Bắc Kạn: Lập các tổ dùng nước để chống hạn

Thứ sáu, ngày 15/03/2013 09:20 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Vụ xuân năm nay, 20ha đất cấy lúa của xã Huyền Tụng (TX. Bắc Kạn) không còn cảnh thiếu nước phải bơm nước từ sông Cầu vào do được hưởng lợi từ hệ thống kênh mương dẫn nước từ hồ tiêu thuỷ diện tích 3.000m2.
Bình luận 0

Công trình này trước đây do doanh nghiệp tư nhân xây dựng, sau đó bàn giao cho xã Huyền Tụng quản lý nhưng không phát huy hiệu quả, nay được giao lại cho Công ty TNHH MTV Thuỷ nông tỉnh quản lý, nạo vét, nhờ đó hầu hết diện tích đã có nước tưới.

Những năm gần đây trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có một số vùng thường xuyên thiếu nước sản xuất, tập trung ở các xã: Nam Cường (Chợ Đồn); Nà Phặc (Ngân Sơn); Lương Thành, Văn Minh, Cư Lễ (Na Rì)... Vì thế, ông Nguyễn Văn Đức - Giám đốc công ty cho biết, ngay từ 15.2 (tức ngày 6 Tết), toàn thể cán bộ, công nhân của đơn vị đã bắt tay vào làm việc, sẵn sàng cho việc xả, dẫn nước vào kênh mương phục vụ nhân dân.

img
Nạo vét kênh mương ở huyện Ba Bể, Bắc Kạn để chống hạn cho vụ xuân.

Với 37 trạm bơm điện cố định và 211 máy bơm dầu và bơm điện dã chiến, vòi tưới được sử dụng tối đa công suất. Các cán bộ kỹ thuật của công ty thường trực tại các trạm bơm, trên đồng ruộng để điều tiết nước tưới cho sản xuất. Chính vì thế gần như toàn bộ diện tích có nguy cơ thiếu nước trong phạm vi tưới của công trình thủy lợi, nhưng đã được khắc phục, chỉ còn 38ha phải chuyển đổi sang trồng màu. Bên cạnh đó, chính quyền và nhân dân các huyện của Bắc Kạn cũng chủ động trang bị máy bơm, dùng kinh phí hỗ trợ dầu chạy máy bơm nước.

Người dân đắp bờ đập dâng dẫn nước vào phai. Điển hình trong việc triển khai hiệu quả các biện pháp chống hạn vụ xuân là xã Quảng Chu (Chợ Mới) đã thành lập nên các tổ dùng nước để quán xuyến toàn bộ công tác thuỷ lợi, điều tiết nước tưới cho các thôn, đảm bảo ruộng nào cũng có nước.

Tuy nhiên, theo đánh giá, công tác chống hạn ở Bắc Kạn cũng còn một số bất cập, hạn chế như một số nơi xuất hiện tình trạng mạnh ai, nấy làm nên đã xảy ra tình trạng nơi thừa nước, nơi thiếu nước nhất là những cánh đồng ở cuối kênh.

Ngoài ra, do ý thức bảo vệ công trình thủy lợi chưa cao, người dân tự ý đập cả ống dẫn để lấy nước cho mình, nên hàng năm phải mất nhiều công sức để sửa chữa khắc phục. Một vấn đề nữa là kinh phí tu sửa các công trình thủy lợi, như năm 2012, toàn tỉnh có 475 công trình thuỷ lợi được sửa chữa nạo vét, tuy nhiên vẫn còn 20 công trình cần sửa chữa lớn với kinh phí 18 tỷ đồng chưa thực hiện được, vì không có kinh phí.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem