Bắc Giang: Chợ Vân tồn tại thế nào trong khu di tích Đình chợ Vân thuộc ATK II Hiệp Hòa?

Ngọc Lê- Nguyễn Chương Thứ năm, ngày 24/02/2022 17:21 PM (GMT+7)
Khu di tích Đình chợ Vân gồm 3 cụm quần thể (đình, chợ và hồ) thuộc an toàn khu (ATK II) Hiệp Hòa (Bắc Giang) tồn tại đã hơn 50 năm. Cùng với thời gian, chợ ở đây phát triển quá nhanh và dẫn tới sự thay đổi trong cụm di tích. Câu hỏi đặt ra hiện nay là, chợ sẽ tồn tại thế nào trong bối cảnh mới?
Bình luận 0

Chợ đang "lấn" đình

Từ Hà Nội xuôi lên Hiệp Hòa không mất nhiều thời gian, chúng tôi đã có mặt ở khu di tích Đình chợ Vân. Đình chợ Vân hiện nằm trên địa bàn xã Hòang An, huyện Hiệp Hòa. Chợ ở đây được họp theo phiên vào các ngày 2, 4, 6, 8 âm lịch. Cụm di tích này hiện có 3 khu liền nhau, cao nhất là khu đình và nhà lưu niệm ATK II, bên dưới là chợ và trước mặt là ao. Cả 3 khu đều đã được trùng tu, cải tạo khang trang.

Bắc Giang: Chợ Vân tồn tại thế nào trong khu di tích Đình chợ Vân thuộc ATK II Hiệp Hòa? - Ảnh 1.

Toàn bộ cụm di tích Đình chọ Vân nhìn từ trên cao.

Bắc Giang: Chợ Vân tồn tại thế nào trong khu di tích Đình chợ Vân thuộc ATK II Hiệp Hòa? - Ảnh 2.

Khu chợ ngày càng được mở rộng choán hết khuôn viên phía trước khu đình.

Tuy nhiên, đập vào mắt chúng tôi là cảnh họp chợ tùm lum ở nơi đây. Ngay trước mặt cửa đình là cảnh họp chợ với đủ thứ hàng hóa, từ các tiểu thương bán gà sống đến khu bán các đồ khô, quần áo với các tấm bạt, phông che gần hết khu đình phía trong.

Chúng tôi rẽ vào một khu bán gà sống tại chợ. Theo quan sát của chúng tôi, có khoảng 15-20 tiểu thương bán gà tại chợ. Cá tiểu thương đứng thành từng ô, gà được đặt trên xe máy và các lồng gà được đặt xuống đất để bán cho khách. Cả dãy mùi phân gà và mùi hôi nồng nặc. Trò chuyện với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Liễu- một tiểu thương ở xã Hòang Vân cho biết, chị cùng các tiểu thương khác sang đây buôn bán gà đã lâu. Nay là phiên chợ, chị mang gà sang bán, ai mua gà sống thì bán tại chỗ, còn ai muốn gà thịt sẵn, chị sẽ điện về nhà để làm.

Khi nghe chúng tôi hỏi, bán gà ở đây môi trường rất bẩn, mùi phân gà thải ra ngay trước cửa đình có ảnh hưởng đến tâm linh, chị Liễu cho biết: "Chúng tôi cũng biết là như vậy nhưng giờ bán ở đây quen rồi, với cũng không có ai nói gì nên chúng tôi cứ bán thôi. Chị em chúng tôi cũng có đóng tiền vệ sinh để kết thúc phiên chợ sẽ thuê dọn vệ sinh sạch sẽ trở lại".

Còn chị Nguyễn Thị Loan ở xã Hòang An cũng bán gà, vịt tại đây cho biết, mỗi ngày chị bán được khoảng 30-50 con gà. "Chúng tôi cũng cố gắng giữ vệ sinh hết sức có thể. Giờ họp chợ ở đây quen rồi, nhưng nếu có chủ trương xây khu chợ mới để chúng tôi di dời, chúng tôi cũng chấp thuận thôi".

Bắc Giang: Chợ Vân tồn tại thế nào trong khu di tích Đình chợ Vân thuộc ATK II Hiệp Hòa? - Ảnh 3.

Dãy bán gà sống của các tiểu thương án ngữ ngay phía trước khu đình tạo thành một cảnh rất lộn xộn, ô nhiễm môi trường.

