Một chợ phiên ở Lai Châu chả biết thì thôi, hễ biết mà không tới tận nơi kể cũng tiếc vì điều gì?
Một chợ phiên ở Lai Châu không biết thì thôi, hễ biết mà không tới tận nơi kể cũng tiếc vì điều gì?
Nguyễn Trọng Văn
Thứ hai, ngày 02/09/2024 05:46 AM (GMT+7)
Lần lên Lai Châu công tác, tôi được các bạn đồng nghiệp ở đây cho hay: “Chợ phiên San Thàng nơi hội tụ những sắc màu văn hóa lâu đời của đồng bào các dân tộc Tày, Mông, Dao, Giáy, Lự… Các anh chị đã lên tới đây mà không đi chơi chợ San Thàng thì kể cũng tiếc”.
Lời giới thiệu ngay lập tức khiến tôi muốn được dự chợ phiên mà cơ hội không dễ gì có được. Thế là chiếc xe 7 chỗ của cánh phóng viên chúng tôi khởi hành ngay từ sáng sớm. Rất may là chợ San Thàng chỉ cách TP Lai Châu (tỉnh Lai Châu) khoảng 5km, lại ngay trên Quốc lộ 4D.
San Thàng là một phố nhỏ nhưng cũng đủ các cửa hàng cửa hiệu như một thị trấn. Chợ San Thàng ở về một bên của dãy phố này. Bước vào chợ cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là một khung cảnh chợ miền núi rực rỡ đủ sắc màu.
Sắc màu từ trang phục của bà con các dân tộc đến chợ, sắc màu của phong cảnh núi rừng. Chợ San Thàng lại nằm ngay bên một dòng suối khá lớn.
Ấn tượng vào ngay mắt tôi là một cây cầu treo vắt ngang dòng suối. Trên cầu từng tốp bà con vui vẻ qua cầu để tới chợ.
Tôi được anh bạn đồng nghiệp ở Lai Châu cho hay: "San Thàng là một xã vùng cao thuộc huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.
Xã có 6 dân tộc anh em cùng sinh sống với những phong tục tập quán tuy khác biệt nhưng lại rất đoàn kết và nhất là khi đã tới chợ thì vô cùng hòa quyện". Sự đa dạng về dân tộc và văn hóa của từng dân tộc trong xã đã tạo nên nét văn hoá đặc sắc ở nơi đây.
Đặc biệt là trong mỗi buổi chợ phiên San Thàng họp, đồng bào tới chợ không chỉ để mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn tới để chơi chợ, để hẹn hò, hay say cái men say của núi rừng Tây Bắc nói chung, núi rừng Lai Châu nói riêng.
Tôi hỏi thêm và được biết San Thàng là 1 trong 13 đơn vị hành chính của huyện Tam Đường. Anh bạn đồng nghiệp dẫn đường cho hay: "Tam Đường nghĩa là "ngã ba đường". Trung tâm huyện là nơi có ngã ba giao nhau giữa Quốc lộ 4D và Quốc lộ 32".
Trong mỗi buổi chợ phiên San Thàng họp, đồng bào tới chợ không chỉ để mua bán, trao đổi hàng hoá mà còn tới để chơi chợ, để hẹn hò, hay say cái men say của núi rừng Tây Bắc nói chung, núi rừng Lai Châu nói riêng.
Ở chợ phiên này không chỉ có người dân xã San Thàng mà còn có rất nhiều bà con từ các xã, các huyện lân cận cũng rủ nhau tới chợ, là một nét sinh hoạt văn hóa lý thú của người dân vùng cao nơi đây.
Anh bạn đồng nghiệp bổ sung thông tin: "Chợ phiên San Thàng họp vào sáng thứ 5 và sáng chủ nhật hàng tuần, như anh thấy là rất đông đúc, tấp nập, rực rỡ sắc màu bởi trang phục của đồng bào các dân tộc vùng cao. Những người tới chợ từ sớm, họ mang theo những sản vật của núi rừng như mật ong rừng, gà rừng hoặc những sản phẩm thủ công truyền thống khăn, áo, đồ mây tre đan, vải thổ cẩm".
Chợ phiên San Thàng còn bán đủ thứ hàng tiêu dùng, như từ cái kim, sợi chỉ cho đến mớ rau, củ khoai, củ sắn và cả những sản phẩm thiết yếu cho gia đình.
Thú vị nữa là khu vực bán lợn giống. Những chú lợn giống được nhốt trong những chiếc lồng đan bằng tre, đen nhánh, luôn phát ra những tiếng kêu èng ẹc nghe rất vui tai và mời gọi.
Tôi cũng đã vài lần được đi "chơi chợ" Sa Pa, "chơi chợ" Bắc Hà, "chơi chợ Quản Bạ", "chơi chợ Khau Vai"... Cho dù là chợ dân sinh hay "chợ tình" thì nét sinh hoạt đầy tính văn hóa vùng cao vẫn là chủ đạo.
Vì nếu đi "chợ tình" để tìm gặp tình xưa hay tìm người "trong mộng" thì các cô gái, chàng trai vùng cao vẫn ăn mặc hết sức lộng lẫy, hết sức chu tất. Ở chợ San Thàng tôi đã gặp ông Tào Văn Si - người dân tộc Lự ở xã Bản Hon, huyện Tam Đường.
