|
Diêm dân Bạc Liêu đón vụ muối mới trong buồn bã vì muối vụ cũ vẫn còn tồn đọng rất nhiều. |
Điều mà diêm dân buồn hơn là chưa thấy có một động thái tích cực nào từ chính quyền và các cơ quan chức năng liên quan tác động có hiệu quả vào đồng muối, với mong muốn cải tiến công nghệ làm muối trắng thay cho làm muối đen truyền thống như lâu nay. Việc này chưa khắc phục được thì muối sản xuất vụ tới của diêm dân sẽ tiếp tục ế.
Theo thống kê, niên vụ 2010, Bạc Liêu thu gần 220.000 tấn muối và chỉ tiêu thụ được 60% sản lượng trên. Hiện còn tồn đọng gần 100.000 tấn muối. Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) được Bộ NN&PTNT giao mua tạm trữ 200.000 tấn muối trong dân nhưng chỉ mua toàn muối trắng trải bạt, trong khi 98% sản lượng muối Bạc Liêu là muối đen truyền thống.
Kỹ sư Nguyễn Thanh Sơn - Chi cục Phát triển nông thôn Bạc Liêu nói: “Kê toa kiểu ấy thì “bệnh bí đầu ra” không thể chữa được, muốn giúp diêm dân thì phải giúp tới nơi, tới chốn, muốn làm muối trắng phải đầu tư, phải có thời gian chuẩn bị, đằng này không đầu tư lấy đâu có sản phẩm muối trắng….”.
Sở đã làm nhiều văn bản gửi về Bộ NN&PTNT và Vinafood 1 xin tiếp tục hỗ trợ thu mua cả muối sản xuất truyền thống để giúp diêm dân có thu nhập tái sản xuất, nhưng chưa thấy hồi âm.
Ông Lương Ngọc Lân - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu
Ông Nguyễn Hoàng Khải - Chi cục phó Chi cục này cũng nhận định: “Diêm dân gặp khó ở niên vụ này vì thiếu vốn tái sản xuất do chưa bán được muối, trong khi nhu cầu trải bạt làm muối trắng với định suất đầu tư khá cao (20 - 40 triệu đồng/ha), nên chưa có ai đứng ra đầu tư…”.
Thực tế sản xuất muối ở Bạc Liêu đang bộc lộ nhiều cái khó cần giải quyết ngay khi mùa vụ làm muối đã khởi động: Diêm dân không vốn, muốn vay không thể, vì sổ đỏ đã gửi nhiều năm nay ở ngân hàng; thời gian ứng dụng công nghệ mới không còn kịp; kỹ thuật mới chưa được trang bị... Rõ ràng duy trì sản xuất muối truyền thống sẽ tồn tại ít nhất là thêm 1 niên vụ nữa, điều này đồng nghĩa với việc chấp nhận thách thức, mà người gánh chịu không ai khác - chính là diêm dân.
Nên chăng, nhà nước cần xem xét tiếp tục mua tạm trữ hết muối trong dân để giúp diêm dân có vốn tái sản xuất; cho vay, hỗ trợ đắc lực khâu trải bạt (cung ứng vật tư, trả chậm, cung ứng bạt sau thu mua lại muối… kèm theo huấn luyện kỹ thuật canh tác) giúp diêm dân có điều kiện ứng dụng công nghệ mới.
Vũ Khánh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.