Sát với khu vực lên cửa đình là dãy bán hàng đồ khô các loại như gạo, thực phẩm, quần áo... Các tiểu thương căng bạt, quây vài thành từng ô trông rất lụp xụp. Chị Nguyễn Thị Hồng làm nghề bán gạo ở đây cho biết: "Tôi ngồi bán gạo và thực phẩm ở đây đã hơn 20 năm rồi, ban đầu chỉ có một ít số hộ nhưng dần dà do nhu cầu tăng lên, số hộ về đây họp chợ ngày càng nhiều. Không chỉ bán gạo, nhiều mặt hàng khác cũng được bán ở đây, trong đó có cả dịch vụ nổ bỏng ngô, bán bóng bay...".

Nói về việc di dời chỗ họp chợ, chị Hồng tâm sự, giờ bảo chúng tôi đi họp chợ ở nơi khác là rất khó khăn, tôi bán hàng ở đây quen rồi, giờ đi đâu được, nếu đi có được hỗ trợ gì không?

Bắc Giang: Chợ Vân tồn tại thế nào trong khu di tích Đình chợ Vân thuộc ATK II Hiệp Hòa? - Ảnh 4.

Đình chợ Vân

Bắc Giang: Chợ Vân tồn tại thế nào trong khu di tích Đình chợ Vân thuộc ATK II Hiệp Hòa? - Ảnh 5.

Bắc Giang: Chợ Vân tồn tại thế nào trong khu di tích Đình chợ Vân thuộc ATK II Hiệp Hòa? - Ảnh 6.

Họp chợ án ngữ ngay trước cửa đình.

Sẽ di chuyển chợ ra khu mới rộng 1ha

Ông Trần Văn Quyền- Trưởng Ban quản lý chợ Vân cho biết: "Nếu chỉ tính riêng các hộ ngồi cố định ở đây thì có khoảng 50 tiểu thương, còn vào những phiên chợ chính thì có đến trên dưới 200 tiểu thương về đây họp chợ". Theo ông Quyền, không biết rõ chính xác chợ Vân có bao nhiêu năm nhưng ông bảo, năm nay tôi hơn 70 tuổi rồi nhưng ngay từ bé tôi đã thấy có chợ họp ở đây, chắc phải đến cả trăm năm.

"Chợ là một phần không thể tách rời của khu di tích này. Chợ gắn với đình, đình gắn với chợ nên mới gọi là Đình chợ Vân. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ di dời chợ đi đâu khác, vì nếu di dời đi mà chỉ còn mỗi đình thì không còn là Đình chợ Vân nữa. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chính từ đây đã xuất hiện cuộc khởi nghĩa của các chiến sĩ cách mạng chống lại thực dân Pháp"- ông Quyền cho biết.

Tuy nhiên, ông Quyền cũng thừa nhận, trước đây số hộ tiểu thương họp còn ít, chủ yếu là đồ khô thì không có vấn đề gì lắm. Hiện nay xuất hiện thêm nhiều hộ mới, kinh doanh nhiều mặt hàng mới, nhất là hàng tươi sống như gà, cá, thịt đã ảnh hưởng không nhỏ đến quần thể di tích, đặc biệt là vấn đề tâm linh đối với ngôi Đình cổ có từ thế kỷ 12.

"Nếu di dời, tôi nghĩ cần lấy ý kiến rộng rãi của các tiểu thương nhưng cũng nên giữ lại một số mặt hàng truyền thống để du khách về đây vừa tham quan, vừa đi... chợ thì sẽ hợp lý hơn cả"- ông Quyền cho biết.

Trên thực tế, theo quan sát của chúng tôi chợ Vân cũng có rất nhiều mặt hàng đặc trưng như dịch vụ rèn dao, dụng cụ nông nghiệp, các loại nông sản đậm chất quê như bồ kết, hành, tỏi... và được người dân họp khá ổn định. Song có một phân khu mới là khu rau củ nông sản và hàng tươi sống như cá, thịt... khá đông và nhộn nhịp nhưng cũng đặt ra vấn đề rất lớn về vệ sinh môi trường, đặc biệt là sự hài hòa với cảnh quan của toàn bộ cụm di tích.

Là một người gắn bó lâu đời với mảnh đất lịch sử này, cụ Nguyễn Văn Khiêm (90 tuổi) ở xã Hoàng An cho biết: Di tích Đình chợ Vân có từ thế kỷ thứ 12, sau đến thời Lê Trung Hưng đã được trùng tu xây dựng lại một lần. Rồi do thời gian, đình đã bị sập hoàn toàn, sau đó đã được phục dựng lại trên nền đất cũ và đúng với mô phỏng của ngôi đình cổ trước đây.

