát xét bởi Công ty kiểm toán AASCN, kiểm toán viên từng bày tỏ quan điểm về sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Thuận Thảo khi doanh nghiệp này lỗ lũy kế hơn 1.159 tỷ đồng, vượt quá vốn chủ sở hữu. Thêm vào đó, các khoản nợ ngắn hạn cũng đã vượt quá tài sản ngắn hạn 1.322 tỷ đồng.
Còn khoản cho vay và lãi cho vay đã quá hạn thanh toán chưa thu hồi với số tiền gần 454 tỷ đồng. Trong khi đó, các khoản vay đến hạn trả và lãi vay chưa thanh toán xấp xỉ 1.206 tỷ đồng. Và các khoản thuế và lãi phạt chậm nộp thuế 127 tỷ đồng.
BĐS của "bông hồng vàng" Võ Thị Thanh tiếp tục hạ giá
Một tin không vui khác với cổ đông Thuận Thảo cũng như nữ đại gia Võ Thị Thanh là trải qua nhiều lần đấu giá bất thành, Công ty CP Đấu giá Lam Sơn tiếp tục phải đưa ra thông báo đấu giá toàn bộ khoản nợ của một khách hàng doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Thuận Thảo Nam Sài Gòn - doanh nghiệp do bà Võ Thị Thanh thành lập từ năm 2004 với mục tiêu lấn sân bất động sản, và 95 khách hàng cá nhân, với tổng dư nợ là 2.378 tỷ đồng vào những ngày đầu năm 2019.
Giá khởi điểm cho các khoản nợ trên là 761 tỷ đồng, giảm tới 37% giá trị so với mức giá ở lần rao bán đầu tiên là 1.208 tỷ đồng. Mức khởi điểm lúc đầu của khoản nợ này là 845 tỷ đồng. BIDV sau đó đề xuất điều chỉnh tăng giá khởi điểm lên 1.208 tỷ đồng do xác định lại giá của tài sản thu hồi từ công ty Thuận Thảo, đồng thời kéo dài thời hạn lựa chọn tổ chức đấu giá. Tuy nhiên, phiên đấu giá vẫn thất bại nên BIDV và VAMC chủ động giảm giá cho lần đầu giá thứ hai và thứ ba lần lượt còn 1.090 tỷ đồng và 984 tỷ đồng.
Thuận Thảo là chủ đầu tư nhiều công trình biểu tượng tại Phú Yên như Resort & Spa Golden Beach. (Ảnh: I.T)
Đây là các khoản nợ thuộc sở hữu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Tài sản đảm bảo cho các khoản nợ gồm 3 bất động sản và 5,2 triệu cổ phiếu của công ty CP Thuận Thảo (GTT) thuộc sở hữu của bà Võ Thị Thanh. Trong đó bao gồm các bất động sản tại địa chỉ 100B, đường Bùi Thị Xuân, phường Bến Thành, Quận 1, TP.HCM (diện tích đất: 275,04 m2); bất động sản tại Khu phố 2, Thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM (16,6 ha); và bất động sản tại Khu phố 4, Thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM (5,4 ha).
Đại gia Võ Thị Thanh “lực bất tòng tâm”
Việc Thuận Thảo - một doanh nghiệp lớn tại Phú Yên và có tiếng tăm trên cả nước, trải qua năm thứ 5 liên tiếp báo lỗ giờ đây đã trở thành điều quen thuộc đối với giới đầu tư. Đặc biệt, từ sau thời điểm Thuận Thảo mở rộng hoạt động kinh doanh sang nhiều lĩnh vực mới như dịch vụ lữ hành, chăm sóc sắc đẹp, sản xuất nước uống tinh khiết… doanh nghiệp này rơi vào tình trạng nợ nần, thua lỗ triền miên.
Khi giải trình về kết quả kinh doanh của Thuận Thảo, bà Võ Thị Thanh đều lặp lại những lý do cũ như chưa khai thác hết lợi thế của Thuận Thảo về thương hiệu, đã nỗ lực trong công tác thu hồi công nợ từ những năm trước nhưng thu hồi không được...
Cụ thể, trong văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước với nội dung giải trình về lợi nhuận sau thuế quý IV.2018, bà Võ Thị Thanh cho biết, các tài sản của Công ty đã hoạt động nhiều năm và xuống cấp. trong khi đó, Thuận Thảo lại gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay để có nguồn vốn đầu tư nâng cấp, bổ sung nhằm phát huy hiệu quả kinh doanh.
Cùng với đó, việc đầu tư dự án Khu du lịch Sinh thái dàn trải, dịch vụ trùng lắp, cơ sở hạ tầng xuống cấp ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ. Dự án Khách sạn đầu tư với tiêu chuẩn quá tầm so với thị trường địa phương nên việc khai thác không hiệu quả.
Bà Võ Thị Thanh cũng cho biết, Thuận Thảo đã nỗ lực trong công tác thu hồi công nợ từ những năm trước nhưng thu hồi không được nên đã ảnh hưởng đến nguồn vốn dẫn đến tình hình tài chính khó khăn, công ty lại không còn vốn lưu động để sản xuất kinh doanh, không cân đối được nguồn vốn trả nợ thuế, ngân hàng dẫn đến phát sinh chi phí chậm nộp thuế, lãi vay.
Ngoài ra, bà Thanh cũng nhìn nhận, việc tái cấu trúc của Công ty chưa thật sự mang lại hiệu quả. Trong khi đó, Thuận Thảo vẫn chịu các khoản chi phí bất biến như chi phí tiền lương, chi phí khấu hao, chi phí quản lý doanh nghiệp và đặc biệt là chi phí tài chính, chi phí chậm nộp thuế.
Để khắc phục những vấn đề trên, bà Võ Thị Thanh tiếp tục đưa ra những giải pháp từng được ông Võ Hoàng Chương, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thuận Thảo nêu ra như sẽ thực hiện thanh lý, chuyển nhượng tài sản để giảm nợ ngân hàng, nợ thuế, nợ cá nhân; đồng thời xử lý các tài sản thế chấp hiện đang vay vốn tại các ngân hàng theo đúng luật định.
Tiếp đó, sẽ tập trung thu hồi các công nợ để có vốn đầu tư. Ưu tiên thực hiện nghĩa vụ về thuế và các chính sách cho người lao động (lương, BHXH).
Ngoài ra, bà Thanh cho biết, sẽ tìm nhà đầu tư, hợp tác liên doanh – liên kết để huy động nguồn vốn. Cùng với đó, Công ty sẽ cố gắng kiện toàn hệ thống quy trình, tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.