Thấy ông ăn mặc khá chỉn chu và có tí chút mượt mà đầu tóc nên tôi làm quen, hỏi chuyện. Ông Si thật thà cho hay: "Mình đi chợ là để chơi chợ thôi". Tôi cười bảo: "Chơi chợ mà anh Si ăn mặc chải chuốt quá. Chắc đã hẹn "người yêu cũ" cũng đi chơi chợ hôm nay phải không?". Ông Sĩ cười đỏ cả khuôn mặt.
Nhớ năm chúng tôi đi chơi chợ Sa Pa. Thực ra đấy là một chợ tự phát chứ không phải là chợ Sa Pa truyền thống ở gần đó. Chợ "họp" ở ngay sân vận động thị xã, ở khu vực có đông du khách.
Nghệ nhân ưu tú Giàng Seo Gà - người nổi tiếng xứ hoa đào với tiếng sáo hút hồn các cô thiếu nữ, đã nói: "Cũng có người xuống chợ nhưng không phải ai cũng đi tìm người yêu cũ hay tìm người yêu mới. Đi chơi chợ là phong tục, là truyền thống của người vùng cao mà".
Tôi đã gặp buổi biểu diễn ngẫu hứng giữa một chàng trai trẻ trong tiếng khèn quyến luyến và một cô gái váy xòe hoa đang nhịp nhàng múa ô. Lại nhớ ông Giàng Seo Gà đã nói: "Cứ có đôi là có múa khèn thôi".
Kết nối người và người, người và xã hội
Tôi thầm nghĩ: Đúng là ở vùng núi cao xa xôi, nếu không có những phiên chợ dân sinh kết hợp sinh hoạt văn hóa thì có lẽ người dân vùng núi cao khó lòng kết nối với nhau, khó lòng kết nối với xã hội, khó lòng kết nối với các sinh hoạt văn hóa của các dân tộc anh em khác. Suy nghĩ đó cũng cho thấy: Văn hóa vùng núi cao được thể hiện thông qua văn hóa chợ?
Và cũng như chợ phiên San Thàng, ở các chợ vùng cao này nét nổi bật vẫn là khu vực bày bán trang phục truyền thống của các dân tộc.
Những người đàn bà con gái khi đi chơi chợ đều tìm đến khu vực này để tìm mua hoặc là bộ váy cho mình, hoặc là tìm mua những tấm khăn thêu, những tấm vải thổ cẩm đủ màu sắc hoa văn tinh xảo.
Cũng có khi chỉ để lựa tìm những cuộn chỉ thêu để mang về nhà rồi tự tay mình cần mẫn ngồi thêu khăn thêu váy. Thêu để dùng cho mình và thêu để đi chơi chợ bán cho người nào yêu thích. Nét hay ở đây cũng là cho thấy sự tài hoa của những người phụ nữ vùng cao.
Tôi mạnh dạn tới bên tốp những cô gái dân tộc đang say sưa nhìn ngắm, lại toàn những cô gái xinh đẹp mới "chết" chứ. Các cô váy hoa rực rỡ hệt như một vườn hoa vậy.
Các cô ban đầu còn e dè khi thấy tôi tới bên, nhưng rồi chắc là nhìn mặt tôi cũng thấy hiền hiền, thấy tin tin nên các cô che miệng cười khúc khích. Mãi rồi cô Lý Tả Mẩy - người bản Mới, người hồi sáng khi lúc tôi mới tới chợ San Thàng đã tình cờ chụp được ảnh cô đang đi cùng đám chị em trong bản Mới qua cầu treo San Thàng, mỉm cười duyên dáng nói với tôi: "Em đến chợ để giao lưu với chị em các thôn bản. Thông qua đi chơi chợ mà chúng em được quen, được biết nhiều người".
Rồi cô Mẩy cười: "Được biết cả những anh người Hà Nội như các anh nữa. Bọn em vui lắm. Nhớ lần sau tới chợ San Thàng sẽ tìm bọn em nhé".
Ôi chao, mạnh dạn đến thế là cùng! Lời nói của cô Mẩy làm tôi chợt nóng bừng hai vành tai, lại nóng thêm bởi cô bạn đồng nghiệp huơ huơ điện thoại nói: "Chuẩn bị tiền mua chuộc em đi. Em mà cho chị nhà xem bức ảnh anh với cô Mẩy "tình tứ" với nhau thì chỉ có nước hôm nào về Hà Nội đến cơ quan ngủ nhờ thôi"...
Nhiều năm nay, các tỉnh miền núi đã duy trì những chợ phiên và khôi phục những chợ phiên đã lâu im ắng.
Theo đó, việc khôi phục chợ phiên giúp người dân gìn giữ những nét đặc sắc văn hóa của đồng bào, tạo thuận lợi cho bà con giao lưu, buôn bán, nâng cao thu nhập. Người dân vùng cao đến chợ phiên không chỉ để giao lưu, trao đổi hàng hóa mà còn góp phần gìn giữ những nét văn hóa truyền thống của các dân tộc.
Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của chợ phiên, các địa phương cần tính đến bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo tồn không gian truyền thống, tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn thông qua hoạt động tham quan, trải nghiệm cho du khách; duy trì tổ chức các hoạt động múa hát, giao lưu văn nghệ tại chợ để phiên chợ thực sự là nơi giao lưu, tăng cường tinh thần đoàn kết gắn bó của các dân tộc, gìn giữ, bảo tồn và tôn vinh, quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống đến với du khách trong tỉnh, trong nước và quốc tế khi đến với chợ phiên vùng cao.
Duy trì hoạt động chợ phiên cũng là cách tạo sinh kế để bà con người dân tộc thiểu số ở vùng cao thoát nghèo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.