"Hàng năm, đình có sự lệ vào ngày 10/4 âm lịch, chúng tôi thường tổ chức tế và ngày 12/8 là lễ giỗ thánh, 10/10 âm làm lễ rước kiệu. Đình thiêng lắm, rất nhiều du khách đến đây tham quan. Còn về chợ cũng họp từ lâu rồi, trước đây nhếch nhác và bẩn lắm. Vừa rồi, do xã mới được đón nhận bằng công nhận nông thôn mới nên có đổ bê tông nền lại đó"- cụ Khiếm giãi bày.
Cụ Khiêm cũng mong muốn, làm sao phải tổ chức, bố trí cảnh quan cho khu họp chợ và khu đình hài hòa, chứ để như hiện nay chợ đang "lấn" hết đình và làm ngôi đình kém linh thiêng.

Bắc Giang: Chợ Vân tồn tại thế nào trong khu di tích Đình chợ Vân thuộc ATK II Hiệp Hòa? - Ảnh 7.

Khu họp chợ được lợp mái tôn cố định.

Về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, ông Bùi Văn Thịnh- Chủ tịch UBND xã Hòang An cho biết: "Tại cụm di tích này, có 3 khu gắn liền với nhau là đình- chợ- ao. Vừa rồi, được vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới, chúng tôi đã tiến hành tu bổ và tôn tạo lại khu di tích. Theo đó, đã cho kè lại toàn bộ ao phía trước, đổ bê tông nền cho khu họp chợ và đang xây nhà tiếp đón, nhà tiền chế ở khu đình. Vốn dĩ lịch sử là đình gắn với chợ nhưng hiện nay cũng đang xuất hiện vấn đề là chợ phát triển quá nhanh nên cũng ảnh hưởng đến cảnh quan khu đình".

Bắc Giang: Chợ Vân tồn tại thế nào trong khu di tích Đình chợ Vân thuộc ATK II Hiệp Hòa? - Ảnh 8.

Khu bán cá cũng lọt vào cụm di tích lịch sử, linh thiêng này.

Để giải quyết vấn đề này, huyện Hiệp Hòa đã có chủ trương quy hoạch khu chợ mới rộng khoảng 1ha nằm cách đó không xa nhưng lại thuộc địa bàn xã Hoàng Vân. "Về chủ trương thì chúng tôi cũng ủng hộ và chấp hành quy hoạch thôi, nhưng nếu di dời chợ sang xã Hoàng Vân thì bản thân xã Hoàng An cũng mất đi một nguồn thu phí từ họp chợ, nên chúng tôi cũng rất mong huyện, tỉnh xem xét đến vấn đề này"- ông Thịnh cho biết.

Theo ông Thịnh, hiện dự án xây chợ mới đã được thông qua với số vốn đầu tư khoảng 4 tỉ đồng, chợ nằm ở vị trí thuận lợi cho bà con họp chợ và cũng giáp xã Hoàng An hiện nay. Về lâu dài, khi 2 xã Hoàng An và Hoàng Vân sáp nhập lại với nhau, thì cũng không có vấn đề gì. Trong quy hoạch mới của Sở VHTTDL Bắc Giang cũng không có chợ ở khu di tích Đình chợ Vân. Còn về các kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của bà con tiểu thương, chúng tôi sẽ tiếp thu và báo cáo lên huyện xem xét, giải quyết thấu đáo.

Đình Chợ Vân - nơi diễn ra cuộc diễn thuyết của cán bộ cách mạng phát động cao trào kháng Nhật, đánh Pháp, cứu nước, giành chính quyền về tay nhân dân

Thắng lợi ở Xuân Biều, Trung Định, đồn điền Vát đã nâng cao uy thế của Mặt trận Việt Minh. Nhân dân vô cùng phấn khởi, khí thế cách mạng sục sôi trong toàn vùng. Trên đà thắng lợi, ngày 15 tháng 3 năm 1945, hai đồng chí Lê Thanh Nghị và Nguyễn Trọng Tỉnh đã chỉ đạo Chi bộ Đảng Hoàng Vân và Mặt trận Việt Minh địa phương tổ chức một cuộc tuyên truyền xung phong tại đình Chợ Vân nhân ngày phiên chợ, nhằm phát động cao trào cứu nước rộng rãi trong quần chúng và phát động quần chúng phá kho thóc của Nhật, Pháp giải quyết nạn đói.

Để biểu dương lực lượng, phát huy khí thế cách mạng của quần chúng, ngày 16/3/1945, Ban cán sự Tỉnh tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại đình Chợ Vân. Sự kiện này có ảnh hưởng mạnh mẽ tới phong trào cách mạng ở các vùng xung quanh, góp phần vào sự nghiệp cách mạng của cả nước.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem